Từ đầu năm đến nay, bóng đá Việt Nam (BĐVN) đã trải qua nhiều điều không vui. Tuyển U.23 Việt Nam thua cả 3 trận tại Doha Cup. Dù đây chỉ là giải giao hữu nhưng chúng ta không chỉ thua tuyệt đối mà còn không ghi được bàn nào, kết quả này dự báo con đường phía trước của HLV Philippe Troussier đầy chông gai.

Nước mắt Quốc Việt và tương lai bóng đá Việt

Đặng Hoàng | 07/04/2023, 09:30

Từ đầu năm đến nay, bóng đá Việt Nam (BĐVN) đã trải qua nhiều điều không vui. Tuyển U.23 Việt Nam thua cả 3 trận tại Doha Cup. Dù đây chỉ là giải giao hữu nhưng chúng ta không chỉ thua tuyệt đối mà còn không ghi được bàn nào, kết quả này dự báo con đường phía trước của HLV Philippe Troussier đầy chông gai.

quoc-viet.jpg
Niềm vui của chân sút trẻ Nguyễn Quốc Việt giữa hai đồng đội - Ảnh: HAGL

Điểm sáng giữa bức tranh tối

Nhưng giữa bức tranh khá u ám đó, việc tiền đạo trẻ Nguyễn Quốc Việt tỏa sáng đã thắp lên những hy vọng. Trong trận đấu sớm vòng 5 giữa CLB Viettel và CLB HAGL, HLV Kiatisuk tung Quốc Việt vào sân ở phút 63. Chỉ ít phút sau, Quốc Việt chọn vị trí tốt, cướp bóng từ pha đánh đầu giải nguy của thủ môn Phạm Văn Phong phía chủ nhà Viettel rồi bình tĩnh đi bóng qua hàng phòng ngự, lừa bóng qua cả thủ môn Văn Phong rồi ghi bàn thắng giúp HAGL nâng tỷ số lên 3-1. Bàn thắng này giúp HAGL gia tăng khoảng cách an toàn, đồng thời giúp đồng đội của Việt thêm hưng phấn nhấn chìm Viettel với kết quả chung cuộc 4-1.

Quốc Việt (sinh năm 2003) không kìm được cảm xúc, nước mắt hạnh phúc ngấn trên khóe mắt trước bàn thắng đầu tiên trong màu áo HAGL cũng như là V-League. Đây mới là trận thứ hai mà Quốc Việt được thi đấu, sau trận HAGL hòa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh 0-0 ở vòng 1. Đến thời điểm này, Quốc Việt có tổng cộng 49 phút đá ở V-League và ghi được 1 bàn để tạo đà cho khát vọng khẳng định mình ở đấu trường lớn nhất của BĐVN. Trước đó, Việt đã cho thấy bản năng sát thủ của mình ở các giải đấu U.19, U.21 cũng như trong màu áo các đội tuyển U Việt Nam.

Mùa giải năm nay thực sự khó khăn với HAGL khi họ chia tay với một loạt cầu thủ như Xuân Trường, Vũ Văn Thanh, Hồng Duy, Công Phượng, Văn Toàn. Tuy nhiên, đây là bước đi hợp lý để lớp cầu thủ trẻ mới có sân chơi thể hiện và Quốc Việt là một trong những số đó.

Sẽ có không ít người thắc mắc Quốc Việt là cầu thủ từ đâu đến HAGL? Sinh ra ở Hải Phòng, Quốc Việt bắt đầu thể hiện tài năng khi chơi cho đội bóng đá của Trường THCS Trần Hưng Đạo của Hải Dương. Năm 2016, khi chơi nổi bật tại Cúp U.13 học đường tổ chức tại Đắk Lắk, Quốc Việt lọt vào mắt xanh huấn luyện viên Guillaume Graechen và được tuyển thẳng vào Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal JMG.

Với HAGL và Học viện Nutifood, Quốc Việt liên tục tỏa sáng ở các giải trẻ từ U.17, U.19 đến U.21. Đặc biệt trong năm nay, Quốc Việt đã chơi ấn tượng tại VCK U.20 châu Á, được gọi lên tuyển U.23 và giờ là ghi bàn tại V-League.

