Với nghệ sĩ Kim Cương, “vắng” mẹ cũng chính là vắng đi một người thầy - một người bạn diễn - một tri kỷ của cuộc đời mình. Thế nên, những ngày người ta tôn vinh cha mẹ, bà lại “đứt ruột” nhớ thương và hoài niệm thuở xuân xanh đã “khóc - cười” cùng mẹ là NSND Bảy Nam.

NSND Kim Cương: ‘Mẹ là thầy, là bạn diễn, là tri kỷ’

Một Thế Giới | 03/03/2015, 14:37

Với nghệ sĩ Kim Cương, “vắng” mẹ cũng chính là vắng đi một người thầy - một người bạn diễn - một tri kỷ của cuộc đời mình. Thế nên, những ngày người ta tôn vinh cha mẹ, bà lại “đứt ruột” nhớ thương và hoài niệm thuở xuân xanh đã “khóc - cười” cùng mẹ là NSND Bảy Nam.

Mẹ là người thầy đầu tiên
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bốn đời làm nghệ thuật, nghệ sĩ Kim Cương gọi đó là sự may mắn lớn nhất trong cuộc đời mình. May mắn bởi bên cạnh bà có người mẹ là một nghệ sĩ tài năng, mang một nhân cách lớn khiến nhiều người nể phục và yêu mến.
Người mẹ ấy là cố NSND Bảy Nam (1913 – 2004), tên thật là Lê Thị Nam, quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Lúc sinh thời, bà đi hát từ năm 14 tuổi và có những thành tích lập kỷ lục như: nữ bầu gánh đầu tiên trong lịch sử cải lương, nữ tác giả kịch bản đầu tiên của Sài Gòn với nhiều kịch bản như Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Gươm vàng máu đỏ, Điều Tam Xuân, Phấn hậu cung... 
Bà cũng là nữ nghệ sĩ Sài Gòn đầu tiên được mời đóng cùng các nam tài tử Pháp trong bộ phim Mort en fraude của đạo diễn Marcel Camus. Cùng với NSND Phùng Há, bà được coi là “tổ sống” của nền Cải lương Việt Nam.
NS Kim Cuong: ‘Me la thay, la ban dien, la tri ky’-hinh-anh-1
NSND Kim Cương và mẹ - NSND Bảy Nam.
Nghệ sĩ Kim Cương kể về mẹ với 65 năm làm “kiếp thân tằm nhả tơ”, người mẹ ấy đã trải qua biết bao điều cay đắng, đối diện với biết bao biến cố cuộc đời từ khi sinh con đến lúc chồng mất trên đường đi lưu diễn, đoàn hát nghèo ngày ấy nằm cồng kềnh trên đôi vai gầy guộc, chiến tranh loạn lạc bà phải gồng gánh tất cả ... nhưng những lần nước mắt như chực tuôn ra bà lại nuốt nghẹn vào trong để mạnh mẽ đối diện với cuộc sống vốn dĩ khắc nghiệt này.
“Đứa bé Kim Cương” 5, 6 tháng “nhảy múa” trong bụng mẹ, nhưng người mẹ ấy vì yêu nghệ thuật, yêu sân khấu của mình nên cận kề những ngày “lâm bồn” vẫn chưa thôi diễn. Lấy vải buộc bụng để khán giả không nhìn thấy “cái bầu” đang ngày một lớn, bên ngoài mẹ cắn răng chịu đựng, bên trong con gái không chịu được sự gò bó nên tung hoành, cựa quậy khiến bà đau đớn... Nhưng niềm vui lớn dần lên khi được mọi người khen “cô con gái biết diễn từ trong bụng mẹ”...
NS Kim Cuong: ‘Me la thay, la ban dien, la tri ky’-hinh-anh-2
 NSND Bảy Nam lúc sinh thời.
Mẹ là người thầy bởi từ lúc sinh ra, NS Kim Cương đã được chính đôi bàn tay mẹ “nhào nặn” và dẫn dắt, cộng với cái máu vốn đã được truyền sẳn từ mẹ sang con để làm nên một Kim Cương như ngày hôm nay.
Là thầy cũng bởi bà đã học hỏi ở người mẹ rất nhiều thứ, từ giọng hát, lòng yêu sân khấu, nghệ thuật, cũng như cái tâm, cái tình, cái chịu thương chịu khó của một người phụ nữ trong thời khắc nghiệt. 
Bà nhớ đến tận bây giờ bài học đầu tiên để lên sân khấu mà mẹ dạy cho mình: "Làm nghệ thuật mà dễ dãi là không tôn trọng tổ nghiệp cũng như không tôn trọng khán giả, như thế thì sẽ không sống với nghề lâu dài được.” Bà cũng cho biết, mẹ mình là người rất thương con nhưng lại cực kì nghiêm khắc với câu nói đầy uy lực: “Là con nhà nòi, có giỏi mấy cũng phải học”.
Nghệ sĩ Kim Cương nhớ lại ngày ấy - những buổi diễn nào thành công là y như rằng cả đêm hai mẹ con ngồi cười hoài, ngủ không được. Nhưng cũng có lúc thất bại, mẹ con bà cũng chẳng ngủ được, vì những lúc như vậy, bà phải thức để nghe mẹ la rầy...
Mẹ là bạn diễn
Hơn 40 năm làm “đôi bạn diễn”, hai mẹ con bà đã lấy biết bao nước mắt, biết bao chạnh lòng xót xa của khán giả với những vở để đời như Bông hồng cài áo, Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ… Người ta sẽ không thể nào quên hình ảnh người mẹ già nhân hậu, thủy chung, người phụ nữ đảm đang, tần tảo...
