Sau khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất điều hành mới, hàng loạt ngân hàng thương mại đã đưa ra biểu lãi suất huy động ngắn hạn mới theo thay đổi này.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành

Sơn Lam | 25/09/2022, 10:10

Sau khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất điều hành mới, hàng loạt ngân hàng thương mại đã đưa ra biểu lãi suất huy động ngắn hạn mới theo thay đổi này.

Ngày 22.9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Quyết định số 1606/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, quy định các mức lãi suất của NHNN như sau: lãi suất tái cấp vốn: 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 6%/năm…

Chia sẻ tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2022 vừa diễn ra, ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã kích hoạt động thái tương tự ở một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới.

Theo ông Quang, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao, đồng tiền mất giá, lạm phát nhập khẩu gia tăng rất lớn đối với các nền kinh tế, để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ đà phục hồi tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN đã quyết định điều chỉnh tăng lãi suất.

Ngay sau động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại công bố biểu lãi suất huy động mới, đặc biệt tăng mạnh đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, còn đối với những kỳ hạn trên 6 tháng có mức tăng thấp hơn.

ls-2.jpg
Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi

Trong đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố biểu lãi suất huy động mới với lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn 1 - 3 tháng đã tăng từ 4%/năm lên mức tối đa cho phép là 5%/năm, áp dụng cho gói ‘’Tài Lộc’’, lĩnh lãi cuối kỳ. Trước đó, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn này là 4%/năm.

Lãi suất huy động các kỳ hạn dài trên 6 tháng cũng được ACB tăng từ 0,3 - 0,5 điểm %. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tăng lên 6,1 - 6,4%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng lên 6,3 - 6,6%/năm… Lãi suất cao nhất mà ngân hàng này niêm yết đã lên tới 7,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng tại sản phẩm "Chọn sống mới, trọn chất tôi", lĩnh lãi cuối kỳ.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng tăng mạnh lãi suất huy động với các kỳ hạn dưới 1 tháng được điều chỉnh lên mức tối đa 0,5%/năm; lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được thêm 0,8-0,9%/năm so với trước đó, lên từ 4,38 - 4,9%/năm.

Không chỉ ở các kỳ hạn ngắn, với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất tiền gửi tại SHB tăng thêm 0,4 - 0,5%/năm lên dao động từ 5,73-7,35%/năm. Mức lãi suất cao nhất đang áp dụng tại SHB là 8,1%/năm cho chứng chỉ tiền gửi Phát lộc kỳ hạn 8 năm.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng nâng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng lên mức cao nhất là 0,5%/năm; từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ 4,5-4,7%/năm, từ 6 đến dưới 12 tháng dao động từ 6-6,2%/năm; 12 tháng lên 6,3%/năm, kỳ hạn 60 tháng từ 0,5 - 1,1%/năm lên mức cao nhất là 6,7%/năm.

Còn theo biểu lãi suất mới nhất của Ngân hàng Bắc Á từ 23.9, lãi suất huy động tại các kỳ hạn dưới 1 tháng đã tăng kịch khung lên 0,5%/năm; các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng tăng thêm 0,5 - 0,8 điểm %, lên dao động trong khoảng 4,5 - 4,8%/năm; lãi suất các kỳ hạn trên 6 tháng được tăng thêm 0,2 - 0,3 điểm %. Lãi suất cao nhất đang được áp dụng tại nhà băng này là 7,2%/năm dành cho kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Tại Kienlongbank, từ 23.9, lãi suất các kỳ hạn dưới 1 tháng đã tăng từ mức 0,2%/năm lên mức tối đa được phép theo quy định mới là 0,5%/năm; lãi suất huy động dành cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng tăng từ mức 4%/năm lên chạm trần 5%/năm; lãi suất các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,2 điểm % so với biểu cũ.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ ngày 23/6. Trong đó, lãi tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này tăng từ 0,2%/năm lên kịch trần 0,5%/năm; lãi tiền gửi các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng từ mức 4%/năm nay trước đó được tăng lên 4,9%/năm với kỳ hạn 1 tháng và kịch trần 5%/năm với kỳ hạn 2 - 5 tháng.

Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % từ nay đến cuối năm 2022. Sang năm 2023, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lên mức 6,6 - 6,8%/năm.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VCBS ước tính lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã tăng 0,9 -1,1 điểm % từ đầu năm đến nay. Với các chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước, cùng bối cảnh kinh tế trong nước hiện nay, VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng 1,5 - 2 điểm % trong cả năm nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
11 giờ trước Sự kiện
Ngày 14.10, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí ra Tuyên bố chung, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành