Hiện đã có nhiều doanh nghiệp, thương lái người Trung Quốc đến tận các vườn vải ở tỉnh Bắc Giang ký kết hợp đồng tiêu thụ vải thiều cho người dân.
Vải thiều sớm của huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, dự kiến sản lượng vải sớm có giảm so với mọi năm do thời tiết cuối năm 2023 không thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa nên tỷ lệ cây vải ra hoa ở một số vườn thấp, đặc biệt là đối với diện tích vải ở trên đồi cao và vải chính vụ, tỷ lệ ra hoa chỉ đạt trên 80% so với các năm trước.
Tuy nhiên, mùa vụ năm nay, vải sớm Tân Yên được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, sâu bệnh phát sinh gây hại ít, tỷ lệ vải thiều đậu quả cao. Đến thời điểm này, vải thiều Tân Yên đã sẵn sàng chinh phục các thị trường.
Là trung tâm vải sớm của huyện Tân Yên, xã Phúc Hòa có trên 700ha vải, trong đó trên 400ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sản lượng vải thiều sớm toàn xã ước đạt hơn 10.000 tấn, giảm khoảng hơn 2.000 tấn so với năm ngoái.
Xã Phúc Hòa đã xây dựng và mở rộng thêm 2 vùng sản xuất vải sớm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại thôn Phúc Lễ, Lân Thịnh, Quất Du 2; đồng thời, lựa chọn, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, đóng gói, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước EU, Nhật Bản, Mỹ...
Hiện nay, giá vải đang dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, cá biệt có những vườn vải đẹp giá thu mua tại vườn lên đến 50.000 đồng/kg.
Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa - ông Ngô Văn Tiệp cho biết, vải thiều sớm trồng năm nay có chất lượng cao vượt trội, được giá. Nông dân phấn khởi thu hoạch vải đầu mùa, kịp cung cấp cho thương lái xuất hàng đi các nước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiêu thụ vải thiều, xã Phúc Hòa đã bố trí khoảng 15 - 20 điểm cân cho các thương nhân đến thu mua. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp, thương lái người Trung Quốc đến tận các vườn vải trong xã ký kết hợp đồng tiêu thụ vải thiều cho người dân. Không khí thu mua vải những ngày này rất rộn ràng, tấp nập.
Hiện diện tích vải thiều của huyện Tân Yên là 1.420ha, dự kiến sản lượng khoảng 15.500 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sớm là 1.250ha, ước sản lượng 15.000 tấn, diện tích vải thiều chính vụ là 170ha, ước sản lượng 300 tấn. Huyện tiếp tục duy trì diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm 900ha; duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 455ha.
UBND huyện đã chỉ đạo các xã có vùng vải sớm xuất khẩu tăng cường quản lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ 27 mã vùng trồng vải thiều xuất khẩu. Trong đó, 17 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 856ha, sản lượng 10.200 tấn; 3 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với diện tích 25ha, sản lượng 300 tấn; 2 mã vùng xuất khẩu sang Úc diện tích 22ha, sản lượng 260 tấn; 2 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ diện tích 21,4ha, sản lượng 250 tấn; 3 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan diện tích 42ha, sản lượng 500 tấn.
UBND huyện cũng tích cực kiểm tra, rà soát các cơ sở đóng gói vải tươi xuất khẩu sang thị trường các nước được cấp mã số; chuẩn bị tem nhãn bao bì, thùng xốp cơ bản đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm.
Năm nay, huyện Tân Yên dự kiến thị trường tiêu thụ nội địa khoảng 7.800 tấn, chiếm 50,3% tổng sản lượng; tập trung chủ yếu là các chợ đầu mối, các siêu thị, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng; một số trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị: Mega market, Central Retail, Go Bắc Giang, Aeon, Hapromart...
Thị trường xuất khẩu dự kiến khoảng 7.700 tấn, chiếm 49,7% tổng sản lượng; tập trung chủ yếu sang các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc...
Ngày 27.5, UBND huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) đã tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm năm 2024 và lễ cắt băng xuất hành, chứng kiến đoàn xe khởi hành đưa vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Bà Lâm Thị Hương Thành - Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang hiện đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu với diện tích khoảng 17.198ha, 39 cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu. Dự báo sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm 2024 là 100.000 tấn (trong đó vải sớm 50.000 tấn, vải chính vụ 50.000 tấn).
"Hiện nay, vải thiều Bắc Giang đã đến với các thị trường trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm", bà Lâm Thị Hương Thành nói.
Các doanh nghiệp, thương nhân, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối đã ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo mối liên kết bền vững giữa người dân trồng vải thiều nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung với các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện.