Giải Nobel Vật lý 2020 được trao cho các nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez với những phát hiện về hố đen, một trong những vật thể bí ẩn nhất vũ trụ.

Nobel Vật lý 2020 cho nghiên cứu về hố đen vũ trụ

Long Hải | 06/10/2020, 17:05

Giải Nobel Vật lý 2020 được trao cho các nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez với những phát hiện về hố đen, một trong những vật thể bí ẩn nhất vũ trụ.

Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã công bố những người chiến thắng giải thưởng Nobel Vật lý 2020 tại Stockholm lúc 12 giờ ngày 6.10 (giờ địa phương). Theo đó, giải thưởng được trao cho các nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez vì những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên văn.

Giải thưởng danh giá đi kèm với huy chương vàng và số tiền thưởng trị giá hơn 1,1 triệu USD. Trong đó, ông Roger Penrose nhận một nửa giải thưởng, phần còn lại sẽ chia đều cho hai nhà khoa học Reinhard Genzel và Andrea Ghez với một công trình nghiên cứu chung.

nha-khoa-hoc.jpg
Các nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez (theo thứ tự từ trái sang phải) - Ảnh: Twitter

Roger Penrose hiện là Giáo sư Rouse Ball Toán học danh dự tại Viện Toán học của Đại học Oxford. Ông nổi tiếng trên thế giới với các công trình nghiên cứu về vật lý toán, đặc biệt là những đóng góp đối với thuyết tương đối rộng của Albert Einstein và vũ trụ học. Ông nhận nhiều giải thưởng lớn, bao gồm Giải Wolf năm 1988 cùng với Stephen Hawking.

Theo Ủy ban Nobel, Roger Penrose đã sử dụng các phương pháp toán học để chứng minh rằng hố đen là kết quả trực tiếp của thuyết tương đối rộng. Bản thân Einstein cũng không tin rằng hố đen thực sự tồn tại. Hố đen được coi là những vật thể siêu nặng "nuốt chửng" mọi thứ tới gần chúng và không gì có thể thoát ra, bao gồm cả ánh sáng.

Trong khi đó, hai nhà khoa học Reinhard Genzel và Andrea Ghez đã phát hiện ra rằng "một vật thể vô hình siêu nặng chi phối quỹ đạo của những ngôi sao ở trung tâm Dải Ngân hà" và cách lý giải duy nhất hiện nay là sự tồn tại của một hố đen siêu lớn.

Năm 2019, giải Nobel Vật lý được trao cho 3 nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz vì đóng góp cho hiểu biết về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái đất trong thiên hà.

Sau Nobel Vật lý, giải Nobel Hóa học sẽ được trao trong ngày 7.10. Những giải thưởng Nobel thường được công luận chăm chú theo dõi nhiều hơn là Nobel Văn học và Nobel Hòa bình, sẽ được trao lần lượt trong các ngày 8 và 9.10. Sau đó, như thường lệ, giải Nobel Kinh tế trao ngày 12.10 sẽ khép lại mùa Nobel 2020.

Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 dựa trên tài sản của Alfred Nobel, nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển. Giải thưởng được trao cho những cá nhân đạt thành tựu trong lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Y học, Văn học và Hòa bình; đặc biệt là giải Hòa bình có thể được trao cho tổ chức hay cho cá nhân.

Vào năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào một giải về lĩnh vực Khoa học kinh tế, còn gọi là giải Nobel Kinh tế, theo di chúc của nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel năm 1895. Giải Nobel Hòa bình được trao thưởng ở Oslo, Na Uy, trong khi các giải khác được trao ở Stockholm, Thụy Điển.

Kết quả đoạt giải được công bố hàng năm vào tháng 10 và được trao (bao gồm tiền thưởng, một huy chương vàng và một giấy chứng nhận) vào ngày 10.12, ngày kỷ niệm ngày mất của Nobel. Giải Nobel được thừa nhận rộng rãi như là giải thưởng danh giá nhất một người có thể nhận được trong lĩnh vực được trao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nobel Vật lý 2020 cho nghiên cứu về hố đen vũ trụ