Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố: Các nước thuộc Liên minh châu Âu trả cho Nga hàng triệu euro mỗi ngày tiền dầu và khí đốt. Các khoản tiền này sau đó được sử dụng cho cuộc chiến chống lại Ukraine.
Trong cuộc họp với các ngoại trưởng EU tại Brussels, ông Kuleba nói: "Tôi muốn nhắc các bạn rằng mỗi ngày các nước châu Âu trả cho Nga hàng triệu euro tiền khí đốt và dầu. Và chính số tiền này được sử dụng để tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga”, đồng thời thúc giục: “Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với khí đốt và dầu thô của Nga phục vụ lợi ích tốt nhất của châu Âu, không chỉ Ukraine".
Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho hay các nước thành viên EU đã không thể nhất trí về những đề xuất nhằm cấm vận nhập khẩu dầu Nga sau hơn 10 ngày trao đổi, trong đó Hungary dẫn đầu nhóm các quốc gia phản đối biện pháp này. Ông Borrell thừa nhận: "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tháo gỡ tình hình. Tôi không thể đảm bảo điều đó sẽ diễn ra bởi lập trường của các bên đều khá quyết liệt".
Đề xuất cấm vận dầu Nga là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 của châu Âu được đưa ra ngày 4.5 liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, các nước EU, vốn phụ thuộc nhiều vào dầu Nga, trong đó có Hungary, Czech, Slovakia và Bulgaria đã nhiều lần lên tiếng phản đối về lệnh cấm này. Chính phủ Hungary cho biết lệnh cấm sẽ là một cú đánh làm điêu đứng nền kinh tế nước này.
Ngoài các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, Kułeba cho biết ông cũng sẽ nói chuyện với các ngoại trưởng EU về việc cấp tư cách ứng cử viên để Ukraine gia nhập EU.
"Chúng tôi tin rằng bây giờ chính là lúc. Chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các nước Liên minh châu Âu và cả với Ủy ban châu Âu để đạt được một kết quả tích cực và làm cho châu Âu mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và giàu có hơn trong dài hạn".
Các quan chức Kyiv xác nhận hôm 9.5 rằng Ukraine đã nộp phần thứ hai của đơn xin gia nhập EU cho Brussels. Tuy nhiên, cũng hôm đó, trước Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Ukraine là thành viên của gia đình châu Âu nhưng việc kết nạp vào EU là một quá trình kéo dài vài năm, thậm chí là vài thập kỷ.
Dù đa số các nước EU đều ủng hộ Ukraine trong xung đột hiện nay với Nga nhưng một số nước cho rằng Ukraine hiện thiếu quá nhiều điều kiện cần thiết về hệ thống pháp lý, chính sách tiền tệ cũng như sự ổn định kinh tế vĩ mô để có thể gia nhập EU, chưa kể những tác động nghiêm trọng của cuộc chiến hiện nay.
Ngoại trưởng Kuleba sẽ nói chuyện với đại diện của Ủy ban châu Âu về việc các cảng (của Ukraine) bị phong tỏa và hậu quả là cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới.
Ngày 12.5, David Beasley, người đứng đầu Tổ chức Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở lại các cảng Biển Đen của Ukraine trước khi thảm họa toàn cầu ập đến.
Phân tích của WFP cho thấy, 276 triệu người trên toàn thế giới đã phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng vào đầu năm 2022. Con số này dự kiến sẽ tăng thêm 47 triệu người đạt 323 triệu người trong những tháng tới, nếu xung đột ở Ukraine tiếp tục, trong đó mức tăng cao nhất thuộc về châu Phi cận Sahara.
Trước chiến tranh, hầu hết lương thực do Ukraine sản xuất - đủ để nuôi sống 400 triệu người - được xuất khẩu qua 7 cảng trên Biển Đen của nước này. Trong tám tháng trước khi xung đột bắt đầu, gần 51 triệu tấn ngũ cốc đã được chuyển qua các cảng.