Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Bích Lâm cho biết Bộ đã trình đề án thống kê kinh tế ngầm và đang chờ Thủ tướng duyệt.
Kinh tế ngầm, kinh tế phipháp chưa được thu thập
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng đề án này và chờ Thủ tướng Chính phủ duyệt. Khoảng cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2.2018 chúng tôi sẽ tổ chức họp báo để thông tin rộng rãi về việc này”.
Ông Lâm cho rằng đối với 2 thành tố hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp rất khó cho cơ quan thống kê thu thập thông tin để tính toán. Tuy nhiên, trong quý I/2018, sau khi Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Thống kê hứa với Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng với các bộ, ngành và địa phương tìm giải pháp có tính khả thi để triển khai thực hiện, sẽ từng bước tính toán đầy đủ hơn quy mô chỉ tiêu GDP trong những năm tới.
Theo ông Lâm, Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm thu thập đầy đủ thông tin của các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra và ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế nhưng chưa được đo lường và tính toán đầy đủ trong GDP.
Theo đó, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế phi pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.
Được biết, trong 5 thành tố nêu trên, Tổng cục Thống kê đã thu thập và tính toán hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.
Trao đổivới phóng viên báo điện tử Một Thế Giới trước đó,chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết quy mô của kinh tế ngầm rất lớn và các hoạt động kinh tế ngầm, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính hiện đang phát triển rất mạnh, nhưng hiện nay vẫn chưa được một nghiên cứu, thống kê cụ thể. Lý do là những hoạt động kinh tế này không công khai, minh bạch, rõ ràng để thống kê.
“Việc thống kê và đưa ra ánh sáng khu vực này là cực khó khăn”, ông Hiếu nói.
Theo chuyên gia này, tài sản có được từ tham nhũng, phạm pháp nếu muốn sử dụng một cách công khai, hợp pháp thì phải chạy qua thế giới ngầm để chuyển hóa thành những đồng tiền hợp pháp. Do đó, quản lý được kinh tế ngầm có vai trò rất lớn trong công cuộc bài trừ tham nhũng, chống rửa tiền...
Liên quan đến điều chỉnh quy mô GDP
Tổng cục Thống kê cũng cho biết sẽ điều chỉnh quy mô GDP trên cơ sở kết quả của Tổng điều tra Nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2017.
Cơ quan này khẳng định, phương pháp biên soạn chỉ tiêu GDP của Việt Nam thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và của Thống kê Liên Hợp Quốc, theo đúng phương pháp khoa học, được quốc tế công nhận.
Tại hội nghị ngành tài chính sáng 8.1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến vấn đề mở rộng quy mô GDP, ông nói: “Phương pháp tính GDP còn quá lòng thòng, bao gồmnhiêu ô tô, nhà lầu, xe hơi, rượu vang, thịt bò tiêu thụ rất lớn, mà không được đưa vào GDP, chủ yếu tính GDP từ đầu tư nhà nước”.
“Kinh tế không chính thức này mà tính được thì tổng GDP của Việt Nam sẽ tăng nhiều, với bội số lớn như vậy thì nợ công sẽ có dư địa hơn để đầu tư cho nhu cầu phát triển. Chúng ta còn nhiều vùng khó khăn”, người đứng đầu Chính phủ cho hay.
Đánh giá về yêu cầu tính toán lại với quy mô GDP của nền kinh tế tại tọa đàm “Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV và cả năm 2017” vừa diễn ra, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng điều này có thể tạo dư địa để mở rộng tỷ lệ vay nợ, tuy nhiên việc tính toán cần phải thảo luận kỹ lưỡng.
"Nguyên tắc tính toán của GDP là dựa trên những hoạt động có thể quan sát và thu thuế được, từ đó làm căn cứ cho việc trả nợ, vốn được tính toán dựa theo GDP. Tuy nhiên nếu tính thêm cả các khu vực kinh tế phi chính thức vào quy mô GDP, mở rộng dư địa vay nợ nhưng chưa xem xét kỹ về quy mô nguồn thu sẽ tạo ảnh hưởng đến khả năng chi trả", TS Thành nhận xét.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nếu thống kê cả khu vực kinh tế ngầm vào GDP có thể khiến nợ công được mở rộng thêm, gây tác động ngược đến nền kinh tế.Trong khi đó, việc tính toán, thống kê khu vực kinh tế ngầm dù cần thiết nhưng không dễ dàng. Ngay cả đối với những quốc gia quản trị tốt, tính minh bạch cao cũng rất khó kiểm soát và thu thuế tại khu vực kinh tế này.
“Do vậy, hiện nay Chính phủ cần kiểm soát tốt hệ thống kinh tế chính thức mà cụ thể là khối tài sản khổng lồ ở doanh nghiệp nhà nước là đã tăng được hiệu quả kinh tế rất nhiều”, bà Lan nói.
Hoạt động kinh tế ngầm bao gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm một cách chủ ý nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, với người lao động và với xã hội và tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính như thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê.
Hoạt động kinh tế phi pháp bao gồm: Các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm (sản xuất và buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm,…); các hoạt động kinh tế hợp pháp không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép thực hiện.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không nên mặc định cứ kinh tế ngầm là xấu, bởi vì trong các hoạt động kinh tế chưa thống kê được không phải tất cả đều là phi pháp.