Các địa phương ở Nhật ngày càng đưa nhiều trạm xe điện ngầm vào danh sách điểm trú ẩn khẩn cấp cho người dân trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công bằng tên lửa.
Theo báo Asahi Shimbun ngày 20.9, đấy là động thái đề phòng sau khi xảy ra chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine.
Điểm trú ẩn ở trạm xe điện ngầm tăng cơ hội sống sót
Từ ngày 1.6, đã có 409 trạm được chỉ định làm điểm trú ẩn khẩn cấp trên toàn nước Nhật, tăng gấp ba so với 142 trạm được chỉ định vào ngày 23.2, một ngày trước khi xảy ra chiến tranh ở Ukraine.
Hồi tháng 5, chính quyền Tokyo đã lập danh sách 105 trạm được chọn làm điểm trú ẩn.
Ngày 7.4, chính quyền tỉnh Osaka cùng hai thành phố Osaka và Sakai đã chọn 108 trong tổng số 133 trạm của tuyến Osaka Metro làm điểm trú ẩn.
Thị trưởng Osaka hôm ấy nói: “Các trạm này không thể ngăn chặn vũ khí hạt nhân, nhưng có thể cứu sống người dân khỏi sức công phá hủy diệt của một số loại tên lửa”.
Hệ thống xe điện ngầm ở Nhật nổi tiếng là hiện đại nhất thế giới, người dân sử dụng phương tiện này nhiều hơn các nước khác.
Hệ thống này vẫn đang phát triển, và nhiều thành phố lớn đã kết nối các trạm vào những trung tâm mua sắm dưới đất để tận dụng không gian tại những khu vực đông dân cư.
Cuối năm 2020, chính phủ Nhật đã kêu gọi các chính quyền đưa các cơ sở lớn dưới đất - như trạm xe điện ngầm, trung tâm mua sắm - vào danh sách điểm trú ẩn trong kế hoạch 5 năm, tính từ năm tài khóa 2021.
Trước đó, Luật Bảo vệ Công dân có hiệu lực từ năm 2004 quy trách nhiệm của 47 tỉnh trưởng và thị trưởng của 20 thành phố lớn ở Nhật là chỉ định các công trình bê tông vững chắc - như trường học, trung tâm cộng đồng, nhà thi đấu thể thao - làm điểm trú ẩn khẩn cấp.
Nhưng các chính quyền địa phương không chỉ định khu vực sau cổng kiểm soát vé là điểm trú ẩn, nhằm tránh nguy cơ người sơ tán té xuống đường ray, và xem các trạm xe điện ngầm chỉ là “cơ sở trú ẩn tạm thời”. Những người trú ẩn sẽ được chuyển đến nơi khác trong vòng 1 hoặc 2 giờ để bảo đảm an toàn.
Trạm xe điện ngầm Nhật không đủ sâu để chịu sức công phá của tên lửa
Theo Văn phòng Chính phủ Nhật, trên toàn quốc có 94.125 điểm được chỉ định làm điểm trú ẩn khẩn cấp, tính đến tháng 4.2021.
Nhưng chỉ có 1.278 điểm trong số này nằm sâu dưới đất, điều cho phép chúng chịu được sức nổ nếu các vụ tấn công bằng tên lửa xảy ra.
Các trạm xe điện ngầm Nhật có thể chứa được đông người trú ẩn, nhưng đại đa số được xây dựng tương đối nông, thiết kế cách mặt đất không quá 30 mét.
Nói chung, Nhật không hề có các trạm xe điện ngầm nằm sâu dưới đất như các trạm ở Ukraine.
Trạm Arsenalna ở thủ đô Kyiv của Ukraine cách mặt đất khoảng 105 mét. Đây là trạm xe điện ngầm sâu nhất thế giới, và được cho là có thể chịu đựng sức công phá của vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó trạm Roppongi thuộc tuyến Toei Oedo ở Tokyo là trạm xe điện ngầm sâu nhất của Nhật, cách mặt đất 42,3 mét.
Trạm Osaka Business Park thuộc tuyến Osaka Metro ở độ sâu 32 mét.
Ông Mitsuru Fukuda, giáo sư nghiên cứu cách xử lý rủi ro ở Đại học Nihon và là một chuyên gia về bảo vệ dân sự, nói rằng cần có những chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm tránh xảy ra tình trạng giẫm đạp khi người dân chạy tìm chỗ trú ẩn.
Ông nói: “Sơ tán vào các trạm xe điện ngầm nhằm tăng khả năng sống sót (nếu xảy ra một vụ tấn công bằng tên lửa) dù các điểm này không thể che chắn hiệu quả. Các chính quyền địa phương và các nhà vận hành xe điện ngầm cần tập luyện khả năng hướng dẫn an toàn cho người dân tìm chỗ trú ẩn lúc khẩn cấp”.