Việc đề cập đến "Con đường tơ lụa" cho người Trung Quốc cơ hội kể về những điều tích cực về lịch sử và niềm tự hào của đất nước mình. Nó mang lại cho họ “một quá khứ hữu dụng”, cung cấp một góc nhìn tích cực chống lại những định kiến về sự lạc hậu mà Trung Quốc phải gánh chịu trong mắt quốc tế suốt hơn một thế kỷ qua.
Có một thực tế đang diễn ra trên lĩnh vực truyền hình ở Trung Quốc, đólà tần suất phát sóng các chương trình đề cập đến lịch sử của "Con đường tơ lụa" – tuyến đường thương mại nổi tiếng trong quá khứ kết nối Trung Quốc với các quốc gia và nền văn minh phía Tây – đang nhiều đến mức đáng kinh ngạc. Đó không đơn thuần là một sự ngẫu nhiên hay một sự giới thiệu mang tính quảng cáo về niềm tự hào lịch sử trong quá khứ cho dự án “Một vành đai, một con đường” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng. Phía sau những chương trình phát sóng về lịch sử nàylà những dụng ý thực sự. Bằng cách đề cập thường xuyên đến "Con đường tơ lụa", các kênh truyền hình Trung Quốc cũng đang phục vụ cho những mục đích khác của Chính phủ nước này.
Chương trình “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là một dự án hạ tầng đầy tham vọng hay là dịp để tiến hành những hội nghị ngoại giao quốc tế cấp cao như vừa mới diễn ra tại Bắc Kinh vốnquy tụ được cáclãnh đạo cao nhất đến từ 28 quốc gia. Sáng kiến này được nhiều chuyên gia xem như một nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay thế Mỹ trong vấn đề lãnh đạo thế giới. Nhưng, nó cũng là phần đầu của một câu chuyện còn lớn hơn: tạo ra một câu chuyện trong đó Trung Quốc đóng vai nhân vật chính anh hùng. Việc tạo ra huyền thoại quốc gia về "Con đường tơ lụa" này được Bắc Kinh tuyên bố là nhằm góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng toàn cầu.
Việc đề cập đến "Con đường tơ lụa" cho người Trung Quốc cơ hội kể về những điều tích cực về lịch sử và niềm tự hào của đất nước mình. Nó mang lại cho họ “một quá khứ hữu dụng”, cung cấp một góc nhìn tích cực chống lại những định kiến về sự lạc hậu mà Trung Quốc phải gánh chịu trong mắt quốc tế suốt hơn một thế kỷ qua. Nó nhắc nhở thế giới về sự thống trị của Trung Quốc về công nghệ trước cuộc Cách mạng Công nghiệp (tơ lụa Trung Quốc suốt một thời gian khá dài trong quá khứ là một món hàng quý hiếm cả về nguyên liệu lẫn công nghệ dệt). Nó cũng là một sự lý giải cho sự hồi sinh tất yếu của nước này: nếu phương Tây trở nên giàu có và thịnh vượng nhờ công nghệ và thương mại, thì giờ đây tại sao Trung Quốc lại không thể?
Ông Tamara Chin, giảng viên Đại học Brown và là người đã thực hiện nhiều nghiên cứu về lịch sử của "Con đường tơ lụa", cho biết: “Trên các kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc, Con đường tơ lụa thường được cho là bắt đầu vào thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên thông qua các kênh ngoại giao chính thức và bằng những tuyến đường xuyên qua Trung Á. Đóđược xem là điều đã đưa Trung Quốc vào thời kỳ của các đế chế mở thay vì là một nền văn minh cô lập như trước đó.” Một vài phiên bản khác về câu chuyện thậm chí còn đưa Trung Quốc lên vị thế trung tâm của tuyến đường thương mại cổ xưa này thay vì các nước Trung Á như lịch sử vốn dĩ thừa nhận từ trước đến nay.
