Cả 5 trường hợp bị chó dại tấn công phải nhập viện cấp cứu nhưng chỉ kéo dài thêm thời gian sống rồi tử vong. Trước tình hình bệnh dại đang lưu hành ở nhiều địa phương, bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Chia sẻ với báo chí về tình hình dịch bệnh từ đầu năm 2017 đến nay, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho hay trong thời gian gần đây, bệnh viện liện tục tiếp nhận các trường hợp bị chó dại tấn công. Tính từ đầu năm 2017 đến ngày 19.7 bệnh viện đã tiếp nhận 5 trường hợp bị chó dại tấn công.
Các trường hợp trên bị chó dại tấn công đều ở tỉnh, trong đó có 2 ca ở Bình Phước, 2 ca ở Đắk Nông và 1 ca tại Gia Lai. Những trường hợp trên đều bị chó nuôi trong gia đình hoặc chó hàng xóm cào cấu, cắn.
Bác sĩ Châu cho biết, những trường hợp trên bị chó dại tấn công đều chủ quan, không chịu tiêmngừa do không nghĩ là chó dại, có trường hợp bị chó hàng xóm tấn công nhưng thấy chỉ cào nhẹ, không có trầy xước cũng bỏ qua.
“Các trường hợp bị chó dại tấn công chuyển đến bệnh viện đều đã lên cơn dại với các dấu hiệu như: đau nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ, vã mồ hôi, hạ huyết áp… Những trường hợp này chỉ có thể tử vong sau vài ngày. Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện đã áp dụng phát đồ điều trị dại ở các nước tiến tiến trên thế giới nên đã kéo dài thời gian sống của bệnh nhân lên đến 21 ngày so với chưa đầy 10 ngày như trước đây”, ông Châu chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Châu, trước tình hình người dân liên tiếp bị chó dại tấn công tử vong, thời gian gần đây người dân đi tiêm ngừa dại tăng đột biến. Trong 6 tháng đầu năm 2017, trung bình mỗi tháng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP tiếp nhận tiêm ngừa cho khoảng 240 đến 260 trường hợp bị chó mèo cắn. Riêng trong nửa tháng 7.2017 đã có tới 170 ca nguy cơ nhiễm dại phải thực hiện các biện pháp điều trị dự phòng.
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khoa học chưa tìm ra phương pháp đặc hiệu điều trị bệnh dại, khi đã lên cơn dại, cả động vật và người đều tử vong.
Hồ Quang