Đợt bùng phát dịch tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc làm dấy lên nỗi lo về làn sóng COVID-19 thứ 2.

Những nước châu Á nào dễ thất thủ trước làn sóng COVID-19 thứ 2?

23/06/2020, 08:20

Đợt bùng phát dịch tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc làm dấy lên nỗi lo về làn sóng COVID-19 thứ 2.

Tình hình ở thành phố Bắc Kinh đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về làn sóng COVID-19 thứ 2 - Ảnh: The ASEAN Post

Trong tháng qua, vài nước đã nới lỏng hạn chế và dần khôi phục hoạt động kinh tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc bất ngờ ghi nhận hàng chục ca nhiễm mới. Những thành phố thủ đô là nơi tập trung nhiều ca nhiễm do lưu lượng người cao. Bắc Kinh là ví dụ tiêu biểu.

Giới chuyên gia đánh giá chính quyền các địa phương đã chuẩn bị đối phó dịch bệnh tốt hơn, tuy nhiên thách thức vẫn còn, đặc biệt trong việc duy trì cảnh giác cùng khả năng dập ổ dịch nhỏ một cách nhanh chóng.

Quốc gia ở giai đoạn cuối của làn sóng thứ nhất

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm và vi trùng học lâm sàng châu Á - Thái Bình Dương Paul Ananth Tambyah: “Quốc gia/cộng đồng có ca lây nhiễm trong cộng đồng với số người mắc mới mỗi ngày lên đến hàng trăm hoặc hàng nghìn tiềm ẩn nguy cơ cao nhất. Có thể lập luận rằng đây là giai đoạn cuối của làn sóng COVID-19 thứ nhất, nhưng cũng có thể là chuỗi lây nhiễm chưa bị cắt đứt”.

Ấn Độ có biểu hiện những gì ông Tambyah miêu tả. Cường quốc Nam Á này mỗi ngày vẫn ghi nhận thêm hàng nghìn người mắc COVID-19, là quốc gia nhiều ca nhiễm thứ 4 thế giới.

Mức tăng ở láng giềng của Ấn Độ là Pakistan cũng nhanh không kém. Nước này đến nay có hơn 180.000 ca nhiễm.

Tại Đông Nam Á, Indonesia hôm 18.6 ghi nhận mức tăng theo ngày cao nhất từ lúc dịch bệnh bùng phát ở đây: 1.331 ca. Quốc gia Đông Nam Á này hiện có hơn 46.000 người mắc.

Ấn Độ là nước nhiều ca nhiễm thứ 4 thế giới - Ảnh: SCMP

Quốc gia vượt qua làn sóng thứ nhất

Quốc gia đã thành công khống chế đợt bùng phát COVID-19 thứ nhất cũng phải nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh quay lại.

Hàn Quốc hơn 3 tuần qua đều ghi nhận vài chục ca nhiễm mới mỗi ngày, tập trung ở thủ đô Seoul cùng khu vực đô thị lân cận.

Giáo sư danh dự Lee Hoan-jong thuộc Bệnh viện Nhi, Đại học quốc gia Seoul nhận định tình huống vi rút lây lan nhanh và rộng hơn sau khi đất nước nới lỏng giãn cách xã hội là không thể tránh khỏi.

“Làn sóng thứ hai có thể đến bất cứ lúc nào, cho đến lúc vắc xin được phổ biến rộng rãi hoặc 60% số người mắc bệnh tạo ra miễn dịch cộng đồng”, theo Giáo sư Lee.

Nhà dịch tễ học Ki Mora thuộc Trung tâm Ung thư quốc gia Hàn Quốc vào tuần trước kêu gọi siết chặt giãn cách xã hội, nếu không nước này trong vòng 1 tháng sẽ có 800 ca nhiễm mới/ngày.

Hàn Quốc đề cao cảnh giác - Ảnh: SCMP

Tình hình Nhật Bản cũng đáng ngại. Thủ đô Tokyo ngày 22.6 ghi nhận thêm 29 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc của thành phố lên gần 6.000, phần lớn liên quan đến các khu phố đêm hoạt động sau khi hạn chế kinh doanh được nới lỏng.

Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản (JAID) Kazuhiro Tateda cảnh báo Tokyo luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cục bộ, và làn sóng COVID-19 thứ 2 có khả năng đến từ tháng 10 trở đi.

Nhằm đề phòng làn sóng thứ 2, giới chức năng ban hành một loạt hướng dẫn cho cơ sở giải trí hoạt động về đêm. Tuy nhiên Giáo sư Yoko Tsukamoto thuộc Đại học Y Hokkaido cho rằng hướng dẫn khó áp dụng vì nhân viên cơ sở giải trí cần tiếp xúc gần với khách hàng (phục vụ đồ uống hay châm thuốc). Cách tốt nhất là tái áp đặt tình trạng khẩn cấp nếu mức tăng vượt quá 100 ca/ngày.

Hơn một tuần qua Úc đều ghi nhận thêm vài chục ca nhiễm mỗi ngày, phần lớn tập trung ở bang Victoria. Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews khuyến cáo dịch bệnh chưa qua đi.

Giới chuyên gia vẫn chưa thể hình dung làn sóng COVID-19 tiếp theo sẽ như thế nào. Thuật ngữ “làn sóng thứ 2” bắt nguồn từ đại dịch cúm năm 1918 với 3 đợt bùng phát ở vài nơi khác nhau, trong đó lần thứ 2 nghiêm trọng nhất.

Giáo sư Michael Baker thuộc Đại học Otago (New Zealand) nhận định khả năng làn sóng COVID-19 thứ 2 tràn đến phụ thuộc vào chiến lược mà mỗi quốc gia sử dụng.

“Chẳng hạn như New Zealand: Thoát khỏi tình trạng phong tỏa một cách thận trọng nên họ không còn ca nhiễm nào để một đợt bùng phát mới bắt đầu. Vài quốc gia châu Á kiểm soát vi rút theo cách tương tự, do đó có thể không xuất hiện nhiều người mắc bệnh sau khi nới lỏng”, Giáo sư Baker lý giải.

Về bài học từ làn sóng thứ nhất, Giáo sư Baker nhấn mạnh tầm quan trọng của khẩu trang, xét nghiệm diện rộng, truy vết người tiếp xúc ca nhiễm, ứng phó nhanh.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những nước châu Á nào dễ thất thủ trước làn sóng COVID-19 thứ 2?