Việt Nam giàu có các loại cây làm thực phẩm chức năng nhưng đầu tư chưa đúng tầm để khai thác. Trong khi đó, hiện tại, nhà kinh doanh thì nói quá. Và người tiêu dùng thì nhiều hiểu nhầm. Đó là bức tranh được chỉ ra trong hội thảo mới đây: “Thực phẩm chức năng: Vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng trong thời gian tới”, tại TP.HCM.
Theo các nhà khoa học, Việt Nam có rất nhiều cây thuốc chưa được nghiên cứu, phát triển thành sản phẩm và tiếp thị trên thị trường. Trong khi đó, Việt Nam lại phải nhập chính các sản phẩm đó. Vì chưa có sự hợp tác giữa các nhà khoa học với các nhà sản xuất để đầu tư vào nghiên cứu sản phẩm xứng tầm.
TPCN là một ngành liên quan đến sức khỏe, cần được sự hợp tác nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khoa học, nhà dược liệu, nhà điều trị và sản xuất trên cơ sở một nền sản xuất công nghiệp được tiêu chuẩn hóa, phải phân biệt được đây là một thực phẩm khác với các thực phẩm thông thường.
Vì vậy việc sản xuất, kinh doanh, ghi nhãn phải khác với các thực phẩm thông thường trên thị trường.
Nhà thuốc, thầy thuốc phải tư vấn về TPCN
PGS TS Lê Văn Truyền cho biết, rất nhiều nước phát triển hiện nay, nhà thuốc là nơi người dân tiếp cận nhiều nhất khi có vấn đề về sức khỏe. Khi người bệnh có vấn đề về sức khỏe họ tìm đến nhà thuốc trước, chứ không phải đến những nơi khám chữa bệnh trước. Do đó, hiện nay rất nhiều nước, những người dược sĩ đứng ở nhà thuốc được đào tạo khác, họ được gọi là những dược sĩ cộng đồng.
“Ở Việt Nam, một số trạm y tế xã, phường, mỗi ngày có 10 đến 20 bệnh nhân đến là đã mừng lắm rồi, nhưng một hiệu thuốc mỗi ngày khách hàng ra vào rất nhiều và khách hàng có thể hỏi về những triệu chứng, chia sẻ những vấn đề về sức khỏe với người bán thuốc”, ông Truyền nói.
Theo PGS TS Lê Văn Truyền, nguyên thứ trưởng bộ y tế, chuyên gia cao cấp dược học TP.HCM, TPCN cần phải được bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân.
PGS TS Lê Văn Truyền cho biết, hiện nay trên thế giới đã có một số nước cho phép bác sĩ kê đơn thuốc thuốc có TPCN, nhưng ở Việt Nam chưa cho bác sĩ kê đơn thuốc có TPCN.
Điều này, theo ông Truyền, có thể Việt Nam muốn bảo vệ người bệnh và người tiêu dùng ở khía cạnh tài chính. Nếu kê đơn có TPCN vào thì tạo gánh nặng tài chính, người bệnh không thể chịu được. Trong khi bảo hiểm y tế thì chưa thể thanh toán TPCN. Đó là một ý thức tốt.
“Nhưng theo tôi, chúng ta cần phần tìm cách để hài hòa 2 yếu tố, trách nhiệm thầy thuốc và vấn đề tài chính. Người thầy thuốc là người phải có trách nhiệm hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc, chế độ dinh dưỡng, TPCN , lối sống…còn khía cạnh tài chính phải sử dụng công cụ khác, không nên vì điều này mà tước bỏ quyền được tư vấn của người dân, người bệnh”, PGS TS Lê Văn Truyền nêu quan điểm.
Hồ Quang