Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng Đông Nam Á bất bình sau khi chặn dòng chảy sông Mekong tại thượng nguồn, dẫn đến sụt giảm đột ngột lượng nước ở hạ lưu.

Nước sông Mekong giảm xuống mức kỷ lục, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm?

Hoàng Vũ | 24/02/2021, 13:11

Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng Đông Nam Á bất bình sau khi chặn dòng chảy sông Mekong tại thượng nguồn, dẫn đến sụt giảm đột ngột lượng nước ở hạ lưu.

“Mực nước giảm đột ngột kể từ đầu tháng 1. Tất cả chúng ta đều biết điều này xảy ra vì Trung Quốc đã hạn chế dòng chảy từ đập Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) ở thượng nguồn”, Niwat Roikaew, chủ tịch một chiến dịch môi trường phi lợi nhuận ở Chiang Rai, một tỉnh phía bắc Thái Lan, nơi có dòng sông Mekong chảy qua, cho hay.

Ước tính có khoảng 60 triệu người sống dọc theo hạ lưu sông Mekong phụ thuộc vào dòng chảy của sông để kiếm sống. Các cộng đồng ở Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam dường như đã mất cảnh giác trước động thái của Bắc Kinh, khiến hoàn cảnh của họ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt vào giữa mùa khô hằng năm.

https___s3-ap-northeast-1.amazonaws.com_psh-ex-ftnikkei-3937bb4_images_8_6_1_5_32585168-3-eng-gb_cropped-161400734720210222-jinghong-dam.jpg
Đập Cảnh Hồng ở Vân Nam, Trung Quốc - Ảnh: AP

Vào đầu tháng 1.2021, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đã thông báo cho 5 quốc gia hạ lưu sông Mekong rằng dòng chảy từ đập Cảnh Hồng sẽ bị hạn chế ở mức 1.000 m3/s từ ngày 5 đến 24.1 do việc bảo trì các đường dây tải điện. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ mực nước sông trước khi hạn chế dòng chảy cũng như khối lượng sẽ được khôi phục vào ngày 25.1.

Sau đợt giảm này, lưu lượng nước tại Cảnh Hồng được duy trì ở mức 785 m3/s trong tuần đầu tiên của năm 2021, sau đó dần tăng lên 1.400 m3/s vào ngày 15.1, giúp mực nước đã dâng lên 1,07 m. Nhưng trong một tuần sau đó, lưu lượng nước lại giảm xuống 740 m3/s, trước khi tăng lên 990 m3/s vào ngày 29.1. Sau đó, con số giảm dần và đạt 800 m3/s hôm 11.2.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng này, Ủy hội sông Mekong (MRC) đã đánh giá “đáng lo ngại” về tình trạng mực nước con sông này xuống quá thấp do ảnh hưởng lượng mưa và đập Cảnh Hồng bên Trung Quốc.

"Mực nước sông Mekong đã giảm đáng kể từ đầu năm do lượng mưa thấp hơn, dòng chảy thay đổi ở thượng nguồn, hoạt động thủy điện trên các nhánh sông Mekong và hạn chế dòng chảy từ đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc", báo cáo nêu rõ.

Tiến sĩ Winai Wangpimool thuộc Ban thư ký MRC) cho biết đã có những thay đổi đột ngột về mực nước ở hạ lưu đập Cảnh Hồng, mức độ xa hơn, kéo dài đến tận thủ đô Viêng Chăn của Lào. Diễn biến này đặt ra thách thức cho chính quyền cũng như cộng đồng cư dân về việc chuẩn bị và ứng phó với các tác động và nguy cơ có thể xảy ra.

"Nhằm giúp các nước hạ nguồn sông Mekong quản lý rủi ro hiệu quả hơn, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và chính các nước hạ nguồn chia sẻ kế hoạch xả nước của họ", ông Winai Wangpimool nhấn mạnh, nêu bật “thiếu sót về ngoại giao” tiếp tục gây khó khăn cho các nước hạ lưu.

Carl Middleton, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết: “Cần có sự hợp tác sâu rộng hơn về quản trị nước giữa các quốc gia để hướng tới mục tiêu vận hành có trách nhiệm các dự án thủy điện, tránh gây các tác động xã hội và môi trường, đồng thời thừa nhận và đền bù cho những tác hại đã gây ra”.

