Lãnh đạo các công ty internet lớn nhất Trung Quốc đã gặp gỡ các quan chức của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), một trong những cơ quan quản lý ngành công nghệ lớn của quốc gia, để thảo luận về các cách thúc đẩy “sự phát triển chất lượng cao lĩnh vực internet”.

Cơ quan quản lý gặp các trùm công nghệ khi Trung Quốc nới lỏng áp đặt bằng quy định

Sơn Vân | 20/02/2023, 08:08

Lãnh đạo các công ty internet lớn nhất Trung Quốc đã gặp gỡ các quan chức của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), một trong những cơ quan quản lý ngành công nghệ lớn của quốc gia, để thảo luận về các cách thúc đẩy “sự phát triển chất lượng cao lĩnh vực internet”.

Vừa được tổ chức tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), hội thảo chuyên đề có sự tham dự của Phó giám đốc MIIT Zhang Yunming, Pony Ma Huateng (người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tencent Holdings), Robin Li Yanhong (đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Baidu), Lei Jun (nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Xiaomi), William Ding Lei (nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành NetEase), theo một tuyên bố được đưa ra bởi Hiệp hội Internet Trung Quốc (đơn vị tổ chức sự kiện) do chính phủ hậu thuẫn.

Cheng Wei, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty gọi xe khổng lồ Didi Chuxing, cũng có mặt tại sự kiện. Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện tại sự kiện thường niên kể từ khi lực lượng đặc nhiệm của chính phủ khởi xướng cuộc điều tra an ninh mạng với Didi Chuxing vào tháng 7.2021, chỉ hai ngày sau khi công ty chào bán cổ phiếu bán lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ).

Tháng trước, Didi Chuxing đã tiếp tục cho phép đăng ký người dùng mới ở Trung Quốc với sự đồng ý của chính phủ, gần 18 tháng sau khi cơ quan quản lý ra lệnh dừng đăng ký khách hàng và 6 tháng sau khi kết thúc cuộc điều tra an ninh mạng, dẫn đến khoản tiền phạt 1,2 tỉ USD với công ty.

co-quan-quan-ly-gap-cac-trum-cong-nghe-trung-quoc-22.jpg
Trụ sở Didi Chuxing ở Bắc Kinh - Ảnh:Bloomberg

Trong cuộc họp đó, những người tham gia đã đồng ý rằng việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số và tích hợp hơn nữa với “nền kinh tế thực” - những mục tiêu được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 vào tháng 10.2022. MIIT cho biết đây sẽ là những nguyên tắc cơ bản hướng dẫn sự phát triển của lĩnh vực internet.

Cuộc họp kết luận ngành công nghiệp internet sẽ giúp nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Trung Quốc như mạng 5G, Gigabit Ethernet và trung tâm dữ liệu; tăng cường đổi mới trong các công nghệ cốt lõi như 6G, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử; cải thiện khung pháp lý có liên quan.

Cuộc họp diễn ra khi Trung Quốc tăng cường hỗ trợ cho các hãng công nghệ lớn để vực dậy nền kinh tế đang phát triển chậm chạp của đất nước, sau hơn 2 năm chững lại vì các quy định.

Từ ngày 31.3, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc sẽ có nhiệm vụ xem xét các đơn đăng ký niêm yết ở nước ngoài của các công ty nước này, gồm cả ở Hồng Kông. Các nhà quản lý vừa công bố điều đó, mở lại con đường cho Didi Chuxing gây quỹ sau 20 tháng bị cản trở khiến kế hoạch bán cổ phiếu tại Hồng Kông rơi vào tình trạng lấp lửng.

Nhà chức trách cũng đã nới lỏng các hạn chế với lĩnh vực game, với các quan chức chính quyền ở thành phố Thượng Hải và Thâm Quyến tuyên bố sẽ thúc đẩy sự phát triển của thể thao điện tử.

