Đại học Hồng Kông nói rằng việc dùng ChatGPT là bất hợp pháp và hình phạt sẽ giống như tội đạo văn.
Kể từ khi được công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) phát hành vào tháng 11.2022, ChatGPT đã trở thành hiện tượng internet. Chatbot AI (trí tuệ nhân tạo) này hỗ trợ nhiều học sinh/sinh viên viết văn, làm bài tập về nhà... Dù được nhiều người ca ngợi, ChatGPT vẫn là mối đe dọa với giới học thuật.
Nhiều trường đại học trên khắp thế giới đang cấm sử dụng ChatGPT. Một số thậm chí còn coi việc dùng chatbot của OpenAI là hành vi bất hợp pháp, có thể bị trừng phạt giống như đạo văn. Đại học Hồng Kông vừa tham gia danh sách ngày càng dài các trường cấm ChatGPT.
Cụ thể hơn, Đại học Hồng Kông nghiêm cấm giáo viên và sinh viên sử dụng ChatGPT cho mục đích giảng dạy, làm bài tập. Đại học Hồng Kông cũng nói rằng việc dùng công cụ AI này là bất hợp pháp và hình phạt sẽ giống như tội đạo văn.
Đây cũng là trường đại học đầu tiên ở Trung Quốc cấm ChatGPT một cách rõ ràng. Cụ thể hơn, He Liren, Phó hiệu trưởng Đại học Hồng Kông phụ trách công tác giảng dạy, đã quy định trong một lá thư nội bộ gửi giáo viên và sinh viên như sau: “Cấm sử dụng ChatGPT hoặc các công cụ AI khác trong lớp, làm bài tập và các bài đánh giá khác. Nếu sinh viên sử dụng mà không được giáo viên bộ môn cho phép bằng văn bản thì sẽ bị coi là lấy tác phẩm của người khác, có tính chất lừa dối. Điều này đơn giản đồng nghĩa sinh viên sẽ bị coi là đạo văn”.
Sinh viên Đại học Hồng Kông không thể sử dụng văn bản do ChatGPT tạo ra để thay thế một phần hoặc toàn bộ bài tập về nhà. Chắc chắn những sinh viên từng nhờ ChatGPT hoàn thành các bài tập Toán, viết mã, sáng tác hay làm luận án có lẽ không vui vì quy định này.
"Xem xét việc kết hợp các công cụ AI vào việc dạy và học"
Trước đây, Zhang Xiang, Hiệu trưởng Đại học Hồng Kông, đã đưa ra những nhận xét đáng chú ý. Ông tuyên bố rằng Đại học Hồng Kông sẽ thúc đẩy sự phát triển của AI và khoa học dữ liệu. Tuy nhiên, nó sẽ phải đối mặt với một số vấn đề về AI.
“Thách thức với chúng tôi là làm thế nào để phân biệt bài kiểm tra giữa kỳ của học sinh do chính các em làm hay do AI làm”, Zhang Xiang nói.
Nếu nghi ngờ học sinh sử dụng các công cụ AI như ChatGPT để hoàn thành bài tập, giáo viên có thể yêu cầu các em giới thiệu cách làm hoặc nội dung có liên quan. Giáo viên cũng có thể thiết lập bài kiểm tra vấn đáp, tăng cường kiểm tra trong lớp học và các biện pháp khác.
Phó hiệu trưởng He Liren cũng đề cập rằng trường chỉ đang áp dụng biện pháp ngắn hạn trong lúc này, do sẽ cần một thời gian dài để xem xét việc kết hợp các công cụ AI vào việc dạy và học.
He Liren nhấn mạnh rằng nhà trường nhận ra tầm quan trọng của AI. Đại học Hồng Kông cũng đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc tranh luận trong khuôn viên trường để mời giáo viên và sinh viên thảo luận về vấn đề đó. Dựa trên hiệu quả phản hồi của ChatGPT, một số sinh viên cho rằng sử dụng chatbot này để tìm kiếm thông tin thực sự tiện lợi.
