Cơ quan quản lý Trung Quốc đã yêu cầu các hãng công nghệ lớn (Big Tech) không cung cấp dịch vụ ChatGPT cho công chúng trong bối cảnh ngày càng có nhiều cảnh báo về những câu trả lời không được kiểm duyệt của chatbot AI này với truy vấn từ người dùng, theo trang Nikkei Asia.

Nikkei: Trung Quốc yêu cầu Alibaba và các Big Tech không cung cấp dịch vụ ChatGPT

Sơn Vân | 22/02/2023, 16:15

Cơ quan quản lý Trung Quốc đã yêu cầu các hãng công nghệ lớn (Big Tech) không cung cấp dịch vụ ChatGPT cho công chúng trong bối cảnh ngày càng có nhiều cảnh báo về những câu trả lời không được kiểm duyệt của chatbot AI này với truy vấn từ người dùng, theo trang Nikkei Asia.

Tencent và Ant Group (chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba) đã được hướng dẫn không cung cấp quyền truy cập vào các dịch vụ ChatGPT trên nền tảng của họ, trực tiếp hoặc thông qua bên thứ ba. Những người có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề tiết lộ thông tin này với trang Nikkei Asia.

Các hãng công nghệ Trung Quốc cũng cần báo cáo với các cơ quan quản lý trước khi tung ra dịch vụ tương tự ChatGPT của riêng họ, các nguồn tin của Nikkei Asia cho biết thêm.

Được phát triển bởi công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) và Microsoft hậu thuẫn, ChatGPT không có sẵn chính thức ở Trung Quốc nhưng một số người dùng vẫn có thể truy cập chatbot này nhờ mạng riêng ảo (VPN). Cũng có hàng chục chương trình nhỏ được phát hành bởi các nhà phát triển bên thứ ba trên WeChat của Tencent, tuyên bố cung cấp dịch vụ từ ChatGPT.

Dưới áp lực pháp lý, Tencent đã đình chỉ một số dịch vụ của bên thứ ba như vậy bất kể chúng có liên quan đến ChatGPT hay chỉ là bản sao chép, theo nguồn tin từ trang Nikkei Asia.

Động thái của các nhà quản lý Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh có phản ứng dữ dội với ChatGPT. Hôm 20.2, hãng truyền thông nhà nước China Daily cho biết trong một bài đăng trên Weibo rằng: "ChatGPT có thể giúp chính phủ Mỹ truyền bá thông tin sai lệch và thao túng các câu chuyện toàn cầu vì mục đích địa chính trị của mình".

Các nguồn tin trong ngành công nghệ cho biết họ không ngạc nhiên trước việc Trung Quốc yêu cầu các hãng công nghệ lớn không cung cấp dịch vụ ChatGPT.

"Ngay từ đầu, chúng tôi hiểu rằng ChatGPT không bao giờ có thể xâm nhập vào Trung Quốc do các vấn đề về kiểm duyệt và nước này sẽ cần các phiên bản ChatGPT của riêng mình", một lãnh đạo hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc chia sẻ với trang Nikkei Asia.

Một giám đốc hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc khác nói rằng ngay cả khi không có cảnh báo trực tiếp, công ty của ông sẽ không sử dụng ChatGPT.

Ông nói: “Chúng tôi đã là mục tiêu của cơ quan quản lý Trung Quốc trong bối cảnh ngành công nghệ bị kiểm soát những năm gần đây. Thế nên ngay cả khi không có lệnh cấm như vậy, chúng tôi sẽ không bao giờ chủ động thêm ChatGPT vào nền tảng của mình vì phản hồi từ nó là không thể kiểm soát được. Chắc chắn sẽ có một số người dùng hỏi chatbot này những câu hỏi nhạy cảm về mặt chính trị, nhưng nền tảng sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả”.

trung-quoc-yeu-cau-alibaba-tencent-va-cac-big-tech-khong-cung-cap-dich-vu-chatgpt.jpg
Theo Nikkei, Trung Quốc yêu cầu các hãng công nghệ lớn không cung cấp dịch vụ ChatGPT cho công chúng - Ảnh: Internet

Kể từ khi ChatGPT ra mắt hồi tháng 11.2022 và gây bão internet, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả Tencent, Alibaba và Baidu, đã gấp rút công bố kế hoạch phát triển các dịch vụ tương tự ChatGPT. Tuy nhiên, các công ty này đã cẩn trọng trong cách diễn đạt thông tin. Tất cả đều lưu ý rằng các dịch vụ của họ tương tự ChatGPT nhưng không tích hợp trực tiếp ChatGPT.

Gã khổng lồ tìm kiếm Baidu thông báo sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ một dự án kiểu ChatGPT có tên là Ernie Bot vào tháng 3. Ban đầu, dịch vụ này có thể không phải là chatbot mà là tính năng nhúng trong một số sản phẩm của công ty, những người quen thuộc với vấn đề này nói với Nikkei Asia.

Việc Trung Quốc kiểm soát ChatGPT diễn ra khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang.

OpenAI, Alibaba, Tencent và Ant Group đã không trả lời ngay lập tức câu hỏi của Nikkei Asia.