Phiên bản về câu chuyện "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc cũng đã lược bớt một số sự kiện quan trọng một cách có chủ ý. Trước hết, tên gọi "Con đường tơ lụa" trên thực tế không tồn tại. Nó là tên gọi chỉ xuất hiện từ thế kỷ 19 để dành cho một mạng lưới các tuyến đường giữa các ốc đảo xuyên qua Trung Á. Trái với sự tưởng tượng của đa số chúng ta hiện nay,có rất ít hành khách và hàng hóa đi trên những tuyến đường này. Nhà sử học Valerie Hansen của Đại học Yale cho biết: “Con đường tơ lụa là một trong những tuyến đường ít được sử dụng nhất trong lịch sử nhân loại. Tầm quan trọng về thương mại của nó ít hơn nhiều so với về văn hóavì những khách lữ hành và nhất là những người tị nạn đi trên tuyến đường này đã mang theo tôn giáo, công nghệ và các loại hình nghệ thuật đi cùng đến vùng đất mới.”
Câu chuyện về "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc còn làm giảm đi vai trò trung tâm quan trọng của Đế chế Mông Cổ trong việc phục hồi tuyến đường thương mại này khi họ chinh phục phần lớn lục địa Á Âu vào thế kỷ 12. Debin Ma, nhà sử học kinh tế thuộc Trường Kinh tế London, cho biết: “Các nhà cai trị Mông Cổ đã hành động để đảm bảo an toàn cho tuyến đường thương mại này, xây dựng các bưu cục và thương điếm cũng như khuyến khích sử dụng tiền giấy và loại bỏ các hàng rào thương mại tại các địa phương. Họ cũng là những người mở rộng con đường thương mại trên biển. Chính Đế chế Mông Cổ mới là người đã đánh dấu giai đoạn phát triển cao của sự trao đổi giữa phương Đông và phương Tây, mà những chuyến đi nổi tiếng của Marco Polo là một ví dụ điển hình”.
Việc tạo ra những huyền thoại luôn luôn được chọn lọc kỹ lưỡng tại Trung Quốc. Những câu chuyện mà người Mỹ kể về lịch sử của họ trong thế kỷ 20 không hoàn toàn đúng, nhưng cũng không sai. Theo cách này, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” được xem như tương tự với kế hoạch Marshall. Những khoản chi tiêu rộng rãi trong sáng kiến này được xem như để phục vụ cho những lợi ích địa chiến lược đồng thời tạo ra niềm tự hào quốc gia của Trung Quốc. Nó tạo ra huyền thoại rằngTrung Quốc không chỉ là một đất nước mạnh mẽ và thịnh vượng, mà còn hào phóng và đáng ngưỡng mộ, tương tự như những gì người Mỹ đã làm được trong thế kỷ 20 sau Thế chiến thứ hai.
Không chỉ được giới hạn bởi các chương trình truyền hình,câu chuyện "Con đường tơ lụa" giờ đây còn được phổ biến trong hàng loạt các lĩnh vực khác ở Trung Quốc. Công trình Bảo tàng Tơ lụa quốc gia Trung Quốc được hoàn thành một năm trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châulà một ví dụ điển hình. Các hiện vật triển lãm được thiết kế để mô tả rõ ràng lịch sử của tơ lụa như một câu chuyện truyền cảm hứng về thương mại hòa bình, sự khéo léo về công nghệ của Trung Quốc. Cũng có những hiện vật đến từ các quốc gia khác trong khu vực về tơ lụa, nhưng chúng được sắp đặt sao cho Trung Quốc giữ vị trí trung tâm của câu chuyện.
Về một số khía cạnh nhất định, tất cả những nỗ lực tuyên truyền này chỉ cho thấy một sự thiếu tự tin, lãng phí và cố gắng vô ích để thể hiện tầm quan trọng một cách giả tạo. Thực tế đã chứng minhnhững nỗ lực nhằm khẳng định sự kiêu hãnh sau khi bị tổn thương thường chỉ dẫn đến sự tự mãn một cách mù quáng mà thôi.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)