"89% học sinh Mỹ sử dụng ChatGPT làm bài tập về nhà"
Những lo ngại của Đại học Hồng Kông là chính đáng. Dựa trên sự không ổn định của nội dung do ChatGPT tạo ra, một số giáo viên cho rằng chatbot của OpenAI không thể hoàn thành các bài tập cấp cao. Tuy nhiên, một số sinh viên vẫn đánh liều trích dẫn nội dung do ChatGPT trả lời.
Theo cuộc khảo sát với 1.000 sinh viên đại học trên 18 tuổi ở Mỹ, có tới 89% số người được hỏi thừa nhận đã sử dụng ChatGPT khi hoàn thành bài tập về nhà.
Tài khoản chính thức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc trích dẫn trường hợp thực tế, trong đó một sinh viên năm thứ hai nhập câu hỏi chỉ 20 từ và tạo ra bài luận dài hơn 1.200 từ với sự trợ giúp của ChatGPT.
Nhiều hiện tượng khác nhau đã gây ra cuộc thảo luận và hoang mang trong lĩnh vực giáo dục. Đại học Hồng Kông không còn nằm trong số những trường đầu tiên hành động. Nhiều trường đại học và hệ thống giáo dục ở một số quốc gia từng cấm sinh viên sử dụng ChatGPT.
Ngay từ đầu tháng 12.2022, Học khu thống nhất Los Angeles đã đình chỉ quyền truy cập vào trang web ChatGPT. Kể từ tháng 1, các trường công lập ở thành phố New York (Mỹ), đại học khoa học hàng đầu Pháp, một số trường đại học ở Úc... đã cấm ChatGPT. Tất cả trường e ngại ChatGPT đều đưa lý do cho lệnh cấm liên quan đến "đạo văn, gian lận".
Jenna Lyle, người phát ngôn của Sở Giáo dục thành phố New York, tuyên bố: “ChatGPT có thể tác động tiêu cực đến việc học tập của học sinh. Không có gì đảm bảo về tính an toàn và chính xác của nội dung mà ChatGPT tạo ra. Dù có thể cung cấp câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng nhưng ChatGPT không phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh”.
Phản ứng của cộng đồng học thuật với ChatGPT không chỉ giới hạn ở các trường học. Nhiều tạp chí cũng đã thể hiện những ý tưởng tương tự.
Tạp chí Nature đã đăng một bài báo vào đầu tháng 12.2022, thể hiện sự quan ngại về việc ChatGPT bị thu hẹp lại thành một công cụ cho học sinh viết bài luận. Một số tạp chí Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không chấp nhận các bài viết có dấu ấn của ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ tự học khác. Những người che giấu việc sử dụng ChatGPT sẽ bị từ chối hoặc rút lại bài viết.
ChatGPT cũng được nhiều người yêu thích
Tất nhiên, không phải ai cũng phản đối việc thêm ChatGPT vào quy trình hoàn thành bài tập về nhà.
Bhaskar Vira, Phó chủ tịch phụ trách giáo dục của Đại học Cambridge (Anh), đã nêu quan điểm trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo của trường. Trong mắt ông, AI là một công cụ để mọi người sử dụng và sẽ không khôn ngoan nếu trường đại học vô hiệu hóa các công cụ AI như ChatGPT.
Quan điểm của Bhaskar Vira là các trường nên điều chỉnh quá trình giảng dạy và kiểm tra để đảm bảo rằng học sinh duy trì tính toàn vẹn trong học tập khi sử dụng các công cụ tương tự. Thậm chí có những giáo viên “cùng chí hướng” với học sinh dùng công cụ AI.
Nhà triết học nổi tiếng Slavoj Zizek ủng hộ mọi người sử dụng các công cụ AI khác nhau và hào hứng nói: Đừng vô hiệu hóa nó!
“Học sinh của tôi sử dụng AI để viết bài và tôi dùng AI để chấm điểm sau khi nộp bài. Bằng cách đó, tất cả chúng ta đều thoải mái và dễ dàng phải không?!”, ông nói.