NS Kim Cuong: ‘Me la thay, la ban dien, la tri ky’-hinh-anh-3
 NSND Bảy Nam và NSND Kim Cương trong vở kịch Lá sầu riêng.
Xem kịch Kim Cương, người ta thấy hình ảnh của người mẹ hiền luôn chan chứa tình yêu thương con, và họ cũng thấy chính mình hoặc sẽ thấy mẹ mình trong từng tác phẩm ấy. Với Kim Cương, được đứng trên sân khấu cùng mẹ, được viết lên những tác phẩm nói về mẹ là niềm hạnh phúc, là khát khao lớn nhất trong cuộc đời.
“Kỳ nữ” cho biết, trong quyển sách Mẹ trên sân khấu Kim Cương, có 3 kịch bản về mẹ của bà. Đó là, Lá sầu riêng với hình ảnh của tình mẹ đối với con, Bông hồng cài áo với phận sự của những người con đối với mẹ và Huyền thoại mẹ là tình yêu thương con cái của một cô gái giang hồ khi làm mẹ.
Đến tận bây giờ bà vẫn sống trong cảm giác lân lân khi nhớ về Lá sầu riêng, bà hạnh phúc vì được sống trong lòng khán giả đến hôm nay. Cái điều mà người ta nhớ nhiều về bà là bởi những tác phẩm, những vở kịch của bà đều chạm đến tình mẫu tử thiêng liêng.
Và đó cũng là lí do vì sao bà viết nhiều về mẹ và được đón nhận nồng nhiệt. Với bà, trên thế gian này không có tình nào đẹp và cao cả như tình mẹ. Bà bảo tình nào rồi cũng chóng phai, cũng có sự đổi trao, duy chỉ có tình mẹ là một cái tình mà cho đi không bao giờ nghĩ phải đòi lại...
NS Kim Cuong: ‘Me la thay, la ban dien, la tri ky’-hinh-anh-4
NSND Bảy Nam trên sân khấu (trái). 
Thế nên, những tác phẩm về mẹ được bà viết ra luôn nhận được sự ủng hộ và mang đến cho bà những sự thành công vượt mong đợi. Đó là những tình cảm của khán giả dành cho hai mẹ con bà, là sự đồng cảm và tính nhân văn trong từng câu chuyện khiến người xem có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, về con người và điều đặc biệt nhất là khi xem hai mẹ con bà diễn trên sân khấu, người ta cảm thấy yêu mẹ mình hơn bao giờ hết...
Là tri kỷ...
Đi đâu, làm gì nghệ sĩ Kim Cương cũng tự hào một điều rằng: “Mẹ không chỉ là một người mẹ, một người thầy đã dẫn dắt tôi vào nghề và làm nên tên tuổi NSND Kim Cương như ngày hôm nay, mẹ còn là một người bạn thân thiết, tri âm tri kỷ luôn ở bên tôi cùng hưởng những buồn vui đời nghệ sĩ và hầu như đi suốt quãng đời nghệ thuật của tôi”.
NS Kim Cuong: ‘Me la thay, la ban dien, la tri ky’-hinh-anh-5
NSND Kim Cương. 
Không thể kể hết một cuộc đời đầy “phong ba bão táp” của hai mẹ con bà, cũng chẳng thể diễn tả hết cái tâm và cái tình mà mẹ con bà đã dành cho sân khấu cải lương và kịch nói, bởi những điều quý giá ấy bao nhiêu năm qua khán giả mộ điệu xa gần đã thuộc nằm lòng, thậm chí còn nhớ từng câu, từng chữ, từng cử chỉ hành động của mẹ con bà trước ánh đèn sân khấu thời qua.
Nhưng chỉ có một điều mà không phải ai cũng biết đó là từ ngày “má Bảy” mất đi, “kỳ nữ” như chìm vào tuyệt vọng, sự mất mát, hụt hẫng tận sâu trong tâm hồn khiến bà hơn mười năm qua vẫn không lúc nào nguôi ngoai. Cứ những ngày người ta nhắc về mẹ, lòng bà lại nặng nỗi nhớ thương...
Ai cũng hiểu “sinh ly tử biệt” là điều khó tránh khỏi trong “cõi tạm” này, và chính bà cũng là người nhận thức rõ điều ấy, nhưng sợi dây thiêng liêng vô hình ở hai thế giới khác nhau không một phút nào đứt lìa, chia cắt. Cái khoảng cách để đến gần với mẹ hơn mỗi khi nhớ, mỗi khi vui buồn, mỗi khi cần được san sẻ là đến ngồi bên cạnh bàn thờ mẹ, hoặc lên mộ mẹ để tâm sự, để “khóc cười” với tri kỷ của cuộc đời mình.
NS Kim Cuong: ‘Me la thay, la ban dien, la tri ky’-hinh-anh-6
 NSND Kim Cương bên bàn thờ mẹ...
Với nghệ sĩ Kim Cương, điều quan trọng nhất là học được chữ “buông” đúng lúc và biết giữ cho mình những khoảng lặng cuộc đời để khi đối diện với “buổi chiều chưng hửng chơi vơi” người phụ nữ ấy với bao sự “từng trải” đã mỉm cười khẳng định rằng mình bằng lòng, mãn nguyện với những gì đã và đang có – một gia đình hạnh phúc, có con hiền, dâu thảo, cháu ngoan, một công việc như ý nguyện đó là tạo nên những buổi từ thiện đầy thiết thực và ý nghĩa.
Oanh Thủy - Ảnh: TL
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NSND Kim Cương: ‘Mẹ là thầy, là bạn diễn, là tri kỷ’