Bộ NN-PTNT vừa tổ chức Hội nghị về thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh coronavirus. Trong đó xác định “gót chân Asin” của xuất khẩu nông sản chính là rau quả, lõi là thanh long, có thể tới đây là dưa hấu.

Nông nghiệp thời dịch coronavirus: ‘Gót chân Asin’ là thanh long, dưa hấu

04/02/2020, 11:53

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức Hội nghị về thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh coronavirus. Trong đó xác định “gót chân Asin” của xuất khẩu nông sản chính là rau quả, lõi là thanh long, có thể tới đây là dưa hấu.

Xuất khẩu thanh long, dưa hấu sẽ bị ảnh hưởng lớn - Ảnh: LT

Ngành nông nghiệp chịu tổn thương nhiều nhất

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch viêm phổi do coronavirus tác động đến tất cả các ngành kinh tế, nhưng nông nghiệp sẽ là ngành chịu tổn thương lớn nhất. Bởi Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, chiếm 22-24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam; trong đó, nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn như rau quả. Ngoài ra, tất cả những nội dung thương thảo về thương mại nông sản vừa qua với Trung Quốc về các mặt hàng như sầu riêng, yến, khoai lang… đã gần đến hồi kết sẽ bị tạm dừng lại.

Theo đó, tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo trong phòng chống dịch viêm phổi cấp được triển khai từ cả hai phía.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, giao thông hạn chế sẽ cản trở hoạt động giao dịch, trao đổi, làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên trong lĩnh vực thương mại nông sản. Việc tạm dừng đường bay, khó khăn trong giao thông giữa hai nước sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động giao dịch, làm việc trao đổi của doanh nghiệp hai nước, đặc biệt đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ.

“Nếu dịch không được kiểm soát hiệu quả, lây lan trên diện rộng thì không loại trừ Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Điều này dẫn tới tình hình xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam có nguy cơ chịu tác động ảnh hưởng rất cao”, ông Nam nói.

Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10.2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh.

Đối với xuất khẩu thủy sản, trong quý 1/2020, do Trung Quốc đã thông báo tạm dừng khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn về thời điểm giao hàng. Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9.2.2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện nay, tác động hủy đơn hàng với mặt hàng thủy sản do dịch cúm do coronavirus chưa có, nhưng đã có việc chậm đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng. Các đối tác hứa ngày 16.2 mới bắt đầu nhận hàng. Khó khăn trước mắt là, một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng chở đi Trung Quốc. Các khách hàng lớn Nhật Bản đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc.

Những doanh nghiệp có xuất sang Trung Quốc sản lượng lớn, hiện đang tồn kho, chi phí tồn kho lớn. Tại Trung Quốc, nhiều khách hàng bán trực tiếp các nhà hàng, khi các hệ thống nhà hàng ngừng hoặc giảm thì các cửa hàng thực phẩm lớn giảm hoặc ngưng vì không muốn mất chi phí lưu hàng hóa.

Theo ông Nam, rủi ro có, nhưng cũng có một số cơ hội. Thứ nhất, trước hết là chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh. Những sự kiện như thế này sau 3-5 tháng, sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng rõ rệt, không ăn sống nhiều, hàng tươi sẽ ít đi, nhưng hàng đồ hộp, đông lạnh sẽ có nhu cầu lớn.

Cơ hội thứ hai, một số ngành Trung Quốc đang cạnh tranh với chúng ta như cá ngừ, Trung Quốc là 1 trong 5 nước bán cá ngừ lớn, hiện nay các nước không mua cá ngừ Trung Quốc nên giá giảm sâu. Các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang coi đây là cơ hội đối với các nguồn tiêu thụ khác, gia tăng thị phần, giá cả.

Gót chân Asin là thanh long

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết hiện vẫn có các xe hàng nông sản đổ về các cửa khẩu của Lạng Sơn dù tình hình thông quan chưa khả thi thời điểm này.

“Riêng tháng 12, lượng xe thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh là 12.600 xe, giảm so với cùng kỳ, do nguyên nhân dịch bệnh, kiểm soát xe cộ và truy xuất nguồn gốc. Trước Tết, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn bình thường, đến 28 Tết Canh Tý tại các cửa khẩu của Lạng Sơn đã xuất toàn bộ hàng, không còn xe nào tồn đọng. Tuy nhiên, từ mùng 1 Tết, dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới từ 31.1 đến 8.2, nếu dịch còn tiếp diễn phức tạp sẽ đóng kéo dài nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó, hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn”, ông Trưởng nói.

Qua rà soát của Bộ NN-PTNT, từ nay đến hết rằm tháng Giêng, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8.2-28.2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn... Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ có nhiều khó khăn tới do các đoàn đàm phán hai bên sẽ khó tiếp tục lịch trình để mở cửa chính thức cho nhiều loại nông sản.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Hiện nay “gót chân Asin” của xuất khẩu nông sản chính là rau quả, lõi là thanh long, có thể tới đây là dưa hấu. Để ứng phó được cần sự đồng hành, quyết tâm của khu vực nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Các tỉnh, hiệp hội rà soát các ngành hàng. Như ở Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ thanh long. Với 150 cơ sở trên địa bàn với hơn 100 cơ sở có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ trong các kho lạnh, tăng chế biến và đưa ra các giải pháp để tiêu thụ ổn định chừng 30.000 tấn/tháng”.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Big C… cần vào cuộc tích cực, khi mặt hàng thanh long dễ tổn thương, chưa đi qua biên giới được thì hết sức chú ý thị trường trong nước. Riêng nhóm dưa hấu, Bộ trưởng chỉ đạo bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua các cây trồng khác như: đậu tương, ngô, rau…

Lam Thanh

Bài liên quan
Từ chỉnh sửa gien cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững
Những điều nổi bật mà công nghệ chỉnh sửa gien có thể tạo ra cho cây trồng là cải thiện chất lượng và nâng cao khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông nghiệp thời dịch coronavirus: ‘Gót chân Asin’ là thanh long, dưa hấu