Cả hai người nghệ sĩ đều là bậc danh hài, dành cả đời mang tiếng cười đến cho khán giả. Nhưng ai biết, phía sau họ là nỗi cô đơn, buồn tủi không thể nói thành lời.
Nghệ sĩ Ưu tú Văn Hiệp và Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Bằng có khá nhiều điểm tương đồng trong cuộc đời. Cùng từng chung một cơ quan là Nhà hát Kịch Việt Nam. Cùng từng là những nghệ sĩ sân khấu tài hoa trước khi chuyển sang lĩnh vực truyền hình và trở thành những danh hài đình đám. Và cùng chung những nỗi đau lặng thầm không thể san sẻ cùng ai sau ánh hào quang.
Đạo diễn Khải Hưng, người có nhiều năm gắn bó với cố nghệ sĩ Văn Hiệp, từng chia sẻ: “Văn Hiệp là người chồng người cha rất mẫu mực, nhưng lại gặp phải những người con không mẫu mực và người vợ chưa mẫu mực. Cuộc đời Văn Hiệp khổ lắm.”
Chia sẻ ngắn gọn và khó hiểu ấy, chỉ đến khi “bác Trưởng thôn” đột ngột ra đi ở tuổi 71 vì căn bệnh thế kỉ, công chúng mới nhìn thấy phần nào nỗi cô độc và đau buồn cùng cực mà ông phải gồng mình chịu đựng trong hơn nửa đời người.
Trên phim ảnh, Văn Hiệp "đóng đinh" với những vai nông dân chất phác, hiền lành, thật thà, tốt bụng... nhưng ít bi kịch cuộc đời. Vóc dáng nhỏ bé, gương mặt gày gò với những nếp gấp đuôi mắt rất dài và sâu. Những nếp gấp ấy khiến mỗi khi ông định cười thì đôi mắt đã cười trước rồi. Ấy thế mà, những ầng ậc nước của đôi mắt tinh tường, hóm hỉnh ấy không dễ ai thấy được.
Cái duyên hài của Văn Hiệp được phát hiện bởi đạo diễn Dương Ngọc Đức khi ông được mời vào vai Ốc trong vở Nghêu Sò Ốc Hến, vai diễn được xem là có một trong hai trong các vai Ốc của tích tuồng này. Nhưng thực ra trước đó, các vai của Văn Hiệp đều ít nhiều phải đảm đương trọng trách giải trí cho khán giả. Không hiểu sao, gương mặt có nhiều nét khắc khổ của Văn Hiệp lại có thể dí dỏm đến thế, duyên dáng đến thế, chỉ tung tẩy vài câu thoại ấm ớ là khiến người xem bật cười.
Công chúng cứ nghĩ, một nghệ sĩ hồn hậu chất phác như các vai diễn của mình hẳn cũng sẽ mang tiếng cười vào trong gia đình, cuộc sống của mình. Nhưng hóa ra không phải vậy.
Cố nghệ sĩ Văn Hiệp có một cuộc hôn nhân không thể diễn đạt tình trạng. Đầu thập niên 90, vợ của ông sang Đức theo diện xuất khẩu lao động. Để người vợ đầu ấp tay gối phải ra nước ngoài tìm kế mưu sinh cho gia đình khiến Văn Hiệp vô cùng áy náy. Nhưng buồn hơn, người vợ ấy đã không trở về nữa.
Hơn 20 năm, Văn Hiệp và vợ ông sống trong cảnh cách biệt, không phải li thân mà như li thân, không phải li dị mà như li dị. Một mình ông bươn bải giật gấu vá vai, chắt bóp từng đồng thù lao ít ỏi nuôi hai người con, một trai một gái trưởng thành. Trong hơn 20 năm ấy, dù ngay cả người cha vợ từng khuyên ông bỏ tất cả đi mà tìm hạnh phúc riêng cho mình, nhưng ông không làm. Họ hàng, người thân, giềng xóm, người dị nghị, người dèm pha, người nói dăm câu ba điều khuyên răn, người tỏ vẻ quan tâm để tò mò chuyện riêng, ông cứ lặng lẽ gánh chịu một mình. Nhưng hễ có ai đặt lời đàm tiếu về vợ ông là ông gạt phắt đi.
Hiếm có người đàn ông nào, vợ bỏ đi hơn 20 năm, vẫn một mực tin rằng vợ không phản bội mình như Văn Hiệp. Ông từng bảo: “Có những người đi nước ngoài thay đổi tình cảm, bỏ chồng vợ ở nhà nhưng tôi thì chắc chắn bà xã mình không có ai. Nhiều người sau lưng hay cười tôi vì chuyện đó. Mà nếu bà ấy có ai khác thật, tôi cũng không nghĩ đó là sự phản bội. Đàn bà một mình vất vả, nếu có đàn ông giúp đỡ mà nảy sinh tình cảm cũng không phải chuyện đáng chê trách. Mình có giữ cũng vô ích.”
