Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không quan tâm việc dùng bữa tối trên tàu hỏa khi đi công tác, và tránh hưởng những tiện ích sang trọng, là thông tin mới nhất của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, nhằm mô tả ông Tập là một nhà lãnh đạo có lối sống tằn tiện, thực tiễn.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 7.1 dẫn thông tin của Tân Hoa Xã hôm 6.1 mô tả ông Tập vẫn làm việc trong ngày mừng sinh nhật, và đích thân can thiệp để bảo đảm những món ăn chúc tụng ông không quá phung phí, và ông được phục vụ bữa ăn truyền thống với chỉ “4 món ăn và canh”.
Bài báo của Tân Hoa Xã còn dẫn chứng hàng loạt ví dụ về lối sống “tằn tiện, thực tiễn” của ông Tập, gồm việc ông nỗ lực bảo đảm “tránh sự xa hoa và lãng phí” trong chuyến đi khắp Trung Quốc để dự những lễ mừng 70 năm ngành thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: “Trong chuyến thăm, làm việc 4 ngày ở tỉnh Cam Túc, ôngTập Cận Bình di chuyển từ phía tây sang phía đông dọc Hành lang Hà Tây, đi qua hơn 1.000 km suốt ngày đêm, chỉ ăn 5 bữa trên tàu”.
Ông Tập còn đi tới một vùng hẻo lánh ở Trùng Khánh, tham dự một chuyến leo đồi để gặp những dân làng nghèo. Ông còn tiếp xúc với các cán bộ đảng viên, trước khi thực hiện các chuyến thăm chính thức, nhằm bảo đảm họ không tổ chức chào đón ông quá đặc biệt, và để mọi sự diễn ra “như bình thường”.
Ông Tập Cận Bình thể hiện phong cách mộc mạc của nông dân - Ảnh: Tân Hoa Xã
Theo SCMP, bài báo nhằm củng cố một thông điệp gởi đến các cán bộ - đảng viên, rằng việc “giữ chân dưới mặt đất” không phải là việc tầm thường, mà là chìa khóa để chu toàn “nhiệm vụ ban đầu” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) theo cách một nhà phân tích mô tả là “nỗ lực kiểu Mao Trạch Đông” nhằm chứng minh ông Tập đứng về phía nhân dân.
Giáo sư Alfred Wu ở Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (thuộc Đại học Quốc gia Singapore) nói ông Tập đã xây dựng hình ảnh giống như Mao Trạch Đông: “Ông ấy muốn nhấn mạnh rằng ông ấy là một người bạn của dân thường, rất gần gũi với đồng bào”. Đó là phong cách Mao Trạch Đông”.
Hình ảnh ông Tập gần dân tương thích với câu chuyện đời ông, người từng giữ các vị trí ở những vùng nông thôn lúc khởi đầu sự nghiệp chính trị - và Giáo sư Wu nói những trải nghiệm đó là động cơ để ông Tập vận động xóa nghèo.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập đã có 11 chuyến đi thị sát các vùng cơ sở hồi năm ngoái, trải qua tổng cộng 31 ngày ở những vùng đó, trong nỗ lực bảo đảm chỉ đạo “xóa nghèo vĩnh viễn” đạt đến thành công vào cuối năm 2020.
Bài báo của Tân Hoa Xã còn nêu một lợi ích khác của lối làm việc thực tiễn, là cán bộ cấp cơ sở “được giải phóng khỏi những vấn đề vô ích, và có thêm thời gian đi sâu đi sát với dân thường”.
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)