Sáng 4.1, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị đối với ông Lê Nguyễn Minh Quang.
Tại buổi trao quyết định, ông Lê Nguyễn Minh Quang đã cảm ơn lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở ngành đã giúp đỡ ông hoàn thành nhiệm vụ tại Ban quản lý Đường sắt đô thị thời gian qua. Đồng thời, ông Quang nói rằng mặc dù không còn giữ chức vụ trưởng ban nhưng với những kiến thức chuyên môn cá nhân, ông sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
Cũng trong sáng 4.1, ông Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định điều động và bổ nhiệm ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM giữ chức vụ Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị thay cho ông Quang. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm.
Trước đó, ông Lê Nguyễn Minh Quang đã 2 lần gửi đơn xin thôi việc vì lý do cá nhân. Ông Lê Nguyễn Minh Quang từng là Tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam. Tháng 6.2016, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định bổ nhiệm ông giữ chức Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm, dù ông là người ngoài Đảng. Vị trí này tương đương giám đốc sở và cơ quan này trực thuộc UBND TP.HCM.
Ông Quang sinh năm 1966, trình độ tiến sĩ ngành xây dựng, cao học ngành quản lý hành chính công, cao học quản trị doanh nghiệp. Trong đợt này, ông Quang cũng trúng cử đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021.
Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM được thành lập ngày 13.9.2007, trực thuộc UBND TP.HCM. Cơ quan này có chức năng, nhiệm vụ là quản lý và chủ đầu tư 8 dự án đường sắt đô thị (metro) của TP.HCM với tổng số vốn lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, thời gian trở lại đây, việc hàng loạt cán bộ chủ chốt xin nghỉ việc và những sai phạm xảy ra khiến dư luận bất an.
Liên quan đến Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, mới đây Thanh tra TP.HCM đã thanh tra việc thực hiện dự án tuyến metro số 1, đoạn hầm ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố và phát hiện sai sót.
Cụ thể, chủ đầu tư đã điều chỉnh thiết kế kỹ thuật mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tường vây đường hầm dày 2m cũng bị điều chỉnh còn 1,5m.
Chưa kể, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới công bố cũng cho thấy ông Hoàng Như Cương phê duyệt điều chỉnh dự án tại quyết định số 178 hồi giữa năm 2014 là trái thẩm quyền. Bởi lẽ, ông Cương không có thẩm quyền điều chỉnh mức vốn đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia.
Việc UBND TP.HCM ký quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành năm 2017 sang hoàn thành năm 2019 cũng không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Theo thẩm quyền, với những dự án quốc gia phải báo cáo Quốc hội xem xét quyết định khi kéo dài thời gian thực hiện từ một năm trở lên.
Không những vậy, UBND TP.HCM chỉ đạo đơn vị thẩm định sử dụng kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn không phù hợp với quy định. Theo quy định thì đơn vị thẩm tra phải do người quyết định đầu tư thuê.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thực hiện thẩm định tại dự án để phê duyệt là không đúng thẩm quyền, do dự án đã phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí công trình quan trọng quốc gia. Theo quy định tại Nghị quyết 49/2010/QH12, việc thẩm định phải được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Phan Diệu