Hôm 17.2, cảnh sát Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) khuyên người dân cảnh giác với tin đồn do ChatGPT tạo ra. Đây là một trong những bình luận đầu tiên mà bộ máy an ninh Trung Quốc đưa ra về chatbot AI của OpenAI đang lan truyền.

ChatGPT thú vị và đã lan truyền gần đây, nhưng hãy cẩn thận rằng những kẻ xấu có thể sử dụng điều này để phạm tội và lan truyền tin đồn. Các viện nghiên cứu đã thử nghiệm và phát hiện ra rằng khi được hỏi những câu hỏi liên quan đến âm mưu và gây hiểu lầm, ChatGPT có thể nhanh chóng tạo ra thông tin hấp dẫn mà không trích dẫn nguồn”, một bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Cục Công an thành phố Bắc Kinh cho biết.

Bài đăng không đưa ra bất kỳ ví dụ cụ thể nào về những tin đồn mà cảnh sát lo ngại.

Tại thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), ChatGPT đã bị đổ lỗi cho việc truyền bá thông tin sai lệch.

Hôm 17.2, một cơ quan truyền thông nhà nước có trụ sở tại Chiết Giang công bố trường hợp liên quan đến một cư dân Hàng Châu đã sử dụng ChatGPT để tạo bài đăng giống như một thông báo từ chính quyền thành phố, nói rằng họ sẽ dỡ bỏ các hạn chế lái xe dựa trên biển số, biện pháp mà nhiều thành phố ở Trung Quốc đã thực hiện để giảm tắc nghẽn giao thông.

Báo cáo cho biết người dân thấy thông báo của ChatGPT rất thú vị và sau đó chia sẻ nó trong nhiều nhóm mạng xã hội.

Theo một ảnh chụp màn hình được công bố cùng với báo cáo, người này đã xin lỗi các thành viên khác trong nhóm WeChat và nói: “Tôi nhận ra hành động của mình đã gây bất tiện cho chính quyền”.

Theo The Paper, hãng tin có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, cảnh sát ở Hàng Châu đang điều tra vụ việc.

ChatGPT đã gây bão trên toàn thế giới, châm ngòi cho một cuộc đua AI toàn cầu khi các hãng công nghệ Trung Quốc đổ xô xây dựng và tung ra các phiên bản ChatGPT của riêng họ.

Những người trong ngành công nghệ cho biết sẽ rất khó để xây dựng phiên bản tiếng Trung của ChatGPT vì sẽ yêu cầu nhiều lớp lọc và xử lý văn bản mà nó tạo ra để vượt qua cơ quan kiểm duyệt internet ở Trung Quốc.

Họ cho biết việc đào tạo một mô hình AI của Trung Quốc cũng sẽ khó khăn hơn vì hệ sinh thái nguồn mở và dữ liệu liên quan bằng ngôn ngữ này ít rộng rãi hơn so với những mô hình được dùng bởi mô hình của Mỹ.

Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống tinh vi để kiểm soát thông tin trực tuyến và thường xuyên tiến hành các chiến dịch làm sạch thông tin được cho là không mong muốn.

Hôm 15.2, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến dịch “làm sạch” nội dung trực tuyến và thông tin không được phép. Chiến dịch bắt đầu vào năm 2022 và các mục tiêu của nó bao gồm các phương tiện truyền thông nước ngoài và báo chí công dân.

Giống như hầu hết sản phẩm internet không thuộc Trung Quốc, ChatGPT không điều chỉnh các cuộc thảo luận chính trị theo quan điểm của Bắc Kinh.

Cảnh sát Bắc Kinh cảnh báo rằng OpenAI không cung cấp bất kỳ dịch vụ nào hoặc ủy quyền cho bất kỳ công ty nào vận hành ChatGPT ở Trung Quốc. Họ cảnh báo công chúng nên hết sức thận trọng vì chatbot này có thể mang thông tin sai lệch và gây mối lo ngại về an ninh quốc gia.

Ngoài ra, cảnh sát Bắc Kinh cho biết ngày càng có nhiều sản phẩm kỹ thuật số ở Trung Quốc bắt chước ChatGPT, dụ người dùng sử dụng dịch vụ rồi tính phí cao, trong khi các vụ lừa đảo khác liên quan đến tội phạm nước ngoài sử dụng AI để tạo email lừa đảo nhằm gây hại cho người dùng Trung Quốc.

Cách đây 2 tuần, nền tảng thương mại điện tử Taobao, thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba, vẫn có hàng trăm danh sách các dịch vụ giúp người dùng Trung Quốc truy cập tài khoản ChatGPT. Các bài đăng tương tự cũng có thể được tìm thấy trên siêu ứng dụng WeChat. Tuy nhiên kể từ ngày 10.2, những danh sách đó trên cả hai nền tảng đã bị xóa, theo trang SCMP.

Bài liên quan
Nhiều trường xem sử dụng ChatGPT là hành vi bất hợp pháp, có thể bị trừng phạt
Đại học Hồng Kông nói rằng việc dùng ChatGPT là bất hợp pháp và hình phạt sẽ giống như tội đạo văn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nikkei: Trung Quốc yêu cầu Alibaba và các Big Tech không cung cấp dịch vụ ChatGPT