Nhiều đạo diễn điện ảnh thường chú trọng tạo nên tác phẩm có nội dung hành động, vui nhộn hoặc lãng mạn nhằm thu hút đông đảo khán giả. Số khác lại chọn cách “thử thách” độ gan lì của người xem với đủ loại phim rùng rợn. 7 tác phẩm tiêu biểu dưới đây đã để lại ấn tượng khó phai trong “vương quốc” nghệ thuật thứ bảy. Điều khiến những bộ phim này trở nên đặc biệt chính là do phản ứng kinh sợ tột độ của khán giả ở rạp phim ngay trong lần đầu thưởng thức chúng.
1. The Exorcist (1973)
The Exorcist từng là một “hiện tượng” điện ảnh tại Bắc Mỹ thời điểm năm 1973. Đạt danh thu ngoạn mục, tác phẩm còn được đánh giá như bộ phim tiêu biểu của thể loại siêu nhiên kinh dị. Trước sự phát triển vượt trội của công nghệ làm phim hiện đại, kỹ thuật hóa trang nhân vật ma quỷ trong The Exorcist không còn cho thấy hiệu ứng nghe nhìn như thuở nào. Thế nhưng vào buổi đầu công chiếu, bộ phim gây khinh khiếp này từng làm vài người xem phải choáng váng, nôn ói, bất tỉnh vì quá sợ hãi. Chuyện tệ đến mức khi The Exorcist vừa ra mắt tại Anh, một số chủ rạp phim chủ động bố trí cả nhân viên y tế và xe cứu thương để phòng hờ mọi trường hợp tai nạn.
2. The Blair Witch Project (1999)
Tác phẩm điện ảnh kinh phí thấp của hãng Haxan từng gây kinh ngạc về chiều sâu và sự sáng tạo của kịch bản. Được quay theo phong cách found footage (sử dụng camera cầm tay) cho cảm nhận nghe nhìn lôi cuốn, nhiều sự kiện kỳ dị trong The Blair Witch Project thậm chí từng bị hiểu nhầm là có thật.
Dù phim nhận được những lời nhận xét tích cực nhưng vẫn có một thứ làm khán giả khó chịu khi đến rạp chiếu. Chuyển động máy quay chập choạng, hình ảnh mờ ảo và rung lắc liên tiếp trên màn ảnh khiến nhiều người xem liên tục trải qua trạng thái chóng mặt, hoa mắt. Nếu mắc chứng say sóng hay dễ bị stress, bạn chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi xem qua The Blair Witch Project.
3. Irréversible (2002)
Bạo lực, tình dục và vô số chi tiết đối đầu căng thẳng, đẫm máu, là yếu tố cấu thành nên một Irréversible “gai góc” và khó quên. Thế nhưng, chi tiết gây hoang mang cho người xem nằm ở một trường đoạn hạ âm ngắn được cố ý lồng ghép vào khoảng 30 phút đầu phim. Đoạn âm thanh “u ám” vang lên được cho là đã gây ra hiện trạng lo lắng, sợ hãi cho một vài khán giả thể trạng kém. Được biết, có người từng xem qua bộ phim Pháp ám ảnh này đã phải nhập viện do dấu hiệu suy nhược thần kinh.
4. The Passion of the Christ (2004)
Nhận khá nhiều khen ngợi về cốt truyện, tác phẩm sử thi The Passion of the Christ vẫn bị phàn nàn bởi không ít khán giả thưởng thức phim tại rạp. Cảnh Chúa Jesus chịu đựng nhục hình, hành hạ trong phim được mô tả thực đến nỗi làm người xem kinh sợ và gần như ngất liệm. Nửa phần sau tác phẩm đầy chi tiết tra tấn đau đớn, khiến cả những nhà phê bình dày dạn kinh nghiệm cũng thấy căng thẳng, khó chịu khi xem. Một chuyên gia phê bình đã phải thốt lên: “Đây là tác phẩm điện ảnh bạo lực nhất tôi từng biết”.
5. Cloverfield (2008)
Ở dạng found footage tương tự như The Blair Witch Project, bộ phim thể loại sci-fi hành động Cloverfield cũng từng bị chỉ trích bởi góc quay rung giật khó theo dõi, nhịp độ mỗi phân cảnh đôi khi quá nhanh khiến người xem phải điều chỉnh mắt nhìn liên tục. Ra rạp đầu năm 2008, tác phẩm của hãng Paramount Pictures đã khiến hàng loạt khán giả tại Mỹ phải nhập viện trong tình trạng chóng mặt, khó thở và ngất xỉu sau kiểu “trải nghiệm” như say sóng kéo dài.
6. Antichrist (2009)
Nhiều phân cảnh “giường chiếu” trần trụi được khai thác theo chủ đề kinh dị, có thể khiến bạn thấy cực kỳ sợ hãi khi trực tiếp theo dõi Antichrist ở rạp phim. Tác phẩm điện ảnh Đan Mạch được thực hiện bởi vị đạo diễn tai tiếng Lars von Trier, thực tế, đã khiến một số khán giả phải ngất đi hay nôn ói trong lúc ngồi xem. Số khác thì rời khỏi phòng chiếu trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng như vừa bị “tra tấn” tinh thần. Thời báo Guardian của Anh thậm chí từng gọi đây là tác phẩm “gây khinh khiếp nhất trong lịch sử phim ảnh”.
7. Raw (2016)
Được ví như “ngôi sao mới” ở thể loại kinh dị, Raw làm sửng sốt giới mộ đạo điện ảnh bởi kịch bản xuất chúng và nhiều trường đoạn rùng rợn khó quên. Chiếu mở màn ở tuần lễ phim Toronto tháng 9 năm ngoái, tác phẩm từng khiến vài người xem phải ngất xỉu và nôn mửa khi xem đến một cảnh quay đặc biệt “máu me”. Thật khó tin là tác phẩm phim đề tài tuổi teen này lại đủ sức khiến khán giả người lớn bất tỉnh bởi sự kinh hãi của nó.
Như Ý (theo Movie Pilot)