Bước ra khỏi phòng thi, nhiều học sinh ngỡ ngàng vì đề thi Ngữ văn năm nay lại vào bài "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Sáng 25.6, các thí sinh đã bước vào môn thi đầu tiên là môn Ngữ Văn với thời gian làm bài là 120 phút. Vào khoảng 9 giờ 30 các thí sinh đã bắt đầu bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng khá lo lắng.
Chia sẻ với phóng viên tại điểm thi trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy), em Hùng Anh - trường THPT Cầu Giấy cho biết năm nay đề thi Ngữ văn rơi vào bài "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: Phân tích vẻ đẹp của sông Hương qua góc nhìn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường? Và câu 3 điểm hỏi về bài thơ "Trước biển" của Vũ Quần Phương và Vũ Ngọc Trúc, còn câu nghị luận xã hội hỏi về ý chí của con người.
Đề thi Ngữ văn năm 2019
Đây là một đề thi không dễ đối với các thí sinh dự thi năm nay vì với câu hỏi này hầu hết các em đêu thấy khó trong chương trình học phổ thông. "Chúng em hoàn toàn bất ngờ khi đề thi rơi đúng vào các tác phẩm trên nên khá khó khăn để hoàn tất hết các câu hỏi của đề thi. Trước kỳ thi em dự đoán 90% vào Vợ chồng A Phủ, đến khi đọc đề em khá sốc, vì đây là bài đọc thêm trong sách giáo khoanên em nghĩ đề sẽ không ra vào bài này. Dự tính của em chắc chỉ có 5-6 điểm thi ở môn này là may mắn lắm rồi".
Buổi chiều, các thí sinh sẽ thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút, thời gian phát đề thi cho thí sinh bắt đầu lúc 14 giờ 20 phút, giờ bắt đầu làm bài là 14 giờ 30 phút.
Các thí sinh bước ra khỏi phòng thi khoảng 9 giờ 30 sau khi làm xong môn Ngữ văn
Theo trao đổi của lãnh đạo Cục Khảo thí, Bộ GD-ĐT với báo chí trước kỳ thi, nội dung đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 nhưng sẽ tăng cường các câu hỏi mở. Đặc biệt, đề thi có câu hỏi mang tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn. Đề thi có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đáp ứng mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi có tác dụng phân hóa ở mức độ hợp lý để hỗ trợ công tác tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; các câu hỏi được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài. Nhằm khắc phục một số sự cố xảy ra ở mùa thi trước, quy chế thi THPT quốc gia năm 2019cũng đưa ra nhiều quy định chi tiết nhằm siết chặt hơn việc bảo quản, sử dụng đề thi, bài thi tại điểm thi.
Gợi ý giải đề thi Ngữ văn quốc gia 2019 - Bài giải do thầy Nguyễn Phi Hùng và cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, thực hiện:
I. Đọc hiểu
Câu 1
Thể thơ tự do
Câu 2
- Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng: những vất vả, nhọc nhằn của con người trong cuộc mưu sinh cũng như công cuộc bảo vệ Tổ quốc trên biển khơi.
- Bao kiếp người vùi trong đáy lạnh mù tăm: những con người đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển lạnh lẽo, tối tăm.
Hai câu thơ thể hiện cái nghẹn ngào đầy thương cảm của nhà thơ trước những nhọc nhằn gian khó, những mất mát hy sinh của bao thế hệ người dân Việt trong lao động sản xuất và chiến đấu bảo vệ biển đảo quê hương.
Biển quê hương chứa chất cả mồ hôi, cả máu xương của mỗi con dân đất Việt, trở thành một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc thiêng liêng.
Câu 3
- Điệp từ “cái” kết hợp với cấu trúc liệt kê được điệp lại có tác dụng:
+ Khẳng định những vẻ đẹp của biển quê hương: vừa hào hiệp phóng khoáng, vừa kiên nhẫn vững bền, vừa nghiêm trang mà giản dị.
+ Thể hiện sự gắn bó, tình yêu và niềm tự hào của nhà thơ về biển quê mình.
+ Tạo nhịp điệu nhanh, gấp, như lời kể mãi về những vẻ đẹp bất tận của biển quê hương.
Câu 4
- Khát vọng là những ước mơ, mong muốn của con người trên con đường chinh phục những chân trời mới.
- Hành trình theo đuổi khát vọng là hành trình nhiều gian nan, thử thách, thậm chí con người phải chấp nhận thử thách, hi sinh.
- Để thực hiện được khát vọng, con người phải kiên trì, dù gặp khó khăn cũng không nản chí, không biết mệt.
- Đi đến tận cùng khát vọng, con người sẽ đến được những chân trời mới, khám phá những điều giản dị nhưng sâu sắc, ý nghĩa.
II. Làm văn
Câu 1 (2,0 điểm) nghị luận xã hội: Sức mạnh ý chí con người
- Giải thích: Sức mạnh ý chí là sức mạnh bắt nguồn từ ý chí, nghị lực, lòng quyết tâm, khát vọng của mỗi người.
- Bình luận:
+ Ý chí mạnh mẽ, kiên cường có sức mạnh vô cùng to lớn, giúp mỗi người, mỗi tập thể, mỗi quốc gia vượt qua những thử thách khó khăn để đạt được mục tiêu, mơ ước của mình.
Thực tế cuộc sống và lịch sử đã có vô vàn minh chứng về sức mạnh ý chí của con người.
Bằng ý chí kiên cường bảo vệ giang sơn, bao thế hệ cha anh đã ra nơi biên cương bảo vệ Tổ quốc, đánh bại những kẻ thù xâm lược.
Với ý chí và nghị lực phi thường, những con người không may mắn vẫn phấn đấu vươn lên sống hạnh phúc, trở thành người có ích, truyền cảm hứng cho cộng đồng (Nick Vujicic, Nguyễn Ngọc Ký, Helen Keller…).
Niềm tự hào dân tộc cùng tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường giúp đội tuyển U23 Việt Nam làm nên những kỳ tích trên đấu trường châu lục…
+ Bằng ý chí mạnh mẽ, ta sẽ làm chủ được bản thân, không bị sa ngã trước những cám dỗ cuộc đời.
+ Sức mạnh ý chí không tự nhiên mà có, nó phải được rèn giũa, phát triển trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Tinh thần vượt khó, lòng dũng cảm, hiểu rõ mục tiêu và khát vọng của bản thân sẽ là những tiền đề không thể thiếu để có được ý chí mạnh mẽ, vững vàng.
+ Tuy vậy, trong cuộc sống hôm nay, nhiều bạn còn yếu đuối, thiếu ý chí, dễ dàng gục ngã trước những cám dỗ, dễ chán nản từ bỏ khi gặp khó khăn thử thách. Đó là những hiện tượng cần phê phán.
- Bài học nhận thức và hành động: Mỗi người cần rèn luyện để có được ý chí mạnh mẽ vững vàng. Đó là chìa khóa để có được thành công trong công việc, hạnh phúc trong cuộc đời.
Các thí sinh hồi hộp bước vào môn thi Ngữ văn đầu tiên của kỳ thi THPT 2019
Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Hơn 887.000 thí sinh làm xong thủ tục dự thi
Bài và ảnh: Dạ Thảo