Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần này đã đưa ra định nghĩa cho COVID-19 kéo dài, thuật ngữ được sử dụng để mô tả các vấn đề sức khỏe dai dẳng ảnh hưởng đến một số người sống sót sau khi mắc căn bệnh này.

Những triệu chứng COVID-19 kéo dài phổ biến và đáng lo: Có thể chữa bằng vắc xin?

Sơn Vân | 08/10/2021, 15:20

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần này đã đưa ra định nghĩa cho COVID-19 kéo dài, thuật ngữ được sử dụng để mô tả các vấn đề sức khỏe dai dẳng ảnh hưởng đến một số người sống sót sau khi mắc căn bệnh này.

Các nhà khoa học vẫn đang làm việc để tìm hiểu hội chứng này. Đây là những gì họ biết cho đến nay.

WHO định nghĩa COVID-19 kéo dài thế nào?

WHO định nghĩa COVID-19 kéo dài là tình trạng có ít nhất một triệu chứng thường khởi phát trong vòng 3 tháng kể từ khi nghi nhiễm hoặc được xác nhận nhiễm vi rút SARS-CoV-2, tồn tại ít nhất 2 tháng, và không thể giải thích bằng chẩn đoán khác

Các triệu chứng có thể bắt đầu trong quá trình nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hoặc xuất hiện lần đầu tiên sau khi F0 khỏi bệnh cấp tính.

Các triệu chứng dai dẳng phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở và các vấn đề về nhận thức. Những người khác bị đau ngực, gặp các vấn đề về khứu giác hoặc vị giác, yếu cơ và tim đập nhanh. COVID-19 kéo dài thường có tác động đến hoạt động hàng ngày.

Định nghĩa của WHO có thể thay đổi khi xuất hiện bằng chứng mới và hiểu biết về hậu quả của COVID-19 tiếp tục phát triển. Cơ quan này cho biết một định nghĩa riêng có thể áp dụng cho trẻ em.

Hiện không thể biết chính xác số người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 kéo dài. Một nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh) với hơn 270.000 người sống sót sau COVID-19 đã tìm thấy ít nhất một triệu chứng lâu dài ở 37% trong số đó, với các triệu chứng thường xuyên hơn ở những người phải nhập viện.

Một nghiên cứu riêng biệt từ Đại học Harvard (Mỹ) liên quan đến hơn 52.000 người sống sót sau khi mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng, cho thấy rằng tình trạng COVID-19 kéo dài có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân dưới 65 tuổi thường xuyên hơn.

Đến nay đã có hơn 237,581 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.

nhung-trieu-chung-covid-19-keo-dai-pho-bien-dang-lo.jpg
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Batajnica ở thủ đô Belgrade, Serbia ngày 4.10

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet, các nhà khoa học Trung Quốc báo cáo rằng 12 tháng sau khi rời bệnh viện, 20% đến 30% bệnh nhân mắc COVID-19 vừa phải và tới 54% những người bị bệnh này nặng vẫn có vấn đề về phổi.

Nghiên cứu của Đại học Harvard cũng phát hiện ra rằng những chẩn đoán mới về bệnh tiểu đường và rối loạn thần kinh phổ biến hơn ở những người có tiền sử COVID-19 so với những ai không nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Con người có phục hồi được từ COVID-19 kéo dài?

Nhiều triệu chứng của COVID-19 kéo dài biến mất theo thời gian, bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh ban đầu. Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 vẫn gặp ít nhất một triệu chứng đã giảm từ 68% sau 6 tháng xuống còn 49% sau 12 tháng, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Lancet.

WHO cho biết các triệu chứng COVID-19 kéo dài có thể thay đổi theo thời gian và trở lại sau khi cho thấy sự cải thiện ban đầu.

Vắc xin liệu có thể chữa triệu chứng COVID-19 kéo dài?

Các nghiên cứu nhỏ đã gợi ý rằng một số người bị COVID-19 kéo dài đã cải thiện được các triệu chứng của họ sau khi tiêm vắc xin. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết cần có thêm nghiên cứu để xác định tác động của việc tiêm vắc xin với các tình trạng hậu COVID-19.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ thông báo đã khởi động một nghiên cứu trị giá 470 triệu USD để tìm ra lý do tại sao các triệu chứng COVID-19 vẫn tồn tại lâu như vậy ở nhiều bệnh nhân.

Hiện tại, các nghiên cứu đã bắt đầu tập hợp lại một giả thuyết: Vi rút có thể gây ra phản ứng tự miễn dịch gây ra các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, khó thở, mất khứu giác, đau cơ hoặc sương mù não.

Sương mù não (Brain Fog) là một dạng rối loạn chức năng nhận thức, có thể gây ra các triệu chứng khó chịu về tinh thần, chẳng hạn như mệt mỏi mãn tính, kém tập trung hoặc thiếu minh mẫn. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, về lâu dài có thể gây ra các tình trạng nguy hiểm khác cho sức khỏe.

John Arthur, nhà nghiên cứu tại Đại học Arkansas (Mỹ) về Khoa học Y tế, nói với trang Insider: “Chúng tôi không thể nói chắc rằng đó là một bệnh tự miễn, nhưng nó thực sự bắt đầu giống như vậy”.

Trong nghiên cứu được công bố vào tháng 9.2021, John Arthur và các đồng nghiệp của ông đã gợi ý rằng một số người mắc COVID-19 sẽ phát triển "kháng thể tự động" tấn công các protein của chính họ - dấu hiệu của nhiều bệnh tự miễn. Quá trình đó dẫn đến tình trạng viêm có thể kích hoạt COVID-19 kéo dài.

