Trong bối cảnh điện ảnh Việt hiện đang tràn ngập phim hài/tình cảm thì "Ống kính sát nhân" của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng được xem là một món lạ khi khai thác chủ đề hiếm ai dám đụng tới: trinh thám/hình sự. Bộ phim sở hữu dàn diễn viên kỳ cựu và quen thuộc với khán giả như Hứa Vĩ Văn, Khương Ngọc, Diễm My, Công Ninh, Chánh Tín…

Ống kính sát nhân: Phim trinh thám đầu tiên của điện ảnh Việt

Chí Thiện | 23/06/2018, 07:04

Trong bối cảnh điện ảnh Việt hiện đang tràn ngập phim hài/tình cảm thì "Ống kính sát nhân" của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng được xem là một món lạ khi khai thác chủ đề hiếm ai dám đụng tới: trinh thám/hình sự. Bộ phim sở hữu dàn diễn viên kỳ cựu và quen thuộc với khán giả như Hứa Vĩ Văn, Khương Ngọc, Diễm My, Công Ninh, Chánh Tín…

Lấy bối cảnh thành phố Đà Lạt năm 1968, Ống kính sát nhân chủ yếu xoay quanh nhân vật K (Hứa Vĩ Văn đóng). Có cha từng là cảnh sát, bản thân anh cũng là một thanh tra tài giỏi với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại một đồn cảnh sát địa phương. Đáng tiếc, trong lúc điều tra một vụ bắt cóc hiếp dâm, K đã bất cẩn lỡ tay giết chết một đồng nghiệp nữ dẫn đến bị cấp trên khiển trách. Nguyên nhân là do anh mắc chứng bệnh rối loạn giấc ngủ.

Trước khi K bị đình chức không lâu, một vụ án mạng đã xảy ra. Nạn nhân là vợ chồng nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Liên Hoa. Cậu con trai nhỏ của họ may mắn sống sót là nhân chứng mục kích duy nhất bên cạnh lời khai của người quản gia và hàng xóm. Tuy K đã cố gắng khuyên can nhưng sở cảnh sát do bị áp lực từ cấp trên đã vội kết luận Tốn (Kinh Quốc đóng), một thợ nhiếp ảnh vô tình xuất hiện ở đám tang nạn nhân, là thủ phạm mặc dù bằng chứng không hề thuyết phục.

Chính vì thế, K đã quyết định tự mình phá án và trả lại sự trong sạch cho kẻ bị hàm oan. Trong quá trình điều tra, anh làm quen với vợ sắp cưới của Tốn là Cẩm Phô (Diễm My đóng). Có cùng mục đích, cả hai đã trở thành một cặp bài trùng bất đắc dĩ và đi khắp Đà Lạt để tìm kiếm hung thủ thật sự. Thế nhưng họ đã không ngờ rằng nỗ lực tìm kiếm của mình đang dần vén ra bức màn che giấu một bí mật còn khủng khiếp và ghê gớm hơn rất nhiều.

Ống kính sát nhân có tông màu tối, phù hợp với thể loại trinh thám và đem đến cảm giác hồi hộp thường trực cho khán giả. Có thể nói, vùng đất Đà Lạt thơ mộng chưa bao giờ âm u, cổ kính và rùng rợn đến như thế. Ngoài ra, góc quay đẹp cũng là một ưu điểm khác của phim. Chỉ có phần âm thanh là bị xử lý hơi quá tay. Có nhiều phân đoạn mà nhạc nền lớn hơn cả lời thoại của diễn viên gây ra cảm giác cực kỳ khó chịu.

Tạo hình của nhân vật thanh tra K bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các thám tử trong văn học phương Tây, đặc biệt là Sherlock Holmes. Thậm chí, cũng có nhiều nét tương đồng giữa K và thám tử Hercule Poitrot của nhà văn Agatha Christie vừa ra mắt khán giả Việt cách đây không lâu với Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông (2017).

Hứa Vĩ Văn đã hoàn thành khá tốt trọng trách được giao. Ngoại hình sáng cộng thêm nét diễn tự nhiên đã giúp anh vào vai khá ngọt. Mặc dù vậy, thám tử K là một người sâu sắc, có kinh nghiệm phá án lâu năm và sở hữu một tuổi thơ không mấy êm đềm. Hứa Vĩ Văn đã không hoàn toàn lột tả được hết sự già dặn, từng trải và phong độ cần có của nhân vật. Cách hành xử của anh khi xử lí vụ án đôi lúc như người mới vào nghề.

Ống kính sát nhân không chỉ mang yếu tố trinh thám mà còn có hành động, tâm lý và tình cảm. Mỗi một nhân vật đều mang đến những câu chuyện riêng biệt và đa màu sắc góp phần làm cho vụ án càng vô sâu càng trở nên thú vị. Khán giả bên dưới bất chợt trở thành những nhà thám tử nghiệp dưvà ngồi đoán trong đầu ai mới là hung thủ. Đây là một thành công của phim cần phải được thừa nhận.

Ngặt nỗi, công tác xử lý kịch bản vẫn còn non nớt khiến nhịp phim bị dàn trải, lúc thì nhanh lúc thì chậm. Chưa hết, việc đẩy Khương Ngọc lên poster đã gián tiếp chỉ ra tầm quan trọng của nhân vật do anh đảm nhận trong phim và làm giảm bớt sự kịch tích. May mắn là Khương Ngọc đã diễn một cách xuất thần và thỏa lấp đi khuyết điểm này.

Nhìn chung, Ống kính sát nhân là một sự lựa chọn không tồi cho những ai yêu mến thể loại phim trinh thám hoặc đòi hỏi một phim Việt chất lượng và chỉn chu cho một buổi tối cuối tuần. Đây là một thành quả đáng ngạc nhiên đối với tác phẩm đầu tay của một đạo diễn sinh năm 1991.

Với kinh phí 18 tỉ đồng, khả năng sinh lời là rất khó. Thế nhưng vẫn hyvọng Ống kính sát nhân sẽ là bàn đạp cho thể loại phim trinh thám phát triển tại Việt Nam trong tương lai.

Ống kính sát nhân được trình chiếu rộng rãi trên toàn quốc kể từ 22.6.

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ống kính sát nhân: Phim trinh thám đầu tiên của điện ảnh Việt