Thông qua các con đập ở thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc được cho là đang kiểm soát dòng chảy, tích trữ nhiều nước và hạn chế xả ra, gây ra những thay đổi thất thường đối với mực nước ở hạ nguồn, trong đó có tình trạng hạn hán, dẫn đến nguồn cung thủy sản và nguồn sống của hàng chục triệu người bị đe dọa nghiêm trọng.

Pianyh Deetes, một nhà hoạt động môi trường ở Thái Lan làm việc cho tổ chức Sông ngòi thế giới khẳng định rằng các con đập chỉ làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu. “Sông Mekong không phải là vòi nước và cũng không phải là nơi xả nước. Không giống như vòi nước mà Trung Quốc thích thì mở, thích thì đóng mà đây là toàn bộ hệ sinh thái mỏng manh, một hệ thống vô giá mà chúng ta cần bảo vệ", Pianyh nói.

“Là một quốc gia ở thượng nguồn, Trung Quốc coi dòng sông như một con kênh và thường tự cho mình cái quyền quyết định việc sử dụng dòng sông… Do đó, cần có sự quản lý liên kết giữa các quốc gia khu vực sông Mekong để công nhận giá trị sinh thái và làm rõ mục đích sử dụng của nó", Pianporn Deetes, chuyên gia Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers) cho biết.

Một đợt hạn hán nghiêm trọng vào năm 2019 đã gây thiệt hại to lớn cho các quốc ta tại hạ lưu sông Mekong gồm Lào, Campuchia và Việt Nam. Năm ngoái, một báo cáo của nhiều tổ chức phi chính phủ dựa trên dữ liệu nghiên cứu từ vệ tinh của Công ty Eyes on Earth Inc. (EoE, Mỹ) đã chỉ ra rằng 11 đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng ở thượng lưu sông Mekong, với 5 con đập trong số này hoạt động từ năm 2017, đã phá vỡ dòng chảy của sông, giữ nước ở thượng nguồn trong mùa mưa, gây hạn cho khu vực hạ lưu, đe dọa an ninh lương thực cũng như cuộc sống của người dân ở các quốc gia trong lưu vực.

Theo EoE, mực nước tại thượng nguồn sông Mekong ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên mức trung bình vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, mực nước ở hạ lưu sông Mekong vào cùng thời điểm này có lúc thấp hơn 3m so với mức cần thiết, cùng lúc phải chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng chưa từng thấy. Ngoài ra, kể từ khi Trung Quốc hoàn thành đập Nọa Trác Độ năm 2012, cả 11 đập cùng lúc giữ lại nhiều nước hơn so với giai đoạn 20 năm trước, lượng xả ra ngày càng ít.

Trích dẫn những phát hiện trên, ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ) cho hay các đập Trung Quốc đã "khóa chặt van nước" trên sông Mekong. Ông cũng cáo buộc “11 con đập của Trung Quốc vận hành nhằm tối đa hóa sản lượng điện cung cấp cho những tỉnh phía đông nước họ mà chẳng quan tâm đến tác động gây ra cho hạ lưu”.

Về phần mình, phía Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc các đập ở nước này khiến mực nước sông Mekong thất thường, trong đó có dữ liệu nghiên cứu của EoE khi cho rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước lớn ở thượng nguồn. Cuối tháng 8 năm ngoái, phát biểu trên một diễn đàn do Trung Quốc tổ chức (Hợp tác Mekong - Lan Thương), trong đó có sự tham gia 5 nước Đông Nam Á ở hạ lưu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh sẽ bắt đầu chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm của sông Mekong.

Các chuyên gia nhận định rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm thiểu thiệt hại đã được đo lường bằng việc liệu Bắc Kinh có sẵn sàng chia sẻ dữ liệu dòng chảy với các nước hạ lưu sông Mekong hay không. Cho đến nay, Trung Quốc chỉ chia sẻ thông tin về lưu lượng nước trong mùa mưa hàng năm từ tháng 6 đến tháng 10.

Nhưng các nhà hoạt động môi trường và cộng đồng tại địa phương nơi sông Mekong chảy qua như Niwat, ở Thái Lan, vẫn không mấy hài lòng với hướng giải quyết của Trung Quốc.

“Các nước trong khu vực cần phải thảo luận và đi đến một thỏa thuận về lượng nước được xả ra từ các con đập của Trung Quốc. Phía Trung Quốc không thể đưa ra quyết định này một mình”, Niwat Roikaew nói.

Bài liên quan
Hậu Giang tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Hậu Giang, Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024 sẽ diễn ra từ ngày 22 - 24.5 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước sông Mekong giảm xuống mức kỷ lục, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm?