Tổng thống Vladimir Putin hôm 16.5 cho biết không có mối đe dọa nào đối với Nga nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) Tổng thống Nga Putin khẳng định việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO không “đe dọa trực tiếp đến Nga”, nhưng nhấn mạnh Moscow sẽ đáp trả nếu liên minh do Mỹ dẫn đầu tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự cho các thành viên mới ở Bắc Âu.
"Nga không có vấn đề gì với những quốc gia này. Và vì vậy, theo nghĩa này, không có mối đe dọa ngay lập tức đối với Nga từ sự mở rộng (của NATO) khi thu nạp các quốc gia này (Thụy Điển và Phần Lan)", ông Putin phát biểu hôm 16.5.
Nói với các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), bao gồm Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định "bất kỳ hoạt động mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO trên lãnh thổ Thụy Điển và Phần Lan chắc chắn sẽ kích hoạt phản ứng từ Nga và phản ứng ở mức độ nào sẽ phụ thuộc vào mối đe dọa họ tạo ra với Moscow".
Phản ứng có phần "nhẹ nhàng" trên của người đứng đầu Điện Kremlin đối với một trong những lo lắng địa chính trị nhạy cảm nhất của Nga - sự mở rộng NATO thời hậu Xô Viết cho thấy Nga có thể sống chung với viễn cảnh Phần Lan, Thụy Điển trở thành thành viên chính thức của NATO với điều kiện liên minh quân sự này không điều vũ khí, binh sĩ tới hai nước trên.
Bình luận này cũng trái ngược với một số ngôn từ cứng rắn hơn từ Bộ Ngoại giao Nga và các đồng minh cấp cao của ông Putin trong nội các.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng phương Tây không nên ảo tưởng rằng Moscow sẽ chỉ đơn giản là chịu đựng sự mở rộng của NATO ở Bắc Âu. “Họ chớ nên ảo tưởng rằng chúng tôi sẽ đơn thuần chấp nhận", ông Ryabkov nói.
Một trong những đồng minh thân cận nhất của Putin, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, tháng trước cho biết Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ở vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.