Sự giãn cách, tạm ngưng một nghi thức hát pha trộn giữa nghệ thuật và tâm linh khiến nhiều nghệ sĩ hụt hẫng và buồn da diết.

Nhớ mùa hát chầu

Nguyễn Huy | 07/11/2021, 07:00

Sự giãn cách, tạm ngưng một nghi thức hát pha trộn giữa nghệ thuật và tâm linh khiến nhiều nghệ sĩ hụt hẫng và buồn da diết.

Bắt đầu tháng 10 âm lịch là mùa hát chầu lớn nhất trong năm của nghệ sĩ hát bội và cải lương tuồng cổ. Thế nhưng, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nghệ sĩ không còn được hát như thông lệ hằng năm. Sự giãn cách, tạm ngưng một nghi thức hát pha trộn giữa nghệ thuật và tâm linh này khiến nhiều nghệ sĩ hụt hẫng và buồn da diết.

Nguồn sống của người nghệ sĩ

Nghệ sĩ Ngọc Khanh là con nhà nòi bộ môn hát bội. Bà từng là giảng viên môn kịch hát dân tộc trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn và sau này tiếp tục giảng dạy tại trường Cao đẳng nghệ thuật sân khấu 2 TP.HCM. Trong thời gian giảng dạy bà vẫn đi hát bội lẫn cải lương tuồng cổ. 31 năm trước, bà thành lập đoàn nghệ thuật hát bội Ngọc Khanh. Đoàn hát của bà tập hợp các nghệ sĩ hát bội nhiều thế hệ, không trình diễn ngoài rạp hát mà chủ yếu là hát phục vụ tại đình, miễu, chùa trong lễ kỳ yên, mùa hát chầu vào dịp đầu năm âm lịch hay vào tháng 10 và tháng 11 âm lịch hằng năm. Từ năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tất cả các đình, miễu đều không được phép tập trung đông người nên bà bầu Ngọc Khanh và các nghệ sĩ trong đoàn đều không được hát, lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.

Nghệ sĩ Ngọc Khanh cho biết: “Từ lâu rồi khán giả đã không còn thích xem hát bội. Nghệ sĩ hát bội nghèo khó, bình thường phải đi vá xe, làm mướn kiếm sống. Chỉ khi tới mùa hát chầu thì mới tụ hội lại để được thăng hoa cùng với đam mê.

Bên cạnh việc được hát, anh em còn có thêm nguồn thu nhập để sống qua ngày. Nhưng vì sao hát bội lại được hát trong những dịp hát lễ trang trọng như thế? Bởi vì sau nghi thức lễ xây chầu là phần hát đại bội, là nghi thức hát chính trong các buổi hát chầu tại đình, am, miễu. Ý nghĩa của nó là miêu tả lại thời điểm vũ trụ được thành lập, kêu gọi người dân tôn kính trời đất, sống thuận theo quy luật vũ trụ, cầu an cho mưa thuận gió hòa và mùa màng tươi tốt, bội thu. Cái ý nghĩa thiêng liêng đó luôn được các vị chăm sóc đình, miễu tôn trọng nên họ luôn cần hát chầu để khởi đầu là cầu xin thần thánh ban phước và sau đó là lễ tạ ơn”.

nghesi.jpg
Nghệ sĩ Tiến Phước trước giờ hát chầu

Ngoài phần đầu là hát bội, nghi thức hát chầu còn có phần hát cải lương tuồng cổ. Nghệ sĩ của đoàn Ngọc Khanh đảm nhiệm cả hát bội lẫn cải lương tuồng cổ. Nhưng nhiều đình miễu lớn yêu cầu phải có các nghệ sĩ cải lương ngôi sao, thì hoặc là nghệ sĩ Ngọc Khanh đứng ra mời; hoặc là ban tổ chức liên hệ trực tiếp với nghệ sĩ mà họ muốn. Nếu không mời thêm nghệ sĩ ngôi sao, chi phí cho buổi hát chầu của đoàn Ngọc Khanh là 18 triệu đồng/suất. Số tiền này chia đều ra cho khoảng 10 người gồm bà bầu, nghệ sĩ, âm thanh, ánh sáng; tính ra mỗi người được vài trăm ngàn. Có khi chia tiền xong bà bầu Ngọc Khanh chẳng còn đồng nào. Tiền lương rất ít nhưng cái nghề bắt buộc phải có trang phục đẹp nên bà bầu phải đi mượn tiền may phục trang lộng lẫy, tới mùa hát thì trả dần. Thông thường ngoài tháng 10 và 11 âm lịch, các nghệ sĩ hát chầu còn được hát thêm vài thời điểm khác.