John Arthur nói: “Mọi thứ gần như khớp với nhau - nhưng vẫn chưa hoàn toàn nằm trong mặt hiểu biết của chúng tôi”.

Nếu lý thuyết được chứng minh là đúng, nó sẽ có ý nghĩa với các phương pháp điều trị COVID-19. Ví dụ, một số loại thuốc huyết áp có thể được sử dụng để ngăn chặn cơn viêm có hại và một số bằng chứng cho thấy vắc xin giúp giảm bớt các triệu chứng COVID-19 kéo dài, có lẽ vì các mũi tiêm giúp điều chỉnh phản ứng kháng thể.

Một loại kháng thể tự động cụ thể có thể dẫn đến tình trạng viêm ở những bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài.

1/3 số bệnh nhân COVID-19 có ít nhất một triệu chứng dai dẳng trong 12 tuần hoặc hơn, theo một nghiên cứu gần đây chưa được đánh giá. Các nhà khoa học đã vật lộn với bí ẩn tại sao điều đó lại xảy ra trong hơn 1 năm.

Tiến sĩ Dixie Harris, bác sĩ về phổi tại Intermountain Healthcare ở bang Utah (Mỹ), nói với Insider: “Tôi thấy rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi có các triệu chứng COVID-19 mãn tính và nhiều người trong số họ thậm chí không gặp bất kỳ vấn đề nào về phổi trước khi mắc COVID-19. Họ đi từ hoạt động bình thường, chạy marathon, đến bây giờ là thở oxy".

Những gì các nhà khoa học biết là khi mắc COVID-19, cơ thể của người bệnh sẽ phát triển các kháng thể để vô hiệu hóa SARS-CoV-2. Thế nhưng, hệ thống miễn dịch của một số người lại nhận diện nhầm những kháng thể đó là mối đe dọa ngoại lai, vì vậy chúng tự sản xuất ra các kháng thể để chống lại chúng. Đó là trường hợp của nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài.

Nhóm của John Arthur đã phân tích mẫu máu của 32 bệnh nhân COVID-19 hiến huyết tương cho Đại học Arkansas và 15 người khác nhập viện ở đó. Khoảng 81% người hiến huyết tương và 93% bệnh nhân nhập viện đã phát triển một loại kháng thể tự động đặc biệt ức chế men ACE2 của họ. Các enzym này (ACE2) đóng vai trò là cổng vào cho vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào của con người nhưng chúng cũng rất quan trọng để làm dịu hệ thống miễn dịch.

Khi không có đủ ACE2, hệ thống miễn dịch có thể tạo ra quá nhiều chứng viêm.

John Arthur nói: “Đó là sự ức chế enzym ACE2 về cơ bản là kết nối hệ thống. Nó giống như nếu bạn có một mớ tóc trong cống và nước bắt đầu tích tụ trên đầu".

Song cần phải nghiên cứu thêm để xác định chắc chắn liệu các kháng thể ACE2 này có gây ra COVID-19 kéo dài hay không. Các nhà nghiên cứu cũng chưa chắc chắn liệu nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nặng có tạo ra nhiều kháng thể tự động hơn những trường hợp nhẹ hay không.

Một nghiên cứu hồi tháng 5 đã chỉ ra rằng đúng như vậy, nhưng John Arthur lưu ý rằng COVID-19 kéo dài cũng phổ biến ở những người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nhẹ.

Các nhà khoa học đang xem xét thuốc huyết áp như một phương pháp điều trị tiềm năng.

Nghiên cứu của John Arthur đưa ra một số bằng chứng cho thấy các loại thuốc dùng để điều trị huyết áp cao có thể có hiệu quả khi điều trị COVID-19 kéo dài.

ACE2 thường giúp điều chỉnh huyết áp bằng cách chuyển hóa chất làm tăng huyết áp thành chất giúp tăng cường lưu lượng máu. COVID-19 kéo dài có thể ngăn chặn quá trình chuyển đổi đó, cho phép hóa chất đầu tiên đó tạo ra mức độ viêm có hại. Thế nhưng, thuốc cao huyết áp có thể làm giảm phản ứng viêm này.

Nghiên cứu của John Arthur cũng cho thấy rằng vắc xin có thể cân bằng mức độ kháng thể SARS-CoV-2 và kháng thể tự động ở những bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài. Một cuộc khảo sát của Vương quốc Anh từ tháng 3 chưa được đánh giá đồng cấp cho thấy 57% những người bị COVID-19 kéo dài đã thấy các triệu chứng của họ được cải thiện sau khi tiêm vắc xin.

John Arthur nói: “Đó là một trong những điều mà chúng ta sẽ xem xét trong giai đoạn tiếp theo, để xem tình trạng vắc xin có ảnh hưởng gì đến sự phong phú của các kháng thể ACE2 này”.

Bài liên quan
Khoảng 1/10 đứa trẻ ở Israel có triệu chứng COVID-19 kéo dài, nguy cơ bị sa sút trí tuệ
Khoảng 1/10 đứa trẻ vẫn còn các triệu chứng sau khi phục hồi từ COVID-19, dù con số đó đã giảm hơn một nửa khi nhiều tháng trôi qua, theo cuộc khảo sát của Bộ Y tế Israel.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những triệu chứng COVID-19 kéo dài phổ biến và đáng lo: Có thể chữa bằng vắc xin?