Thành công của Quốc Việt đã chứng minh sự hiệu quả của mô hình bóng đá học viện của HAGL nói riêng và các học viện bóng đá nói chung.

Hy vọng vào những học viện

Trước hết, các học viện ở Việt Nam có chức năng chiêu mộ tài năng trên khắp các tỉnh, thành toàn quốc mà không bị gò bó ở địa phương như các trung tâm thể thao của tỉnh. Không chỉ Quốc Việt mà trước đó, HAGL cũng phát hiện, chiêu mộ rồi bồi dưỡng các cầu thủ từ khắp nơi như Xuân Trường từ Tuyên Quang; Văn Thanh, Văn Toàn từ Hải Dương; Minh Vương từ Thái Bình; Hồng Duy từ Bình Phước...

Nếu không có Học viện HAGL, Quốc Việt chưa thể trưởng thành như hôm nay. Nếu ở lại Hải Phòng, Quốc Việt sẽ khó có môi trường vì thành phố không có phong trào phát triển bóng đá trẻ mạnh. Bằng chứng rõ nhất là U.19 Hải Phòng tại vòng loại U.19 quốc gia lúc này đang xếp cuối bảng A sau lượt đi khi không có điểm cũng như không ghi được bàn thắng nào. Nếu Quốc Việt trong một đội hình như vậy, liệu cánh én có làm nên mùa xuân. Hay nếu Quốc Việt thi đấu tiếp cho các trường học ở Hải Dương thì cũng khó phát triển vì Hải Dương chỉ mạnh ở hai môn bóng bàn và bóng chuyền.

Khi đến với học viện như HAGL, Quốc Việt được huấn luyện bởi những chuyên gia chất lượng, có một môi trường chuyên nghiệp để phát triển. Qua từng giải trẻ U.17 rồi U.19 và đặc biệt là các VCK U.21 do Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên phối hợp với VFF tổ chức, Quốc Việt đã ngày càng hoàn thiện, phát triển kỹ năng của một tay săn bàn từ việc di chuyển không bóng, khả năng xử lý bóng và dứt điểm. Điều đó không chỉ đến từ tố chất cá nhân mà còn có sự chỉ bảo của HLV giỏi trong môi trường đào tạo tốt.

Quốc Việt hay bất kỳ cầu thủ trẻ nào cũng giống như hạt mầm tốt. Nhưng để có thể “dậy thì thành công” và trở thành một cây săn bàn hiệu quả thì còn phải xem được gieo trồng ở môi trường như thế nào, thổ nhưỡng như thế nào và có được chăm sóc một cách khoa học hay không.

HAGL là CLB đi đầu trong mô hình học viện và cũng là CLB dám kiên trì đi theo con đường trọng dụng, phát triển cây nhà lá vườn. Cho đến lúc này, có nhiều học viện khác cũng đang hoạt động thành công. Học viện PVF là một điển hình khác.

Dù đại bản doanh ở Hưng Yên nhưng PVF đã phát hiện và chiêu mộ thành công nhiều tài năng khắp nơi như Nguyễn Thanh Nhàn từ Tây Ninh, Lê Văn Đô từ Quảng Nam, Võ Nguyên Hoàng từ Đồng Tháp, Huỳnh Công Đến từ Bình Định… và những cầu thủ này đều được gọi lên tuyển trẻ do thi đấu nổi bật trong các giải U. Năm nay, dù đã chi viện một số cầu thủ cho Công an Hà Nội nhưng lực lượng PVF-Công an nhân dân được bổ sung thêm từ học viện vẫn khởi đầu ấn tượng tại cả Cúp quốc gia và giải Hạng nhất.

Có thể thấy những học viện như HAGL và PVF với việc cho ra lò các sản phẩm chất lượng như Quốc Việt, Thanh Nhàn... sẽ là điểm sáng của tương lai bóng đá Việt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước mắt Quốc Việt và tương lai bóng đá Việt