Sáng 12.4, Cục NTBD đã ban hành văn bản cho phép ca khúc "Nối vòng tay lớn" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được phổ biến, lưu hành một cách rộng rãi, hợp pháp.
Trong văn bản nêu rõ, xét đề nghị kèm hồ sơ ngày 28.3.2017 của Trường Đại học Y dược Huế về việc cấp giấy phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975; căn cứ Biên bản thẩm định của Hội đồng nghệ thuật ngày 11.4.2017 và đề nghị của Trưởng phòng Quản lý Băng đĩa, ca khúc Nối vòng tay lớn - tác giả Trịnh Công Sơn sáng tác trước năm 1975, được phép phố biến trên toàn quốc.
Văn bản yêu cầu trường Đại học Y dược Huế và các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện đúng nội dung giấy phép và các quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5.10.2012 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; Nghị định 15 (Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP; Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24/3/2016, Thông tư số 10/2016/TT- BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL và quy định pháp luật có liên quan.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, khi cấp phép phổ biến, Cục NTBD cần căn cứ vào quy định của pháp luật để thực hiện. Việc cấp phép phổ biến tác phẩm là quy định pháp luật, mọi tổ chức, cá nhân cần phải tuân thủ, thực hiện.
"Hiện nay, để đề nghị cho phép phổ biến các bài hát sáng tác trước năm 1975 rất đơn giản, các tổ chức, cá nhân chỉ cần truy cập vào địa chỉ website http://dichvucong.bvhttdl.gov.vn để gửi hồ sơ online theo quy định và Cục NTBD sẽ xem xét, cấp phép trong thời hạn quy định"- ông Tuấn cho biết.
Thời gian qua, việc Cục NTBD siết chặt về việc cấp phép các ca khúc biểu diễn đã làm cho không ít các tác phẩm bị “xoá sổ”, trong đó có cả những ca khúc từng quá nổi tiếng với khán giả nhiều lứa tuổi. Với những bài hát được sáng tác trước năm 1975 thì việc khán giả tiếp cận ngày càng khó hơn khi phía Cục NTBD phải xác minh bản gốc của ca khúc, ca từ để cho phép lưu hành rộng rãi.
Trước đó, thông tin đêm nhạc Nối vòng tay lớn kỷ niệm 16 năm mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn do gia đình phối hợp với trường Đại học Y dược Huế dự định tổ chức vào đêm 21/4 đã gặp trcục trặc khi 4 ca khúc trong chương trình gồm: Nối vòng tay lớn, Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn – Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ chưa được cấp phép phổ biến.
Giải thích lý do vì sao ca khúc Nối vòng tay lớn là một ca khúc nổi tiếng đã được cất lên trong nhiều chương trình âm nhạc lớn và đã được nhiều nghệ sỹ thu âm - phát hành băng đĩa nhưng bây giờ lại cấm, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD cho biết, trước kia chưa có Nghị định 15 (Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) thì các Sở có thể chủ động cấp phép cho các ca khúc theo quy chế 32 và quy chế 47 về hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Tuy nhiên sau khi Nghị định 15 ra đời, trong đó sửa đổi rất nhiều nội dung liên quan đến quyền tác giả thì việc cấp phép lưu hành các ca khúc đặc biệt chú trọng đến yếu tố phải có sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu tác phẩm. Đại diện Cục NTBD xác nhận trước ngày 12.4.2017, cả 4 ca khúc trên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều chưa có cá nhân hay đơn vị nào đứng ra xin cấp phép nên Cục chưa có cơ sở nào để cấp phép phổ biến rộng rãi các ca khúc này.
Về phía gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ bày tỏ rằng, tất cả các thành viên không hề biết chuyện 4 ca khúc kể trên chưa hề được Cục NTBD cấp phép phổ biến và lưu hành, đặc biệt là ca khúc Nối vòng tay lớn.
Bên cạnh đấy, ông Chương cũng khẳng định với báo điện tử Một Thế Giới việc Cục NTBD làm chặt chẽ, quản lý các ca khúc sáng tác trước năm 1975 cũng như các tác phẩm của tác giả người Việt, định cư tại nước ngoài là để quản lý chặt chẽ nội dung, các đối tượng hát phải xin phép một cách cụ thể, đầy đủ hồ sơ. Trong việc này, cơ quan quản lý cũng cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, vì các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm mới là nơi nắm giữ bản nhạc, tác phẩm chính xác nhất về ca từ, ký tự âm nhạc và xét thấy có muốn phổ biến những tác phẩm mình đang sở hữu hay không. Nếu cơ quan quản lý chủ động công bố, cho phép phổ biến sẽ rất có thể rơi vào tình trạng các tác phẩm được phép phổ biến nhưng nội dung không chính xác và tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chưa xác nhận, đồng ý.
"Trên thực tế thì không riêng gì các ca khúc của tác giả Trịnh Công Sơn, nhiều tác giả khác cũng có bài hát chưa được công bố, phổ biến vì vậy chúng tôi rất mong các tổ chức, cá nhân lưu giữ, sưu tầm, sở hữu gửi đề nghị qua địa chỉ website ở trên về Cục NTBD tổ chức thẩm định và cho phép phổ biến theo quy định của pháp luật".
Dạ Thảo