Ngăn chặn thành công dịch COVID-19, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa sẽ là những động lực tăng trưởng cho năm nay.

Những động lực nào cho tăng trưởng kinh tế 2021?

Lam Thanh | 15/05/2021, 14:47

Ngăn chặn thành công dịch COVID-19, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa sẽ là những động lực tăng trưởng cho năm nay.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2021.

tang-truong.jpg
Tăng trưởng 2021 của Việt Nam tương đối lạc quan

Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của toàn thế giới và mức 4,9% của khu vực ASEAN-5.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra các mức dự báo tăng trưởng tích cực, đạt 6,7% vào năm 2021 và 7% vào năm 2022.

Đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 được dự báo đến từ ngành công nghiệp và dịch vụ.

Cụ thể, công nghiệp được dự báo tăng trưởng 9,5%, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP; tăng trưởng dịch vụ cũng được dự báo đạt 6% vào năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung (theo ADB, 2021).

Động lực tăng trưởng đến từ công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và mở rộng các hoạt động thương mại.

Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT), có thể thấy trong 4 tháng đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực với những dấu hiệu rõ nét, đặc biệt đến từ những yếu tố là động lực cho tăng trưởng.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,7% (cùng kỳ năm trước tăng 9,7%).

Trong đó, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất kim loại tăng 37,9%, sản xuất xe có động cơ tăng 32,9%, sản xuất đồ uống tăng 16,1%, hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 15,7%…

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng phục hồi mạnh hơn, tập trung vào ngành chế biến chế tạo (gần 42,36%).

Hoạt động xuất nhập khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm ước tính đạt 206,51 tỉ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, với sự phục hồi kinh tế của các nước đối tác chính của Việt Nam, thương mại hàng hóa với các quốc gia này cũng tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 30,3 tỉ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,8 tỉ USD, tăng 32,4%,…

Trung tâm này cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đến từ thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và việc giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế năm 2021.

Đó còn là sự kết hợp với việc tiếp tục những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và sự thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam năm 2021 có cơ hội tăng trưởng nhanh trở lại.

Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công, xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa.

Đầu tư công được kỳ vọng được giải ngân cao hơn trong năm 2021, đặc biệt nhờ những chính sách quyết liệt từ Chính phủ mới; các bộ ngành và địa phương, đồng thời chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy phân bổ, giải ngân và theo dõi tiến độ thực hiện vốn đầu tư công theo từng quý.

Triển vọng tăng trưởng của lĩnh vực xuất nhập khẩu đến từ sự phục hồi kinh tế của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu với các gói chính sách kích thích kinh tế sẽ kích thích tiêu dùng trong nước, từ đó tác động trở lại đến cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Đồng thời còn là triển vọng từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP…

Ngoài ra, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp cũng cho thấy, về đơn đặt hàng xuất khẩu, xu hướng quý 2/2021, so với quý 1/2021, có 37,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới và 47,5% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Các con số này cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục khả quan hơn trong thời gian tới. Tiêu dùng nội địa, đóng góp khoảng 68 - 70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện.

Trong điều kiện dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức 6%.

Khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao hơn từ mức tăng trưởng thấp của năm 2020 nhờ sự phục hồi của thị trường tiêu thụ và các nguồn cung ứng.

Trong đó, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo được kỳ vọng phục hồi mạnh, tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2021. Một số ngành vẫn tiếp tục hưởng lợi từ EVFTA và CPTPP như sản xuất máy móc - thiết bị, ngành điện tử; ngành sắt thép; ngành dệt may - da giày; ngành chế biến thực phẩm (nông - thuỷ sản).

Việc đẩy mạnh đầu tư công và các dự án trọng điểm trong năm 2021 thúc đẩy hoạt động của ngành sắt thép, xi măng. Triển vọng của ngành dịch vụ lữ hành và lưu trú, hàng không phụ thuộc nhiều vào tốc độ tiêm chủng vắc xin toàn cầu, chính sách hộ chiếu vắc xin của các quốc gia.

Tuy nhiên du lịch nội địa có thể bùng nổ trong tháng tới do vào mùa du lịch và ở trong nước dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Xu hướng số hóa doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử vẫn tiếp tục.

Bài liên quan
Vì sao ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay?
Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam xuống mức 6% so với mức dự báo 6,7% đưa ra trước đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những động lực nào cho tăng trưởng kinh tế 2021?