Nghệ sĩ Tiến Phước (còn được gọi là Đạo Cuồng) chia sẻ: “Một khi đã trở thành nghệ sĩ hát bội hay cải lương tuồng cổ thì đó là cái nghiệp đã vận vào người. Nếu không được hát chúng tôi như những kẻ mất hồn. Giờ đây, chúng tôi chỉ còn được hát trong lễ hát chầu nên đến hẹn lại lên trong lòng khấp khởi, chờ đợi. Hai năm qua dịch bệnh làm chúng tôi không được hát. Chúng tôi thèm hát đến mức ban đêm nằm ngủ mơ thấy mình đứng trên sân khấu. Giật mình tỉnh giấc thẫn thờ. Không được hát thì chúng tôi gọi điện cho nhau hẹn hò hát đình này, đình kia như là được mời đi hát thật vậy. Làm thế cho đỡ buồn và nhớ”.

Mùa hát của cả các ngôi sao

Bình Tinh, hậu duệ của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, là một ngôi sao hát chầu. Cứ đầu tháng 10 âm lịch là Bình Tinh hát từ miền Đông tới Sài Gòn rồi xuống miền Tây Nam Bộ. Cô hát nhiều đến mức tắt tiếng. Đó là khoảng thời gian mà nữ nghệ sĩ trẻ này thấy mình vô cùng hạnh phúc.

Ngày nay cải lương đang "hấp hối", số lần diễn ngoài rạp thưa thớt nên thu nhập của nghệ sĩ không đủ trang trải cuộc sống. Thế nên, mùa hát chầu là dịp để các nghệ sĩ cải lương tuồng cổ được hát hầu thần thánh, được tung hoành, được gặp gỡ, được nhận lấy những cái ôm và những nụ hôn từ khán giả. Quan trọng là được tiền. Một ngôi sao như Bình Tinh thì mỗi suất hát chầu giá 25 triệu đồng (Vũ Linh và Kim Tử Long thì khoảng 30 triệu). Số tiền này, cô để dành làm kinh phí hoạt động cho đoàn Huỳnh Long và giúp đỡ các nghệ sĩ nghèo, bệnh tật. Đặc biệt, khi Bình Tinh đi hát, cô luôn tạo điều kiện cho cô chú nghệ sĩ lão thành được hát, giúp họ có được ít tiền trang trải cuộc sống.

Theo Bình Tinh, hát chầu dẫu là hát trong khuôn viên hẹp của đình, miễu hạn chế phông màn, cảnh trí nhưng cảm xúc của người nghệ sĩ cũng rất thăng hoa. Thứ nhất, thể loại hát này là loại hát lập thành đòi hỏi phải ứng diễn nên nghệ sĩ phải cứng nghề mới hát được. Thường các nghệ sĩ chỉ biết là sẽ hát tuồng gì, còn lại không có kịch bản trước, đến nơi gặp nhau là hát nên đòi hỏi người hát phải có bề dày kinh nghiệm và sự ứng biến tốt. Hát kiểu ấy khiến người nghệ sĩ xúc cảm mạnh hơn cả hát tuồng có kịch bản sẵn, vì mỗi lần hát là một sự thăng hoa rất khó giải thích. Đó là lý do vì sao nghệ sĩ rất mê hát chầu.

Ngoài ra, tình cảm của khán giả ở sân đình, sân miễu cũng rất mãnh liệt. Có khi nghệ sĩ đang hát, khán giả nhào lên ôm hôn, tặng tiền và khuyên răng đủ thứ. Họ trung thành với thần tượng đến mức khi Bình Tinh mang bầu 7 tháng mà khán giả vẫn yêu cầu cô hát.

nghesihattrau-2-.jpg
Nghệ sĩ Bình Tinh

Vậy nhưng đã hai năm nay, Bình Tinh và các ngôi sao cải lương vắng bóng trên sân khấu hát chầu vì dịch bệnh COVID-19. Khán giả muốn được xem còn nghệ sĩ thì nhớ khán giả. Trong tình hình quá nhạy cảm về sức khỏe cộng đồng thế này, cả nghệ sĩ và khán giả chỉ còn biết hoài niệm về khoảnh khắc đẹp trên sân khấu linh thiêng ấy.

Bao giờ mùa hát chầu sẽ trở lại?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ mùa hát chầu