Cục Quản lý Xuất bản và Báo chí Quốc gia Trung Quốc đã cấp giấy phép cho 88 game mới vào tháng 1, nhiều hơn bất kỳ đợt phê duyệt hàng tháng nào được đưa ra vào năm 2022.

Trung Quốc thay đổi lập trường với Big Tech, các trùm công nghệ sẽ có tiếng nói hơn ở 2023

Theo các nhà phân tích, năm 2023 có thể chứng kiến ​​các ông trùm công nghệ Trung Quốc trở nên nổi bật và có tiếng nói hơn đôi chút, do Bắc Kinh thay đổi lập trường với Big Tech sau một năm khó khăn của nền kinh tế.

Nhiều ông trùm công nghệ Trung Quốc đã im hơi lặng tiếng trong hai năm qua.

Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance, đã không xuất hiện trước công chúng.

Wang Xing, Chủ tịch Meituan, không đăng công khai một bài nào trên mạng xã hội vào năm 2022.

Ma Huateng, Chủ tịch Tencent, hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Trong khi Jack Ma, người sáng lập Alibaba Group Holding nhưng từ chức chủ tịch vài năm trước, tiếp tục ẩn mình và tránh ánh đèn sân khấu.

Các ông trùm công nghệ Trung Quốc ẩn mình chờ thời diễn ra song song với việc Trung Quốc nỗ lực “cắt đứt đôi cánh” các đế chế kinh doanh của họ cũng như việc một số công ty thu hẹp quy mô và sa thải nhân viên số lượng lớn.

Angela Zhang, phó giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông, cho biết: “2022 là một năm khó khăn với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Ngành này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giống như nhiều ngành khác ở Trung Quốc, bởi môi trường kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách Zero COVID”.

Thế nhưng, điều đó có thể thay đổi khi chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp Zero-COVID. Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, Trung Quốc đã yêu cầu các Big Tech của đất nước đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tham gia cạnh tranh quốc tế. Đây là dấu hiệu cho thấy giai đoạn hai năm giám sát chặt chẽ đã kết thúc.

Yang Aiyi, nhà phân tích tại hãng China Securities, cho biết trong một lưu ý gần đây rằng “rủi ro chính sách” với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã bắt đầu giảm bớt.

Các yếu tố trước đây kìm hãm các công ty internet đang dần được nới lỏng. Chúng tôi kỳ vọng các nguyên tắc cơ bản và giá trị thị trường của các công ty sẽ trở lại vào năm 2023”, Yang Aiyi nói.

Trong khi các ông chủ công nghệ của Trung Quốc vẫn chưa tìm kiếm ánh đèn sân khấu, một số người đã bắt đầu nhắc nhở nhân viên rằng họ vẫn đang nắm quyền.

Tại cuộc họp nội bộ tại tòa thị chính vào tháng 12.2022, Ma Huateng đã cảnh báo nhân viên Tencent rằng bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng có thể bị cắt giảm nếu hoạt động kém hiệu quả.

Richard Liu, người sáng lập kiêm Chủ tịch công ty thương mại điện tử JD.com, gọi một số giám đốc là “kẻ dối trá” và đe dọa sa thải những người làm việc kém hiệu quả.

Richard Liu đã ra lệnh cắt giảm 20% lương của khoảng 2.000 quản lý cấp cao để “giảm bớt gánh nặng cho công ty” và hứa sẽ tiếp tục trả thù lao nếu JD.com trở lại tăng trưởng nhanh trong hai năm tới.

Trong một bài phát biểu nội bộ, Richard Liu cũng mắng mỏ các giám đốc cấp cao của mình vì giấu ông sự thật về hoạt động của công ty và sử dụng các slide PowerPoint để che đậy sự kém cỏi về kinh doanh.

