Vào mùa khô, hiện tượng xâm mặn diễn ra quyết liệt và khiến các nhà máy nước phải căng thẳng trong việc xử lý nước cung cấp cho người dân. Vào mùa mưa, lượng mưa đổ về sông ngòi có thể giúp đẩy mặn nhưng lại có một điều đáng lo khác cho việc cấp nước sạch cho người dân TP.HCM: nước rỉ rác.

Nước rỉ từ bãi rác đe dọa nguồn nước uống của người dân TP.HCM

Một Thế Giới | 03/03/2016, 06:01

Vào mùa khô, hiện tượng xâm mặn diễn ra quyết liệt và khiến các nhà máy nước phải căng thẳng trong việc xử lý nước cung cấp cho người dân. Vào mùa mưa, lượng mưa đổ về sông ngòi có thể giúp đẩy mặn nhưng lại có một điều đáng lo khác cho việc cấp nước sạch cho người dân TP.HCM: nước rỉ rác.

Nước rỉ rác là nước loại nước thải được sinh ra trong các khu chôn lấp rác thải, được hình thành do sự rò rỉ nước mưa thấm vào trong lòng bãi rác hoặc do độ ẩm sẵn có của rác thải được chôn. 
Do được sinh ra từ rác thải, loại nước thải này rất độc hạị, chứa nhiều chất ô nhiễm, các vi trùng, vi khuẩn gây bệnh... Nếu thấm vào đất, sẽ gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước ngầm, nếu chảy vào kênh sẽ hủy hoại môi trường thủy sinh ở khu vực đó. Cho nên một nguyên tắc cơ bản là phải xử lý triệt nước thải rỉ rác, trước khi thải ra môi trường.

Theo lý thuyết trong quá trình xử lý, nước thải rỉ rác từ bãi chôn lấp rác thải được gom tập trung lại ở hồ chứa nước. Hồ chứa nước được bố trí hệ thống sục khí nhằm điều hòa lưu lượng, chất lượng nước thải và góp phần xử lý các chất có khả năng phân hủy sinh học. Từ đó, nước được lọc trước khi trả lại môi trường.

Nhưng trên thực tế, các bãi rác ở TP.HCM phải đối mặt xử lý lượng rác rất lớn và thường xuyên chịu cảnh quá tải. Một khi có lượng mưa lớn thì chuyện các hồ chứa nước xử lý nước rỉ rác bị tràn rồi chảy ra sông ngòi không phải là lạ. 
Tháng 7.2015, vào thời điểm mùa mưa, báo chí đã phản ánh mạnh mẽ chuyện một lượng lớn nước thải màu đen, bốc mùi hôi từ khu vực xung quanh khu xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar tại huyện Củ Chi chảy vào tuyến kênh Thầy Cai, tràn ra đất sản xuất của người dân, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, đặc biệt là từ tuyến kênh Thầy Cai chảy ra sông Sài Gòn.

Khi đó, ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM nói rằng nguyên nhân ô nhiễm được cho là do nước rỉ rác từ khu chứa rác, bùn hữu cơ lộ thiên không được che chắn cẩn thận theo nước mưa chảy tràn ra môi trường bên ngoài. Ông Đam khi ấy cũng cảnh báo nguồn nước kênh Thầy Cai lại đổ ra sông có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước cấp sinh hoạt của sông Sài Gòn.

Trong bản kết luận thanh tra các khu xử lý rác trong Thành phố ký ngày 26.1.2016 vừa được công bố, có những chi tiết đáng lo. Chẳng hạn, quanh khu Tây Bắc có dấu hiệu ô nhiễm và dinh dưỡng mà điển hình là xung quanh bãi rác Gò Cát. Chất lượng nước mặt ở sông Rạch Trà, khu vực chôn lấp Đông Thạnh có dấu hiệu ô nhiễm mà nguyên nhân được xác định là có khả năng do nước rỉ rác tạo ra.

Về chất lượng nước ngầm ở khu chế biến rác, tình hình cũng đáng quan ngại. Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc ô nhiễm Coliform và anomi không đạt chuẩn. Thanh tra nêu nguyên nhân ô nhiễm có thể do tích tụ từ cặn bã, chất thải sinh hoạt, phân bón hoặc do nước rỉ rác. Tại bãi rác Gò Cát, Coliform vượt quy chuẩn 10-43 lần, tại khu vực chôn lấp Đông Thạnh dù được xử lý tốt nhưng Coliform cũng vượt chuẩn 2,3-4 lần.

Tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, chất lượng mạch nước quanh kênh Rạch Chiếc, Rạch Ngã Cậy, điểm tiếp giáp ngã ba Rạch Chiếc – sông Cần Giuộc có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, sắt.... Nguồn gây nên ô nhiễm này do sự lan truyền các chất ô nhiễm từ đầu nguồn đổ về. Thông số N-NO2 (một chỉ số đánh giá ô nhiễm) có sự gia tăng bất thường tại các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Nước ngầm tại khu vực Đa Phước có chỉ tiêu N-NH4+ vượt chuẩn 5,6 đến 13 lần.

Có thể thấy môi trường nước xung quanh các bãi rác đều ô nhiễm và nước rỉ rác được chỉ ra như một thủ phạm nguy hiểm. Đặc biệt ở khu Tây Bắc là thượng nguồn cấp nước cho các nhà máy nước lấy nước thô từ sông Sài Gòn, việc nước rỉ rác tuồn ra là một mối đe dọa cho chất lượng nguồn nước.

Nước rỉ ngấm xuống mạch nước ngầm còn nguy hiểm hơn cho người dân vùng ven quen dùng giếng khoan. Cuối tháng 12.2014, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã lấy 1.400 mẫu nước giếng khoan tại bảy quận, huyện vùng ven (12, Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi) để xét nghiệm. Trong đó có 1.125 mẫu lấy tại các khu phố chưa phủ mạng lưới cấp nước sạch và 275 mẫu tại các điểm có nguy cơ ô nhiễm (gần khu chăn nuôi, nghĩa địa, bãi rác, cầu tõm…). 
Đại diện của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khi ấy cho biết huyện Hóc Môn chiếm tỉ lệ cao nhất về các mẫu nước không đạt chỉ tiêu lý hóa (hơn 99%), kế đến là quận 12 (gần 99%), Củ Chi và Thủ Đức (hơn 98%), Bình Tân (trên 93%), Bình Chánh (hơn 89%)... và kết luận: “Kết quả cho thấy các yếu tố gây ô nhiễm môi trường từ bề mặt đã khuếch tán và thẩm thấu xuống tầng nước ngầm đã làm nguồn nước bị ô nhiễm”.

Thảo Hương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước rỉ từ bãi rác đe dọa nguồn nước uống của người dân TP.HCM