Bất chấp Liên minh châu Âu (EU) đang chịu cảnh thiếu hụt nguồn cung khí đốt và giá năng lượng tăng vọt, chính phủ Hà Lan vẫn quyết định ngừng khai thác các giếng khí đốt tự nhiên ở vùng Groningen – nơi có trữ lượng nhiều hàng đầu thế giới với tổng giá trị lên đến 1.000 tỉ euro.
Trong tương lai gần “kho báu” này sẽ chưa thể được khai thác, lý do đóng giếng là vì hoạt động khai thác gây nên địa chấn. Nhóm Groningen Gas đại diện cho các tổ chức xã hội dân sự địa phương cho biết khoảng 1.200 trận động đất đã được ghi nhận, khoảng 27.000 ngôi nhà hư hại nghiêm trọng và không đủ an toàn để sinh sống.
Nhưng ngày càng nhiều chuyên gia kêu gọi chính phủ đảo ngược quyết định, kéo dài thời gian khai thác thêm vài năm nữa. Họ lập luận rằng làm vậy giúp đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt trong tương lai và hạ giá năng lượng.
Theo giáo sư Machiel Mulder thuộc đại học Groningen: “Giếng khí đốt có thể được mở lại trong trường hợp khẩn cấp. Người sống ở Đức, Estonia hoặc quốc gia khác bị thiếu khí đốt là trường hợp khẩn cấp. Vì vậy cần xét lại xem có nên mở lại giếng khí đốt ở Groningen để sản xuất thêm hay không”.
Giải pháp thay thế cho khai thác là nhập khẩu. Hà Lan đã đưa một cơ sở xử lý khí hóa lỏng (LNG) bổ sung vào hoạt động. Một số quốc gia khác như Đức và Pháp cũng xây dựng hạ tầng mới phục vụ nhập khẩu LNG.
Hà Lan có khoảng 81.000 việc làm liên quan đến ngành nông nghiệp nhà kính. Hơn 50% số doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với khó khăn tài chính vì giá khí đốt tăng cao.
Kéo dài thời gian khai thác khí đốt ở Groningen có thể làm dịu tình hình. Tuy nhiên doanh nghiệp trong ngành cũng đang thực hiện một số biện pháp khác để thích ứng.
Chủ nông trại nhà kính Juliska van der Breggen cho biết: “Chúng tôi phải đóng cửa một cơ sở và 30% nhân viên phải nghỉ việc. Vấn đề nằm ở giá năng lượng cao, chúng tôi phải giảm sử dụng năng lượng. Giảm 30% hoàn toàn khả thi”. Ngoài ra, Hà Lan còn khởi động lại vài nhà máy nhiệt điện than.