Một nhân viên tham dự cuộc họp này tiết lộ Richard Liu đã đề cập về cuộc cải tổ ở nhóm quản lý cấp cao. “Ông Liu cho biết chỉ một nửa phó chủ tịch trong mảng kinh doanh bán lẻ nói sự thật. Mảng này có khoảng 40 phó chủ tịch, vì vậy bạn có thể tưởng tượng áp lực với họ là lớn như thế nào”, nhân viên giấu tên này nói với trang SCMP.

Nguồn tin khác của SCMP tiết lộ Richard Liu đã chỉ trích công khai JD Digits (hiện là JD Technology) vì hoạt động chậm chạp. Điều này gây áp lực lên Li Yayun, từng là Giám đốc vận hành của JD.com trước khi đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành JD Digits vào năm 2021. Thời điểm đó, JD Digits rơi vào tình hình khó khăn do phải hủy đơn đăng ký đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vì loạt quy định mới của Trung Quốc.

Richard Liu không xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị buộc tội cưỡng hiếp một sinh viên Trung Quốc ở bang Minnesota (Mỹ) vào năm 2018, đồng thời từ bỏ nhiều vị trí cấp cao trong công ty.

Vào tháng 4.2022, Richard Liu từ chức Giám đốc điều hành JD.com trong bối cảnh Mỹ giám sát ngành công nghệ của Trung Quốc, giao lại vai trò này cho Xu Lei, người bạn tâm giao lâu năm và là "cựu chiến binh" của công ty. Tuy nhiên, Richard Liu vẫn duy trì quyền kiểm soát JD.com thông qua quyền biểu quyết cũng như ủy ban chiến lược do ông làm chủ tịch.

Một trong những nguồn tin thân cận cho biết Ủy ban điều hành chiến lược của JD.com gồm 18 giám đốc nhưng Richard Liu vẫn là người ra quyết định cuối cùng.

co-quan-quan-ly-gap-cac-trum-cong-nghe-trung-quoc-.jpg
Richard Liu cho rằng nhiều nhân sự cấp cao JD.com đã nói dối về tình hình kinh doanh - Ảnh: Xinhua

Trong cuộc họp tại tòa thị chính vào tháng 12.2022, Ma Huateng, Giám đốc điều hành 51 tuổi của công ty game và truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc, đã chỉ trích một số nhà quản lý của Tencent vì tham nhũng và thiếu khẩn trương cải thiện hiệu quả công ty, theo hãng truyền thông Jiemian (Trung Quốc).

Ma Huateng cho biết mảng kinh doanh game video cốt lõi của Tencent sẽ tiếp tục tồn tại trong một môi trường pháp lý nghiêm ngặt và ông hy vọng các cơ quan quản lý sẽ kiểm soát chặt chẽ số lượng game mới được phê duyệt trong dài hạn.

co-quan-quan-ly-gap-cac-trum-cong-nghe-trung-quoc-11.jpg
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ma Huateng chỉ trích một số nhà quản lý của Tencent - Ảnh: Reuters

Trái ngược với thời kỳ hoàng kim của ngành, khi các ông chủ công nghệ thường xuyên có những bài phát biểu trước công chúng và thậm chí tranh luận với nhau, nay họ sẽ giữ thái độ khiêm tốn và bước đi cẩn thận, Angela Zhang cho biết.

Các doanh nhân Trung Quốc rất kiên cường và sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường chính sách mới để doanh nghiệp của họ có thể tồn tại và phát triển ở nước này. Do áp lực pháp lý ngày càng tăng và sự trưởng thành của thị trường trong nước, họ cũng có thể tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội phát triển mới”, Angela Zhang nhận định.

Bài liên quan
Tencent và ByteDance thống trị doanh thu ứng dụng toàn cầu, 13 hãng ủng hộ dự luật kiềm chế Big Tech
Tencent Holdings và ByteDance là hai công ty được xếp hạng hàng đầu thế giới về doanh thu từ ứng dụng trong nửa đầu năm 2022, theo báo cáo mới từ trang SCMP.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ quan quản lý gặp các trùm công nghệ khi Trung Quốc nới lỏng áp đặt bằng quy định