Trong khi du khách tận hưởng sự ấm áp của mùa hè Địa Trung Hải thì các nhà khoa học thời tiết đang báo động về những hậu quả thảm khốc cho sinh vật biển khi nhiệt độ nước biển tăng lên.

Nhiệt độ nước biển Địa Trung Hải tăng lên đe dọa các loài sinh vật biển

Bảo Vĩnh | 19/08/2022, 10:20

Trong khi du khách tận hưởng sự ấm áp của mùa hè Địa Trung Hải thì các nhà khoa học thời tiết đang báo động về những hậu quả thảm khốc cho sinh vật biển khi nhiệt độ nước biển tăng lên.

Theo các nhà khoa học, các quốc gia ven biển Địa Trung Hải đang chứng kiến nhiều đợt nóng bất thường, nhiệt độ tăng từ 3 - 5 độ C so với mức nhiệt trung bình cùng thời điểm này hằng năm. Nhiệt độ hiện tại thường xuyên trên 30 độ C.

Hiện châu Âu và các quốc gia khác quanh Địa Trung Hải đang xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài, nhưng người ta lại không chú ý đến tình trạng sóng nhiệt biển tăng lên. Hiện tượng này do các dòng hải lưu tạo ra các vùng nước ấm, khi nhiệt độ khí quyển gia tăng thì sóng nhiệt biển tăng lên.

dia-trung-hai-nong-ap.jpeg
Các nhà khoa học thời tiết đang báo động về những hậu quả thảm khốc cho sinh vật biển khi nhiệt độ nước biển tăng lên

Nguy cơ sinh vật biển chết hàng loạt

Giống như các đợt nắng nóng trên đất liền, các đợt sóng nhiệt biển cũng kéo dài, thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu và tác động từ hoạt động của con người.

Joaquim Garrabou, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học biển ở Barcelona nói: “Tình hình này rất đáng ngại. Chúng ta cần nhanh chóng đối phó các vấn đề khí hậu càng sớm càng tốt”.

Ông Garabou là thành viên của một nhóm nghiên cứu gần đây đã công bố báo cáo về những đợt nắng nóng kéo dài ở biển Địa Trung Hải trong khoảng thời gian từ năm 2015 - 2019. Báo cáo cho biết những hiện tượng này sẽ dẫn đến “cái chết hàng loạt” của các loài sinh vật biển.

Khoảng 50 loài sinh vật biển gồm san hô, bọt biển và rong biển đang bị tác động của biến đổi khí hậu dọc theo bờ biển dài hàng ngàn km của Địa Trung Hải, theo báo cáo được đăng trên tạp chí Global Change Biology.

Tình hình ở lưu vực phía đông Địa Trung Hải cũng được đánh giá là rất nghiêm trọng. Các vùng biển ngoài khơi Israel, Cyprus, Lebanon và Syria “chắc chắn là những điểm nóng nóng nhất ở Địa Trung Hải”, theo Gil Rilov, nhà sinh vật học biển tại Viện nghiên cứu về hồ và hải dương học của Israel.

“Nhiệt độ nước biển trung bình vào mùa hè năm nay luôn ổn định ở 31 độ C. Các vùng biển nóng này có thể khiến nhiều loài sinh vật biển bị diệt vong vì mỗi mùa hè nhiệt độ tối đa luôn cao”, theo lời ông Rilov.

Nhà sinh vật học này cùng các đồng nghiệp đang chứng kiến sự suy giảm đa dạng sinh học biển ở phía tây Địa Trung Hải, trong đó Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha là những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng trong những năm tới.

Ông Garabou nói các vùng biển đã hấp thụ 90% nhiệt lượng dư thừa của Trái đất và 30% carbon dioxide thải vào khí quyển do sản xuất than, dầu và khí đốt. Tác dụng của sự hấp thụ này giúp che chắn Trái đất khỏi những tác động thời tiết khắc nghiệt nhất.

