Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long, ô tô hiện nay đã là một phương tiện giao thông bình thường như các phương tiện khác, chứ không còn là mặt hàng xa xỉ. Vì thế cần phải giảm thuế, nhất là đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để hạ giá bán xe.

Ông Ngô Trí Long: Đừng nghĩ ôtô là xa xỉ mà đánh thuế cao!

Một Thế Giới | 10/10/2015, 14:00

Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long, ô tô hiện nay đã là một phương tiện giao thông bình thường như các phương tiện khác, chứ không còn là mặt hàng xa xỉ. Vì thế cần phải giảm thuế, nhất là đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để hạ giá bán xe.

Công nghiệp ô tô của Việt Nam đã thất bại!
Đánh giá về ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đây được coi là ngành trọng điểm và là ngành luôn luôn được ưu đãi nhất trong số các ngành công nghiệp ở Việt Nam.
"Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang có quy mô sản xuất còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực. Còn đánh giá về quy hoạch của ngành ô tô cho đến nay, có thể nói là chưa thành công", PGS. TS Ngô Trí Long nhận định.
Theo ông Long, thất bại của ngành ô tô khó có thể đổ lỗi hoàn toàn cho một bên nào đó trong số các bên liên quan như: nhà sản xuất, nhà nhập khẩu - phân phối, Chính phủ hay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chính sách không phù hợp là một trong những yếu tố chính kìm hãm sức phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
"Trước tiên, phải kể đến chính sách bảo hộ. Sau đó là sự thiếu đồng bộ về chủ trương và chính sách.
Một mặt, Việt Nam coi công nghiệp ô tô là ngành rất quan trọng, cần ưu  tiên phát triển để góp phần công nghiệp hóa đất nước. Mặt khác, do lo ngại dẫn đến sự quá tải của hệ thống giao thông đường bộ nên Chính phủ lại muốn hạn chế sự phát triển thị trường ô tô trong nước", ông Long cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế nhập khẩu với mức thuế suất cao lên sản phẩm ô tô chính là nhằm thực hiện mục tiêu hạn chế sự phát triển của thị trường ô tô trong nước.
Hậu quả là cho tới nay, Việt Nam vẫn không có một ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa. Các doanh nghiệp, cả trong nước lẫn liên doanh mới chỉ dừng ở mức lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa rất thấp.
Đồng thời, ông Long chỉ ra một thực trạng là thuế ô tô ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn nhiều nước. Mức thuế, phí chiếm đến 50-60% giá trị xe, và mức % thuế hiện nay được đánh tùy theo từng dung tích động cơ: 1.8l, 2.0l, 3.0l, 4.0l. 
"Mức tính thuế hiện nay là rất phức tạp, hiện vẫn đang trong giai đoạn thay đổi", ông Long nói. 
Theo đó, những loại thuế áp dụng trên một chiếc ô tô có 4 loại: 
Thứ nhất, thuế nhập khẩu linh kiện với xe lắp ráp trong nước do doanh nghiệp đóng và được tính vào xe, chiếm 10-30%; hoặc thuế nhập khẩu nguyên chiếc do đơn vị nhập khẩu đóng và tính vào giá xe chiếm 50-70% tùy loại. 
Thứ hai là thuế TTĐB chiếm 40-60%, tùy theo dung tích xe. Thứ ba là thuế giá trị gia tăng (VAT) chiếm 10%. Cuối cùng là thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm 22%.
Ngoài ra, còn có 10 loại phí phải đóng khi xe lăn bánh trên đường như: phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật, phí sử dụng đường bộ, phí bảo hiểm, thuế phí xăng dầu, phí thử nghiệm....
"Nếu theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với ô tô và linh kiện ô tô theo các cam kết và hiệp định thương mại quốc tế, chẳng hạn như cam kết WTO thì tất cả các loại xe ô tô phải cắt giảm mức thuế nhập khẩu từ 100% xuống 70% sau 7 năm kể từ khi gia nhập (năm 2014).
Riêng đối với loại xe chở người có dung tích xilanh 2.5 trở lên sẽ phải giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 90% xuống 52% sau 12 năm kể từ khi gia nhập (năm 2019).
Còn theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, các loại xe ô tô chở người 10 chỗ trở lên và xe tải đều đã được cắt giảm thuế nhập khẩu xuống mức 5% từ năm 2006. Riêng xe chở người 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải cắt giảm xuống 0% vào năm 2018.
Với Hiệp định TPP, dự kiến đến năm 2026 thuế nhập khẩu ô tô chở người từ những nước tham gia TPP sẽ cắt giảm về mức 0%", PGS. TS Ngô Trí Long cho biết.
Trước thực trạng ngành ô tô và lộ trình giảm thuế, ông Long, hiện nay nhiều nhà đầu tư vào ngành công nghiệp này đã không còn chú trọng vào phát triển sản xuất mà chuyển sang giới thiệu và cung cấp các dòng xe nhập khẩu cho thị trường với nhiều lợi thế cạnh tranh về giá cả và mẫu mã sản phẩm.
Dung nghi oto la xa xi ma danh thue cao!
 Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long
Đừng nghĩ ô tô là xa xỉ mà đánh thuế cao!
Để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước, ông Long cho biết, Bộ Tài chính đã từng cho biết sẽ thận trọng hơn trong việc xây dựng chính sách thuế, với mục tiêu dùng thuế để tạo sức ép giảm giá xe trong nước, bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng.
Chính vì vậy, vào tháng 7.2014, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng phê duyệt. 
Trong đó, có nêu định hướng với xe đến 9 chỗ là tập trung định hướng tiêu dùng vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với mức thu nhập dân cư và khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông.
Đối với các loại thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế TTĐB, Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan xây dựng phương án điều chỉnh sửa đổi, như giảm mức thuế suất thuế TTĐB đối với các dòng xe ưu tiên phát triển; áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3.0l, kích thước lớn, chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát và đề xuất các chính sách tài chính phù hợp, trong đó có chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng ô tô để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế và khu vực.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã quy định đảm bảo nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối  với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư.
"Với những vấn đề nêu trên, cá nhân tôi thấy vẫn còn nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Đặc biệt những vấn đề ưu đãi chi tiết đối với từng dự án cụ thể đã được xác định, không có sự ưu đãi đồng đều như trước đây. Việc lựa chọn sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu xe nguyên chiếc hoàn toàn phụ thuộc vào từng doanh nghiệp", ông Long nhận định.
Cũng theo ông Long, tỷ lệ sử dụng xe hơi trên đầu người ở Việt Nam hiện nay còn ở mức dưới trung bình so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn như ở Indonesia, Malaysia hay Thái Lan là khoảng 80 - 140 xe/1.000 dân thì ở Việt Nam chỉ đạt 18 chiếc/1.000 dân, tương đương với Thái Lan cách đây 15 năm.
"Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng ô tô hiện nay đã là một phương tiện giao thông bình thường như các phương tiện khác, chứ không còn là mặt hàng xa xỉ. Vì thế cần phải giảm thuế, nhất là đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để hạ giá bán xe. 
Việc giảm thuế, giảm giá bán xe để kích cầu thị trường sẽ có tác động tích cực tới nhiều đối tượng, mà trước tiên chính là ngành công nghiệp ô tô.
Thị trường mở rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất linh kiện, phụ tùng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Người tiêu dùng được lợi vì được mua xe với giá phù hợp, có sự lựa chọn phong phú hơn", chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Ngô Trí Long: Đừng nghĩ ôtô là xa xỉ mà đánh thuế cao!