Năm 2023 hứa hẹn chứng kiến nhiều bước tiến trong hành trình khám phá vũ trụ hơn nữa.

Những sứ mệnh không gian đáng mong chờ trong năm 2023

Cẩm Bình | 07/01/2023, 10:30

Năm 2023 hứa hẹn chứng kiến nhiều bước tiến trong hành trình khám phá vũ trụ hơn nữa.

Trong năm nay Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ khởi động nhiệm vụ thăm dò một tiểu hành tinh kim loại, triển khai robot lên Mặt trăng. Một vài tên lửa đẩy thương mại mới cũng sắp được phóng thử lần đầu.

Phía Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thì thực hiện sứ mệnh thăm dò sao Mộc cùng 3 mặt trăng của hành tinh này, phóng vệ tinh phục vụ công tác lập bản đồ 3D cho vũ trụ, bắt đầu huấn luyện đội ngũ phi hành gia mới trong đó có phi hành gia khuyết tật.

Xác định phi hành gia cho sứ mệnh Artemis II

Năm ngoái, sứ mệnh đầu tiên của chương trình Artemis được khởi động với chuyến bay thử nghiệm thành công đưa một tàu vũ trụ không người di chuyển quanh Mặt trăng. Chuyến bay có người - sứ mệnh Artemis II - dự kiến phải đến mùa xuân năm 2024, nhưng năm nay danh sách phi hành gia may mắn có thể được công bố.

Artemis II sẽ đưa 4 phi hành gia di chuyển quanh Mặt trăng rồi quay về Trái đất. Tháng trước NASA thông báo danh sách phi hành gia sắp được công bố vào đầu năm 2023.

Sứ mệnh Artemis III tiếp theo đưa phi hành gia đáp xuống bề mặt Mặt trăng lần đầu tiên kể từ chương trình Apollo thế kỷ trước.

artemis_2_map_october_2021.jpg
Danh sách phi hành gia tham gia sứ mệnh Artemis II - Ảnh: NASA

Triển khai robot lên Mặt trăng

Trong lúc chưa thực hiện sứ mệnh Artemis II, NASA có kế hoạch triển khai robot đổ bộ lên Mặt trăng nhằm nghiên cứu địa hình và môi trường bức xạ, tìm kiếm tài nguyên có thể khai thác được cung cấp cho nỗ lực khám phá vũ trụ.

Đây là chương trình CLPS hợp tác với hàng chục công ty tư nhân đang phát triển robot đổ bộ của riêng mình. Robot tên Peregrine do Công ty Astrobotic phát triển có thể nhận được vinh dự đầu tiên, đưa 11 thiết bị khoa học lên bề mặt Mặt trăng trong vài tháng đầu năm 2023. Nơi Peregrine đáp xuống dự kiến là miệng núi lửa Lacus Mortis.

Theo thông tin trên trang web NASA, năm 2023 có đến 3 sứ mệnh thuộc CLPS được thực hiện.

Thăm dò sao Mộc

Sứ mệnh mang tên JUICE sắp được khởi động từ ngày 5 đến 25.4. ESA dự định dành ra 3 năm thăm dò sao Mộc cùng 3 mặt trăng Ganymede, Callisto, Europa.

230104105917-esa-juice-mission-rendering.jpg
Sứ mệnh JUICE sắp được khởi động - Ảnh: CNN

Cả ba mặt trăng đều được cho có đại dương nằm bên dưới lớp băng bề mặt. Giới khoa học muốn tìm hiểu xem liệu đại dương ở Ganymede có thể sinh sống được hay không.

Sau khi đến sao Mộc vào tháng 7.2031, tàu vũ trụ cùng bộ 10 thiết bị sẽ thực hiện 35 chuyến bay quanh hành tinh này cùng 3 mặt trăng. Mục tiêu của sứ mệnh là điều tra xem từng có sự sống trên sao Mộc hay không, cách sao Mộc cùng 3 mặt trăng hình thành.

