Theo thống kê, trong 3 người trưởng thành có hơn 1 người bị bệnh cao huyết áp; đồng thời cứ 3 người bệnh cao huyết áp thì có chưa tới 1 người điều trị căn bệnh này.
Đó là kết quả nghiên cứu điều tra vừa được BSCK2 Hoàng Văn Dũng - Phó giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM) công bố tại hội nghị khoa học thường niên lần thứ 6 của bệnh viện, sáng nay 26.10.
Theo bác sĩ Dũng, qua điều tra 25.887 người Việt Nam trên 18 tuổi, chỉ có 17.128 người (chiếm 66,2%) huyết áp bình thường; còn lại có đến 8.758 người (chiếm 33,8%) bị bệnh cao huyết áp.
Trong số 8.758 bị cao huyết áp chỉ có 6.113 người (chiếm 69,8%) biết mình bị bệnh cao huyết áp; còn lại 2.645 người (chiếm đến 30,2%) mới được phát hiện bệnh cao huyết áp nên chưa biết.
Điều đáng nói, trong số 6.113 người biết mình bị bệnh cao huyết áp, nhưng chỉ có 5.736 người (chiếm 65,5%) điều trị căn bệnh này; còn lại 2.108 người (chiếm 34,5%) không điều trị bệnh tăng huyết áp của mình.
“Như vậy, tính tỷ lệ, chúng ta thấy cứ 3 người ở nước ta thì có hơn 1 người bị bệnh cao huyết áp; đồng thời cứ 3 người bệnh cao huyết áp thì có chưa đầy 1 người điều trị căn bệnh này”, bác sĩ Dũng nói.
Ngoài ra, còn phải tính tới những người có điều trị bệnh cao huyết áp nhưng chưa kiểm soát được, chiếm đến 48,8%.
Bác sĩ Dũng cho rằng, những người bị bệnh cao huyết áp mà không điều trị cũng như những người điều trị mà chưa kiểm soát được đều có tỷ lệ gặp biến cố như nhau. “Việc chậm kiểm soát huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ tim mạch, đái tháo đường típ 2”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Dũng, nghiên cứu 88.756 bệnh nhân bị bệnh cao huyết áp tại Anh cho thấy càng chậm kiểm soát huyết áp, nguy cơ tim mạch càng tăng.
“Can thiệp không kịp thời ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 liên quan đến tăng nguy cơ các biến cố tim mạch”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.