Trích hồi ký của đại tá Trọng Hiền (cựu chiến binh H.Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), nguyên Trung đội trưởng cối 82, và lời kể của đại tá Lương Minh Cao, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 52.
Tháng 7.1972 những tân binh Tiểu đoàn 920, Trung đoàn 51 của Tỉnh đội Thái Bình được bổ sung vào Sư đoàn 320A vừa chiến đấu ở thị xã Kon Tum rút ra hậu cứ. Sư đoàn 320A có 3 trung đoàn bộ binh 48, 52, 64 và Trung đoàn pháo binh 54. Quân tiểu đoàn 920 chúng tôi được phiên chế về Trung đoàn 52.
Sau một thời gian củng cố, Trung đoàn 52 được lệnh hành quân về Quảng Ngãi chuẩn bị tấn công giải phóng quận lỵ Ba Tơ. Trên đường hành quân, các đơn vị kết hợp huấn luyện bổ sung cho chiến sĩ mới vừa từ ngoài Bắc vào. Khoảng trung tuần tháng 8, trung đoàn đã có mặt ở vùng núi Ba Tơ làm công tác chuẩn bị chiến đấu.
Ba Tơ là huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có truyền thống cách mạng, với đội du kích Ba Tơ kiên cường trong chống Pháp. Ba Tơ nằm ở phía tây nam, cách thị xã Quảng Ngãi 60km, phía tây giáp Gia Lai - Kon Tum, phía nam giáp tỉnh Bình Định, phía đông giáp huyện Nghĩa Hành và Đức Phổ. Quận lỵ Ba Tơ nằm giữa thung lũng trên trục đường huyết mạch từ Kon Tum qua Gia Vực, Ba Tơ xuống Mộ Đức gặp quốc lộ 1, và sông Liêng từ dãy Trường Sơn gặp sông Vệ đổ về Biển Đông. Giải phóng được Ba Tơ sẽ nối liền vùng giải phóng từ Kon Tum xuống Quảng Ngãi, Bình Định.
Quận lỵ Ba Tơ dài chừng 3,5km, rộng 2km, có vị trí chiến lược quan trọng. Nơi này có chi khu biệt kích Đá Bàn của quân đội Sài Gòn bao xung quanh bảo vệ. Quận lỵ nằm ở phía đông, gồm khu trung tâm và các ấp chiến lược do 2 đại đội bảo an cùng lực lượng dân vệ trấn giữ. Căn cứ biệt kích Đá Bàn nằm ở phía tây giữa ngã ba của hai nhánh sông Liên, nối với quận lỵ bằng cây cầu cạn Cộng Hòa. Căn cứ có hệ thống phòng ngự liên hoàn, hệ thống giao thông hào, ụ súng, hầm ngầm, lô cốt kiên cố, xung quanh 6 lớp hàng rào các loại và mìn dày đặc. Lực lượng địch có 1 tiểu đoàn biệt động (D69) được trang bị hỏa lực súng cối 81 ly, ĐKZ 57 ly, 2 trận địa cối 106,7 ly, 2 khẩu pháo 105 ly với sự chi viện trực tiếp của không quân, pháo binh từ hạm đội và các căn cứ ở Quảng Ngãi, Mộ Đức, Đức Phổ.
Lực lượng ta gồm Trung đoàn 52, Đoàn đặc công 406, 409 của Quân khu 5, Tiểu đoàn 20 của Tỉnh đội Quảng Ngãi và 1 trung đoàn của Sư đoàn 2 phối hợp tác chiến vòng ngoài. Hỏa lực của Trung đoàn 52 chủ yếu là súng vác vai gồm cối 82 ly, cối 120 ly, ĐKZ 82, ĐKZ 75, súng phòng không 12 ly 7, được tăng cường ĐKZ 75 và cối 120 ly của Quân khu 5. Trung đoàn 52 được tăng cường hỏa lực của quân khu đánh “cường tập” chiếm quận lỵ Ba Tơ, còn lực lượng đặc công “mật tập” tấn công Chi khu biệt kích Đá Bàn, sau đó bàn giao cho trung đoàn chốt giữ.