Thế nên, dù nhiều người mai mối, giới thiệu cho ông, ông luôn từ chối với lí do “Bỏ vợ thì cũng được thôi nhưng bỏ để làm gì?”. Văn Hiệp cứ một mình chờ đợi, lấy niềm vui từ vai diễn đắp đổi qua ngày.
Người con trai ông kể, ông có thói quen ngồi một mình nhìn xa xăm như chờ đợi ai đó, chờ đợi điều gì đó. Nhất là những ngày cuối đời, ông cứ ngồi lầm lũi một góc nhà, ôm gối nhìn ra cửa. Vợ ông khi biết tin ông bị ốm nặng vì ung thư phổi thì đã trở về. Nhưng bà chăm sóc ông được vài ngày rồi đi, để lại cho người nghệ sĩ già cô đơn suốt 1/3 cuộc đời cú hẫng hụt lần thứ hai. Khi Văn Hiệp mất, bà lại trở về lần nữa. Lần này, bà khóc ngất đi và nói lời muộn màng: “Đến giờ tôi vẫn yêu chồng”.
Trong phim ảnh, Văn Hiệp thường đóng vai những ông chồng “nể vợ”, ông bố nhu nhược, yêu chiều con quá đà. Còn người chồng, người cha Văn Hiệp ngoài đời cũng nhiều lần bất lực như thế. Người bạn đời có cũng như không chỉ là một phần gánh nặng tâm tư. Người con trai mà ông đặt nhiều kì vọng cũng khiến cho bờ vai gày gò của ông thêm trĩu trễ.
Sinh ra trong gia đình giàu có nhưng thiếu hơi ấm vì cha mất sớm, mẹ mải lo buôn bán nuôi ba người con nhỏ, Phạm Bằng lúc nào cũng thèm khát tình yêu thương của mẹ mà không thành. Lớn lên, ông lại dám làm trái ý mẹ, quyết tâm theo đuổi nghiệp diễn viên thay vì trở thành một thầy giáo. Người mẹ vốn đã xa cách con lại càng hắt hủi hơn. Bà chưa một lần đặt chân vào rạp hát xem con trai nổi tiếng của mình diễn, thậm chí chưa bao giờ dành một lời khen ngợi, động viên ngoại trừ những câu miệt thị về cái nghiệp “xướng ca vô loài”, cho đến tận cuối cuộc đời.
Dù có người vợ ủng hộ hết lòng, Phạm Bằng vẫn thường trực nỗi cô đơn ám ảnh từ thiếu thời trong ngôi nhà của mình, khao khát chờ đợi một sự chấp nhận từ người mẹ phong kiến, hà khắc. Mẹ ông mất, rồi vợ ông cũng ra đi, nỗi cô đơn ấy càng nhân lên, quây kín ngôi nhà ém mình trong phố cổ.
Phạm Bằng có 4 người con, 3 gái 1 trai. Không ai theo nghề của ông. Ông từng khấp khởi hi vọng cái đam mê nghệ thuật của mình được san sẻ với hai người con gái có nắng khiếu bẩm sinh giống cha. Nhưng rồi, dù học hành tử tế, dù làm nghề có duyên, cả hai đều không có nợ với sân khấu. Một cô theo chồng sang Đức, một cô theo chồng vào Nam. Cả hai đều bỏ nghề diễn, bỏ lại giấc mơ của cha mình chỏng chơ phía sau. Dù mỗi khi nhắc đến các con, Phạm Bằng đều hài lòng nhưng không giấu được ánh mắt thăm thẳm buồn vì bao nhiêu vốn liếng của nghề diễn đã không thể nối truyền cho ruột thịt.
Trong làng nghệ thuật Việt Nam, còn nhiều những người mặt nghệ sĩ gạo cội có cuộc đời phía sau đầy ẩn ức, thấm đẫm cô đơn. Như NSND Trần Tiến, bố của ba nữ nghệ sĩ danh tiếng Lê Vân – Lê Khanh – Lê Vi; như NSƯT Trần Hạnh; hay như nghệ sĩ Hán Văn Tình, người cũng qua đời cách đây ít tháng vì bệnh ung thư. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi người mỗi nỗi niềm riêng. Nhưng điểm chung trong cuộc đời họ là có bao nhiêu niềm vui tiếng cười thì mang tặng cả cho đời, còn bản thân mình sống cuộc sống đầy lo toan cơm áo, ngổn ngang những nỗi buồn cả vật chất lẫn tinh thần. Người còn sống thì cô đơn sau ánh hào quang, Người ra đi thì ra đi trong những cơn đau của bệnh tật tai ương.
Đó phải chăng là sự đánh đổi của đời. Hay vì chính những xót xa ẩn ức riêng tư đè nặng ấy mà họ càng trút xả những tinh túy cho mỗi lớp diễn để công chúng được xem, được cười, được khóc và được biết bao bài học nhân sinh.
Theo Trí Thức Trẻ