Ông Garrabou nói đó là nhờ các biển và đại dương luôn trong trạng thái khỏe mạnh: “Tuy nhiên, hiện tại con người đang đẩy đại dương đến một trạng thái không lành mạnh, thậm chí là rối loạn chức năng”.

Mối họa con người không có chỗ sống vì không còn biển

Các đợt nắng nóng kéo dài gần đây trong một khoảng thời gian nhất định đã gây ra hiện tượng không mưa hoặc ít gió. Nắng nóng trên đất liền gây ra sóng nhiệt biển và cả hai xu hướng này tác động lẫn nhau khiến khí hậu Trái đất nóng lên nhiều hơn.

Những đợt nắng nóng kéo dài trên đất liền đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia quanh Địa Trung Hải, gây ra hiện tượng cháy rừng, hạn hán, mất mùa và nhiệt độ cao khủng khiếp.

Các nhà khoa học cho biết, những đợt nắng nóng trên biển kéo dài cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các quốc gia giáp Địa Trung Hải và hơn 500 triệu người sống ở đây, nếu không có biện pháp xử lý sớm. Sinh vật biển sẽ bị cạn kiệt và du lịch sẽ bị ảnh hưởng khi những cơn bão mang tính tàn phá trở nên phổ biến hơn.

Dù chỉ chiếm khoảng 1% diện tích bề mặt đại dương toàn cầu, Địa Trung Hải là một trong những đại dương có đa dạng sinh học biển, chiếm 4 - 18% số loài sinh vật biển được biết đến trên thế giới. Vài loài sinh vật là chìa khóa để duy trì hoạt động và sự đa dạng của môi trường sống ở biển, nhưng đều bị ảnh hưởng nặng nề trong thời điểm hiện tại.

Ông Garrabout cho biết đã ghi nhận được tác động bị diệt vong của các loài sinh vật biển ở độ sâu 45 mét cách mặt biển, là nơi mà sóng nhiệt biển tăng đáng kể. Các đợt nắng nóng đã ảnh hưởng đến hơn 90% bề mặt biển Địa Trung Hải.

Theo các báo cáo gần đây nhất, nhiệt độ bề mặt biển ở Địa Trung Hải đã tăng 0,4 độ C trong mỗi thập kỷ từ năm 1982 đến năm 2018. Các chuyên gia cho rằng cho dù mức nhiệt chỉ tăng thêm một chút ít nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả đại dương. Báo cáo này cũng nêu các vùng biển bị tác động cũng tăng kể từ những năm 1980 và nay phủ gần như trọn Địa Trung Hải.

Ông Garrabou nói: “Câu hỏi không phải về sự sống còn của thiên nhiên, vì sự đa dạng sinh học sẽ tìm cách sống sót trên hành tinh này. Vấn đề là nếu chúng ta cứ tiếp tục những hoạt động dẫn theo sự biến đổi khí hậu thì loài người sẽ không có chỗ để sinh sống”.

Trong lúc sẽ phải hạ giảm tình trạng thải phát khí nhà kính toàn cầu, các nhà khoa học đại dương đang phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo 30% diện tích biển sẽ được bảo vệ khỏi các hoạt động của con người như đánh bắt cá, nhằm tạo cơ hội phục hồi và phát triển sinh vật biển.

Khoảng 8% biển Địa Trung Hải hiện đang được bảo vệ. Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu Garrabou và Rilov đều nói hầu hết các nhà hoạch định chính sách chưa lường trước được sự ấm lên của biển Địa Trung Hải và những tác động liên quan.

Ông Rilov nói: “Nhiệm vụ của những nhà khoa học là đánh động sự chú ý để các cơ quan có thể xem xét”.

Bài liên quan
Biến đổi khí hậu, ô nhiễm ozone làm giảm 1/5 sản lượng cây trồng toàn cầu
Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra sản lượng cây lương thực toàn cầu có thể giảm 1/5 vào năm 2050 do ô nhiễm ozone và biến đổi khí hậu. 

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiệt độ nước biển Địa Trung Hải tăng lên đe dọa các loài sinh vật biển