Theo kế hoạch hợp đồng, tối 15.9.1972 chúng tôi hành quân tiềm nhập mục tiêu. Trên hướng tấn công căn cứ biệt kích Đá Bàn, nửa đêm trời nổi giông bão mưa như trút nước, nước sông dâng cao chảy xiết, lạnh buốt, gây khó khăn cho bộ đội đặc công vượt sông khắc phục vật cản, tiếp cận căn cứ. Đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, phải rút ra, bộ đội thương vong nhiều. Trên hướng tấn công của Trung đoàn 52, các tiểu đoàn 4, 6 được tăng cường hỏa lực cấp trên tấn công quận lỵ. Do trời mưa bão bộ đội ta bị lạc không tiếp cận được mục tiêu phải hoãn, ngày 16.9 củng cố lại, đêm 16.9 tiếp tục chiếm lĩnh trận địa. Rạng sáng 17.9, sau hiệu lệnh bộc phá mở cửa, trên 3 hướng đồng loạt nổ súng tấn công làm chủ hoàn toàn quận lỵ. Quân địch bị tiêu diệt và tan rã, viên thiếu tá Chánh Ênh, quận trưởng chạy thoát qua sông, vượt rừng về được thị xã Quảng Ngãi. Tư lệnh Quân khu 5 tiếp tục giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 52 ngày 19 thừa thắng tiếp tục tấn công căn cứ biệt kích Đá Bàn.
Trung đoàn vừa chốt giữ quận lỵ mới giải phóng, vừa khẩn trương làm công tác chuẩn bị đánh căn cứ biệt kích. Ban ngày địch tăng cường hỏa lực phi pháo đánh vào khu quận lỵ vừa bị thất thủ và ven rừng nghi ngờ có bộ đội ta. Ban đêm máy bay C130 thả pháo sáng, bắn đạn 40 ly và đạn thẳng 20 ly kết hợp với hỏa lực trong cứ điểm bắn xung quanh hàng rào chống bộ đội ta xâm nhập.
Trên hướng chủ yếu của Tiểu đoàn 5, lực lượng mở cửa đánh chiếm đầu cầu gặp phải hỏa lực địch từ các ụ súng lô cốt bắn ra rất ác liệt, địa hình trống trải, bộ đội bị thương vong nhiều. Bằng phương pháp đánh bộc phá mở cửa liên tục dưới sự chi viện chế áp của hỏa lực mạnh, ta mở được hàng rào thứ 4 thì trời sắp sáng, các hướng khác cũng gặp khó khăn, Trung đoàn phải rút lui. Anh Văn tiểu đoàn trưởng chỉ huy hướng chủ yếu bị kẹt không ra kịp, phải nằm lại ẩn mình ở hàng rào thứ 4, đêm hôm sau mới về được đơn vị. Trên đường rút ra, tiểu đoàn bị máy bay B52 đánh ngang đội hình, thương vong thêm một số. Vừa dứt loạt bom thứ nhất tôi vùng chạy, tiểu đội trưởng đạp tôi xuống, “muốn sống thì nằm yên”, sau này tôi mới biết B52 thường đánh 3 loạt bom, khi hết 3 loạt mới biết mình còn sống.
Chiến sự tiếp tục ác liệt. Ta hình thành thế trận bao vây căn cứ biệt kích Đá Bàn. Ban ngày máy bay L19, VO10 tăng cường trinh sát phát hiện mục tiêu, bắn pháo khói chỉ điểm cho máy bay và pháo binh địch bắn phá. Chúng tập trung sử dụng các loại B52, B57, T28 đánh bom, các loại pháo bầy, pháo hạm, pháo khoan, pháo chụp hòng tiêu diệt lực lượng ta. Phía nam, bộ binh địch từ căn cứ 513, Đèo Ông Nguyện huyện Mộ Đức tăng viện, ta lập chốt ở các điểm cao 317, 252 ngăn chặn. Phía tây, địch đổ bộ đường không đánh vào phía sau đội hình Trung đoàn 52. Cùng với lực lượng đánh địch vòng ngoài, khoảng 2 tuần sau trung đoàn mở đợt tấn công thứ 2 vào căn cứ biệt kích, song cũng không thành, bộ đội bị thương vong. Anh con bác tôi cùng nhập ngũ bị thương trong trận tập kích địch đổ bộ đường không phía tây quận lỵ và hy sinh.