Tàu vũ trụ Boeing bay lên ISS

Boeing dành ra 10 năm phát triển tàu vũ trụ chở phi hành gia đến và rời khỏi trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Sau nhiều năm trì hoãn, tàu vũ trụ tên Starliner đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm không người lên ISS vào tháng 5.2022. NASA đặt mục tiêu cho Starline thực hiện chuyến bay có người đầu tiên vào tháng 4.2023.

Starliner giúp NASA hiện thực hóa kế hoạch giao nhiệm vụ đưa phi hành gia lên ISS cho đơn vị tư nhân. Tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX sẽ san sẻ nhiệm vụ với Starliner.

220523144100-05-boeing-starliner-launch-0519.jpg
Starline thử nghiệm thành công năm 2022 - Ảnh: CNN

Tên lửa đẩy thương mại mới

SpaceX dự kiến phóng thử tàu vũ trụ Starship khổng lồ nhằm phục vụ mục tiêu một ngày nào đó đưa người lên sao Hỏa. NASA cũng hy vọng dùng phương tiện này cho chương trình Artemis.

Hai tên lửa đẩy thương mại mạnh mẽ khác cũng đang được phát triển: Vulcan Centaur của United Launch Alliance và New Glenn của Blue Origin.

Tên lửa Vulcan dự kiến bay thử vào đầu năm 2023, New Glenn có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên sau đó.

Một số tên lửa mới nhỏ hơn, được thiết kế để đưa vệ tinh hạng nhẹ lên quỹ đạo Trái đất cũng sắp ra mắt. Hai công ty khởi nghiệp Relativity và ABL Space Systems có thể phóng thử tên lửa trong năm nay.

Đem mẫu vật về Trái đất

Mẫu đất đá lấy từ tiểu hành tinh Bennu gần Trái đất cuối cùng sẽ được tàu vũ trụ OSIRIS-Rex đưa về.

Dự kiến OSIRIS-Rex tiếp cận Trái đất vào ngày 24.9 rồi thả mẫu vật (60 gam vật chất bề mặt Bennu) xuống cơ sở huấn luyện - thử nghiệm Utah. Nếu còn ở tình trạng tốt thì OSIRIS-Rex sẽ thực hiện chuyến thám hiểm mới, nghiên cứu các tiểu hành tinh khác.

Mẫu vật gửi về dự kiến đem lại thông tin về sự hình thành và lịch sử hệ mặt trời nơi Trái đất tồn tại, cũng như cho biết về các tiểu hành vi có thể va chạm với Trái đất trong tương lai.

Tiểu hành tinh kim loại

Sau nhiều lần trì hoãn, NASA vào tháng 10 tới sẽ phóng tàu vũ trụ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tiểu hành tinh kim loại mang tên Psyche.

Sứ mệnh dự kiến kéo dài 4 năm. Theo NASA, Psyche có thể chỉ là lõi kim loại còn sót lại của một hành tinh hoặc là một mảnh vật chất nguyên thủy chưa tan chảy. Tiểu hành tinh này sẽ giúp giới khoa học về sự hình thành hệ mặt trời. Nếu Psyche thực sự là lõi kim loại thì việc nghiên cứu giống như nhìn vào “trái tim” của hành tinh như Trái đất vậy.

Các sứ mệnh khác

Trong năm 2023 NASA cũng triển khai sứ mệnh TEMPO theo dõi mức độ ô nhiễm hằng giờ tại Bắc Mỹ. NASA còn hợp tác ESA, Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản thực hiện sứ mệnh XRISM nghiên cứu các vật thể không gian phát ra tia X.

ESA - NASA hợp tác trong sứ mệnh khám phá năng lượng tối mang tên EUCLID. Ngoài ra NASA sẽ dùng khinh khí cầu đưa kính viễn vọng ASTHROS lên tầng bình lưu để nghiên cứu nguyên nhân khiến quá trình hình thành sao ở một số thiên hà kết thúc. Vệ tinh nhỏ tên Lunar Trailblazer cũng sẽ tiến hành thu thập dữ liệu lượng nước trên Mặt trăng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những sứ mệnh không gian đáng mong chờ trong năm 2023