"Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” là câu chuyện thực tế sinh động của một bác sĩ Việt Nam – người trực tiếp tham gia trên tuyến đầu chống COVID-19.
Sau cuốn sách Để yên cho bác sĩ hiền từng gây tiếng vang khi ra mắt vào năm 2018, tháng 5.2021, bác sĩ Ngô Đức Hùng tiếp tục trình làng tác phẩm Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể khi làn sóng COVID-19 vẫn đang tiếp tục càn quét thế giới và Việt Nam.
Vẫn giọng văn hài hước, vui vẻ, cuốn sách Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể tiếp tục là những trang nhật ký muôn màu muôn vẻ từ những ngày tháng trực tiếp tham gia chống dịch COVID-19 của bác sĩ Ngô Đức Hùng – một bác sĩ của khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai.
Cuốn sách là những ghi chép về công việc của đội ngũ y tế tuyến đầu cùng những suy tư tâm tình, những câu chuyênh của họ khi đương đầu với bệnh dịch mới đầy nguy hiểm.
Cấu trúc của cuốn sách được sắp xếp theo thứ tự thời gian của mùa dịch như Năm Covid thứ nhất, Tháng ngày bình yên và Năm Covid thứ hai. Ở những trang nhật ký này, bác sĩ Ngô Đức Hùng đã ghi lại những cảm nghĩ, những chia sẻ, những câu chuyện trong tâm dịch, thông tin chưa từng xuất hiện trên báo chí và các phương tiện truyền thông.
Tác giả đã dành trọn hai mươi trang đầu tiên để điểm lại những thông tin quan trọng nhất về dịch COVID-19 giúp độc giả có được cái nhìn tổng quát về dịch bệnh, nguồn gốc của vi rút, cách thức hoạt động và con đường lây nhiễm của nó cùng với các mốc thời gian chính trong hai năm đại dịch hoành hành.
Lật giở những trang đầu của Năm Covid thứ nhất, từng sự kiện như được tái hiện vô cùng sống động, từ ngày đầu tin tức về dịch nhen nhóm, đến giai đoạn “Hoảng loạn - Đấu tố - Kỳ thị” diễn ra khắp trên các “mặt trận online” cho đến lần cách ly toàn xã hội khiến cho nhiều người lo lắng hoang mang.
Trong những ngày tháng đó, đội ngũ y bác sĩ trong tâm dịch đã gồng mình để không chỉ chống dịch “trong” mà còn ổn định tư tưởng “ngoài” cho người dân. “Đừng để người dân trở thành nạn nhân của những tin đồn ác ý cùng nỗi sợ hãi mơ hồ. Không được để ngành y phải đơn độc trong cuộc chiến này.”
Chương ba của cuốn sách là một quãng nghỉ có tên Tháng ngày bình yên với những câu chuyện về những ngày giãn cách chờ đợi những đợt sóng mới của dịch bệnh, thảnh thơi đi bên cuộc đời ngắm những yêu và sống, là những xót xa khi nhắc đến những cuộc chia ly. Vẫn nhịp điệu từ tốn, chất giọng giễu nhại như bàng quan đấy mà chua cay, mà tỉnh táo về những góc cạnh trong cơn đại dịch của cả nhân loại.
Cuốn sách cũng chỉ ra bài học lịch sử từ những đại dịch nguy hiểm mà nhân loại phải trải qua. Để loài người sinh tồn, các nhà khoa học cần tìm mọi cách để ngăn chặn đại dịch.
Với góc nhìn của người trong cuộc, những dòng nhật ký của bác sĩ Ngô Đức Hùng được ví như “con mắt thứ ba”, giúp bạn đọc có một cái nhìn đúng đắn về dịch bệnh, và hơn hết là cảm nhận được sâu sắc về tình người giữa thời buổi dịch bệnh rình rập trước cửa từng nhà.