Thời gian này Ba Tơ là điểm nóng ở mặt trận Quảng Ngãi và Quân khu 5. Từ nghiên cứu tình hình chiến trường và kinh nghiệm trong chiến đấu, để giảm thiểu thương vong của bộ đội, Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân chỉ thị trung đoàn tiếp tục tấn công căn cứ biệt kích Đá Bàn bằng phương pháp vây lấn. Hỏa lực 12 ly 7, cối 82 ly, 120 ly của ta trên các điểm cao khống chế địch trong căn cứ. Bị thương vong nhiều, tinh thần, tâm lý của địch bắt đầu hoảng loạn. Địch phải thả dù tiếp tế đạn, lương thực thực phẩm bằng máy bay. Bị súng phòng không ta khống chế, C130 thả dù từ trên cao, dù rơi theo gió vào cả trận địa của ta. Bộ đội ta thu được gạo sấy, thịt hộp và đạn cối 81 tiếp tục chiến đấu.
Trung đoàn 52 được tăng cường phối thuộc 1 tiểu đoàn của Sư đoàn 2, tiếp tục mở đợt tấn công thứ 3. Dưới sự chế áp của hỏa lực, bộ đội bí mật chiếm lĩnh trận địa đào hào lấn dũi, hình thành thế trận vây lấn trên 3 hướng. Phát hiện ý định của ta, địch dùng máy bay, pháo binh tăng cường đánh phá ngăn chặn lực lượng ta đang lấn sát hàng rào căn cứ. Ngày đêm không lúc nào ngớt tiếng bom pháo. Bộ đội ta một số bị thương vong, đơn vị vẫn kiên cường bám trụ trận địa.
Rạng sáng 30.10.1972, Trung đoàn 52 tổng tiến công, mở cửa bằng FR “Rồng Lửa”. Trên hướng chủ yếu, sau tiếng nổ vang trời, quầng lửa khổng lồ Rồng Lửa phá tung các lớp rào và khu vực đầu cầu, địch choáng váng tê liệt, co cụm chống cự quyết liệt, bộ đội ta đồng loạt xung phong đánh chiếm các mục tiêu, một bộ phận địch vượt sông bỏ chạy về phía Động Ta. Ta hoàn toàn làm chủ căn cứ biệt kích Đá Bàn. Tham mưu trưởng trung đoàn Lương Minh Cao chỉ huy Tiểu đoàn 7 truy kích địch.
Sau 45 ngày đêm chiến đấu, gian khổ ác liệt, hy sinh vô cùng anh dũng của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 52 cùng các đơn vị được tăng cường và quân dân huyện Ba Tơ anh hùng, Ba Tơ được hoàn toàn giải phóng mở ra một vùng giải phóng rộng lớn nối liền từ Kon Tum xuống đồng bằng Khu 5. Mất Ba Tơ, địch vô cùng cay cú và tiếp đó là chuỗi ngày Trung đoàn 52 chiến đấu kiên cường bảo vệ Ba Tơ đến ngày Hiệp định Paris được ký kết 28.1.1973.
Rất nhiều người con Đông Hưng, Thái Bình, đồng đội cùng nhập ngũ với tôi đã hy sinh ở đó… Năm 2012 chúng tôi cùng một số anh em cựu chiến binh các tỉnh khác vào dự Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Ba Tơ. Gặp lại nhau mừng vui khôn xiết. Tại đây có một cuộc gặp gỡ vô cùng xúc động của cựu chiến binh Hoàng Đại Thanh khi đó là Tổng biên tập Tạp chí Thời Trang Trẻ, chiến sĩ của đại đội 18 thông tin năm ấy, với người thủ trưởng hiện tại của mình (khi cả hai cùng công tác ở Trung ương Đoàn) là anh Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi). Nắm tay nhau, anh Thưởng nói với anh Thanh: “Anh em Trung ương Đoàn chỉ biết anh đã từng là bộ đội trực tiếp chiến đấu, nhưng thật vui và bất ngờ khi anh lại là bộ đội chiến đấu và giải phóng Ba Tơ”.
Năm 2012 cũng chính là năm khánh thành tượng đài Du kích Ba Tơ. Nhìn lên tượng đài những người anh hùng, chúng tôi bồi hồi xúc động, đứng lặng hồi lâu trước những hàng bia trong Nghĩa trang liệt sĩ. Các anh đã trở thành bất tử. Máu đào của các anh đổ xuống đã hồi sinh mảnh đất Ba Tơ anh hùng.
* Rồng Lửa là loại vũ khí gồm nhiều bộc phá ống liên kết với nhau bằng dây nổ, 1 tên lửa dẫn vắt ngang hàng rào, nổ phá rào đồng loạt, do Liên Xô sản xuất.