Phân tích do Nikkei Asian Review thực hiện chỉ ra rằng CHDCND Triều Tiên đạt tiến bộ đều đặn trong phát triển tên lửa khó bị đánh chặn.

Nikkei Asian Review: Tên lửa Triều Tiên trở nên khó bị đánh chặn hơn

Cẩm Bình | 27/09/2022, 10:21

Phân tích do Nikkei Asian Review thực hiện chỉ ra rằng CHDCND Triều Tiên đạt tiến bộ đều đặn trong phát triển tên lửa khó bị đánh chặn.

Nikkei Asian Review đã phân tích số vụ phóng tên lửa của Triều Tiên từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2022, sử dụng số liệu từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản và quân đội Hàn Quốc công bố.

Theo phân tích, chỉ trong nửa đầu năm 2022 đã có ít nhất 28 tên lửa đạn đạo được phóng - cao hơn mức kỷ lục 25 tên lửa năm 2019. Một đơn vị nghiên cứu trực thuộc chính phủ Hàn Quốc ước tính Bình Nhưỡng chi khoảng 650 triệu USD cho các vụ phóng tên lửa kể từ tháng 1, tương đương 2% GDP đất nước.

Nikkei Asian Review so sánh 40 tên lửa phóng trong hai năm 2016 - 2017 và 70 tên lửa tính từ năm 2019 để tìm hiểu rõ hơn điều gì đứng sau nỗ lực theo đuổi chương trình tên lửa của Triều Tiên bất chấp kinh tế khó khăn.

nokorea01.jpg
Triều Tiên từ năm 2019 phóng nhiều tên lửa tầm ngắn - Ảnh: Nikkei Asian Review

Thay đổi đáng chú ý nhất là loại nhiên liệu sử dụng. Hầu hết tên lửa phóng năm 2017 đều dùng nhiên liệu lỏng, nhưng nhiên liệu rắn thời gian gần đây được ưa chuộng hơn. Tên lửa đời cũ dùng nhiên liệu lỏng như Scud và Nodong bị thay thế bằng tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn như KN23 và KN24.

Không như nhiên liệu rắn, nhiên liệu lỏng không thể được giữ bên trong tên lửa trong thời gian dài - có nghĩa phải nạp nhiên liệu trong vòng vài ngày trước khi phóng. Thời gian chuẩn bị có nguy cơ làm lộ vị trí phóng trước vệ tinh do thám hoặc phương tiện thu thập tình báo khác.

Sử dụng nhiên liệu rắn giúp bỏ đi bước nạp nhiên liệu lúc phóng, cho phép tên lửa cơ động hơn, bắn nhanh mà không bị phát hiện. Triều Tiên đã thử phóng tên lửa giấu trên toa tàu hỏa.

Bình Nhưỡng còn chế tạo tên lửa đạn đạo thay đổi đường bay giữa chừng. Số tên lửa phóng năm 2017 đều đi theo quỹ đạo parabol thông thường, nhưng hơn 1/3 số tên lửa phóng từ năm 2019 có quỹ đạo thay đổi.

Tên lửa khó đánh chặn đe dọa các căn cứ quân sự ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Một vũ khí dẫn đường chiến thuật tầm bắn 110km nếu phóng từ địa điểm gần Khu vực Phi quân sự (DMZ) thì đủ sức vươn tới Seoul và Pyeongtaek nơi Mỹ, Hàn đóng quân. Tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN23 cũng có thể đánh đến căn cứ Mỹ tại hai tỉnh Nagasaki và Yamaguchi (Nhật).

Triều Tiên không dự định giảm tốc chương trình tên lửa. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un năm 2021 từng nhấn mạnh phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn và vũ khí hạt nhân chiến thuật là một trong số mục tiêu 5 năm.

Hiện tại ICBM của Triều Tiên - kể cả tên lửa Hwasong-17 mới - vẫn đang dùng nhiên liệu lỏng. Nếu Bình Nhưỡng chế tạo thành công ICBM nhiên liệu rắn, lục địa Mỹ sẽ càng bị đe dọa hơn nữa.

Sản xuất vũ khí hạt nhân chiến thuật chính là gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm ngắn. Giới chuyên gia nhận định Triều Tiên cần thử hạt nhân lần thứ 7 để có thể phát triển công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Giáo sư Hideya Kurata thuộc Học viện Quốc phòng Nhật cho biết: “Lực lượng Mỹ đồn trú Nhật Bản, Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân. Triều Tiên tin rằng nếu sở hữu vũ khí hạt nhân thì khi xung đột nổ ra, nước này sẽ khiến Mỹ không dám can thiệp, qua đó nhanh chóng giành thế chủ động”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
một giờ trước Thị trường và chính sách
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nikkei Asian Review: Tên lửa Triều Tiên trở nên khó bị đánh chặn hơn