Ở Nhật có khoảng 52.000 cơ sở công cộng được chỉ định làm điểm trú ẩn tránh các vụ tên lửa tấn công, nhưng rất ít người dân biết những nơi này do không có biển báo.

Nhật Bản: Nhiều điểm trú ẩn khẩn cấp không gắn biển báo cho dân biết

Bảo Vĩnh | 05/11/2022, 13:48

Ở Nhật có khoảng 52.000 cơ sở công cộng được chỉ định làm điểm trú ẩn tránh các vụ tên lửa tấn công, nhưng rất ít người dân biết những nơi này do không có biển báo.

Do Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo hướng vào Nhật trong thời gian gần đây, chính quyền các địa phương ở Nhật đã khẩn trương thiết lập các điểm trú ẩn khẩn cấp. Các điểm được chỉ định làm điểm trú ẩn có thể là trường học, trung tâm cộng đồng, nhà thi đấu thể thao, tuyến xe điện ngầm...

japan-shelter-reuters(3).jpg
Một gia đình Nhật trong điểm trú ẩn là nhà thi đấu - Ảnh : Reuters

Theo Văn phòng Chính phủ Nhật, tính đến tháng 4.2021, trên toàn quốc có 94.125 điểm được chỉ định làm điểm trú ẩn khẩn cấp, nhưng chỉ có 1.278 điểm trong số này được đào sâu dưới đất - điều cho phép chịu đựng sức nổ xảy ra khi bị tên lửa tấn công.

Địa phương ngần ngại việc phải chi tiền để gắn biển báo

Chính phủ Nhật công bố danh sách và địa chỉ của các điểm sơ tán trên trang web. Nhưng vấn đề là rất ít người dân biết các điểm này do không có nhiều nơi gắn biển báo rằng đây là điểm sơ tán khẩn cấp.

Báo Yomiuri Shimbun dẫn chứng, vào sáng 3.11, Masaei Igarashi - một công dân Nhật đang ở trong nhà thì điện thoại thông minh của anh nhận được thông tin từ J-Alert báo động Triều Tiên phóng tên lửa.

J-Alert là hệ thống lập tức báo động người dân về một tình huống khẩn cấp như phóng tên lửa hoặc động đất, được đưa vào hoạt động từ tháng 2.2007.

Igarashi biết phải tránh xa cửa sổ, nhưng anh chưa bao giờ nghĩ việc rời khỏi nhà tìm điểm trú ẩn vì không nghe nói về “điểm sơ tán khẩn cấp”.

Điểm sơ tán gần nhà Igarashi nhất là Công viên Thể thao của tỉnh Niigata, nơi mà anh thường dẫn con đến chơi. Nhưng ở công viên này không có biển báo là cơ sở trú ẩn. Anh nói: “Không có biển báo đó là một điểm sơ tán thì chúng tôi không thể ứng xử khi tình huống khẩn cấp xảy ra”.

Ngày 1.4.2021, chính quyền tỉnh Niigata đã chỉ định 1.346 vị trí làm điểm sơ tán khẩn cấp, nhưng công tác gắn biển báo không được thực hiện.

Một quan chức phụ trách mảng xử lý tình trạng khẩn cấp cho biết: “Chúng tôi muốn chính phủ chỉ dẫn cách chúng tôi thông báo đến người dân. Nếu gắn biển báo thì kinh phí là điều chúng tôi lo lắng”.

japan-shelter.jpg
Trạm xe điện ngầm không báo công năng là điểm trú ẩn - Ảnh: Yomiuri Shimbun

Chính phủ Nhật giải thích “đang xem xét việc sử dụng hình ảnh để xác định các điểm sơ tán”. Chính phủ còn cho biết, mục tiêu từ nay đến cuối năm tài khóa 2025 là giai đoạn tập trung nỗ lực lập thêm nhiều điểm sơ tán khẩn cấp.

Ngoài ra, những khó khăn trong việc thiết lập một hệ thống tiếp nhận người sơ tán cũng đang là vấn đề. Hiệu phó một trường tiểu học ở thủ đô Tokyo nói: “Cổng vào các trường thường khóa vì lý do an ninh nên sẽ không thể lập tức đón nhận mọi người đến trú ẩn”.

Ông cho biết thêm: “Nếu xảy ra một vụ động đất lớn, nhóm đối phó thiên tai địa phương có trách nhiệm mở cổng vào trường. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ trao đổi với các giáo viên về quy trình đón nhận người sơ tán khi xảy ra tình trạng khẩn cấp”.

Chính phủ Nhật cũng xác nhận chưa lập bản hướng dẫn điều hành hoạt động của các điểm sơ tán khẩn cấp.

Từ tháng 5, có 58 trạm xe điện ngầm thuộc tuyến Tokyo Metro được chỉ định làm điểm sơ tán khẩn cấp tạm thời. Nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp, các trạm này có thể chứa rất nhiều người sơ tán.

Nhưng một quan chức của Tokyo Metro cho biết: “Chúng tôi chưa quyết định nhân viên trạm sẽ làm thế nào trong những lúc khẩn cấp đó”.

Tương tự, tuyến Toei Subway có 57 trạm được chọn làm điểm sơ tán khẩn cấp tạm thời, nhưng ban quản lý chưa quyết định cách đối phó tình trạng khẩn cấp.

japan-shelter-reuters2.jpg
Người bán mì ăn liền tại một điểm trú ẩn - Ảnh: Reuters

Sự thiếu chuẩn bị không chỉ hạn chế ở cơ sở trú ẩn. Vào năm 2017, có 29 chính quyền địa phương Nhật tổ chức diễn tập sơ tán nhằm đề phòng tên lửa tấn công từ Triều Tiên. Nhưng từ tháng 6.2018 không còn cuộc diễn tập nào, do cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đã hạ nhiệt từ sau cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc.

Naofumi Miyasaka, một giáo sư ở Học viện Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản và là mọt chuyên viên về bảo vệ dân sự, nói: “Một vụ tên lửa tấn công có thể gây ra nhiều tổn thất khác nhau, tùy vào dạng đầu đạn, điều kiện vụ nổ và cấp độ tái diễn tấn công như thế nào. Không thể giả định từng tình huống. Vì thế, cách làm hợp lý trước tiên là cải thiện khả năng đối phó, rồi liên tục diễn tập sơ tán và sử dụng các điểm trú ẩn đang có”.

Bài liên quan
Nhật tăng cường các trạm xe điện ngầm thành điểm trú ẩn khẩn cấp cho người dân nếu chiến tranh
Các địa phương ở Nhật ngày càng đưa nhiều trạm xe điện ngầm vào danh sách điểm trú ẩn khẩn cấp cho người dân trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công bằng tên lửa.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản: Nhiều điểm trú ẩn khẩn cấp không gắn biển báo cho dân biết