Tổng thống Donald Trump hôm 20.1 đã ký lệnh hành pháp nhằm hoãn 75 ngày việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ, dự kiến ​​ diễn ra ngày 19.1.
Thế giới số

Ông Trump ký lệnh hoãn việc cấm TikTok ở Mỹ, không bắt Apple, Google và Oracle chịu trách nhiệm pháp lý

Sơn Vân 21/01/2025 09:55

Tổng thống Donald Trump hôm 20.1 đã ký lệnh hành pháp nhằm hoãn 75 ngày việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ, dự kiến ​​ diễn ra ngày 19.1.

Lệnh hành pháp này chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ không thực thi luật "để cho chính quyền của tôi có cơ hội xác định hướng hành động phù hợp với TikTok".

Lệnh đó cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ gửi thư cho Apple, Google và Oracle, những công ty hợp tác với TikTok, nêu rằng "không có vi phạm luật và không có trách nhiệm pháp lý với bất kỳ hành động nào xảy ra trong khoảng thời gian đã được nêu trên".

Apple và Google cung cấp ứng dụng TikTok thông qua App Store và Google Play. Trong khi Oracle cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu cho TikTok ở Mỹ.

Khi được hỏi lệnh về TikTok có tác dụng gì, Tổng thống Trump trả lời: "Chỉ đơn giản là cho tôi quyền yêu cầu bán nó hoặc đóng cửa nó", đồng thời nói thêm rằng ông cần phải đưa ra quyết định.

Việc Trump cứu TikTok thể hiện sự đảo ngược lập trường so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông tại nhiệm. Vào năm 2020, ông Trump đã nhắm đến việc cấm TikTok vì lo ngại công ty này chia sẻ thông tin cá nhân của người Mỹ với chính phủ Trung Quốc. Gần đây, Trump nói rằng ông "có một vị trí ấm áp trong trái tim dành cho TikTok", ghi nhận ứng dụng này đã giúp ông giành được sự ủng hộ của các cử tri trẻ trong cuộc bầu cử năm 2024.

TikTok bắt đầu khôi phục dịch vụ hôm 19.1 sau khi ông Trump cho biết sẽ phục hồi quyền truy cập ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám này tại Mỹ khi ông trở lại nắm quyền vào ngày 20.1.

"Thành thật mà nói, chúng ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta phải cứu nó", ông Trump phát biểu tại một cuộc mít tinh hôm 19.1 trước lễ nhậm chức của mình, đồng thời nói thêm rằng Mỹ sẽ tìm kiếm một liên doanh để khôi phục ứng dụng được hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng.

Trump nói rằng lệnh hành pháp sẽ quy định không có trách nhiệm pháp lý nào với các công ty hỗ trợ TikTok hết bị ngừng hoạt động, trước khi lệnh của ông được ban hành.

Trong một thông điệp gửi đến người dùng vài giờ trước cuộc mít tinh này, TikTok cho biết: "Nhờ những nỗ lực của Tổng thống Trump, TikTok đã trở lại Mỹ".

bytedance-thuc-hien-nuoc-co-kheo-leo-de-nang-gia-tri-tiktok-giup-ong-trump-tro-thanh-vi-cuu-tinh-1-.jpg
TikTok hiện thông báo hoạt động trở lại nhờ ông Trump - Ảnh: Internet

Với việc chủ động tạm thời đóng cửa TikTok tại Mỹ cuối tuần qua, gã khổng lồ công nghệ ByteDance (Trung Quốc) đã thực hiện “nước cờ khéo léo mang tính phòng ngừa” có thể nâng cao danh tiếng và sự hiện diện trên thị trường của mình, theo nhận định từ các nhà phân tích.

TikTok, Lemon8, CapCut và các ứng dụng khác đã tạm dừng hoạt động trong vài giờ hôm 19.1 để tuân thủ luật yêu cầu các công ty Mỹ không được lưu trữ những dịch vụ của ByteDance trừ khi tập đoàn Trung Quốc này thoái vốn khỏi một số ứng dụng nhất định. Ông Trump đã hứa sẽ cung cấp một số biện pháp “cứu TikTok” sau khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ vào buổi trưa 20.1 giờ Mỹ.

“TikTok đã lường trước sự phẫn nộ của công chúng khi nền tảng này phải ngừng hoạt động ở Mỹ, biết rằng ông Trump sẽ tận dụng cơ hội để trở thành người giải quyết và tạo ra thỏa thuận cuối cùng. Đây là một nước đi khéo léo mang tính phòng ngừa trước lễ nhậm chức của ông Trump”, theo Alex Capri, giảng viên tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore và tác giả cuốn sách Techno-Nationalism: How it’s Reshaping Trade, Geopolitics and Society (Chủ nghĩa Công nghệ Dân tộc: Cách nó định hình lại thương mại, địa chính trị và xã hội).

“Điều quan trọng với TikTok là thị trường và mức định giá. Tại sao không tận dụng sự cố này để cải thiện danh tiếng và mở rộng thị trường? Ngay cả những người không sử dụng TikTok cũng có thể đánh giá cao sự thành công hoặc tầm ảnh hưởng của ứng dụng này lẫn công ty mẹ là ByteDance”, Zhao Zhijiang, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Anbound (có trụ sở tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc), cho biết.

Alejandro Reyes, học giả tại Trung tâm Xã hội châu Á ở Hồng Kông, gọi động thái này là “sự chuyển đổi đầy kịch tính, điều mà một người thích thể hiện như ông Trump sẽ ưa chuộng, nên giờ đây ông tập trung vào việc cho thấy mình có thể đạt được một thỏa thuận”.

“Tôi nghĩ rằng Trump sẽ cho rằng đây là một đòn ngoạn mục thu hút sự chú ý vào lễ nhậm chức của ông, như thể ông cần có thêm vào tuần này”, Alejandro Reyes nói.

Zhao Zhijiang đồng tình với Alejandro Reyes, lưu ý rằng ông Trump tự định vị mình là “vị cứu tinh của TikTok”, dù chưa có chi tiết nào về cách một thỏa thuận như vậy có thể diễn ra trong phạm vi luật pháp Mỹ.

Quan điểm kiên định của TikTok trong việc tự bảo vệ mình đã làm tăng mức định giá công ty, mà theo ước tính của Phó chủ tịch cấp cao Angelo Zino tại hãng nghiên cứu tài chính CFRA Research sẽ nằm trong khoảng từ 40 tỉ đến 50 tỉ USD, kênh CNBC đưa tin tuần trước. Đây là mức tăng giá đáng kể của TikTok so với ước tính vào tháng 7.2024 của Bloomberg Intelligence, nằm trong khoảng từ 30 tỉ đến 35 tỉ USD. Hiện TikTok có hơn 170 triệu người dùng ở Mỹ, đa số là giới trẻ.

Bloomberg Intelligence là bộ phận nghiên cứu và phân tích thuộc Bloomberg L.P, một trong những công ty hàng đầu thế giới về dữ liệu tài chính, tin tức và công nghệ.

Ông Trump muốn một thực thể của Mỹ chia sẻ quyền sở hữu TikTok 50-50 với ByteDance. Chưa rõ liệu sự chia sẻ này có đáp ứng được yêu cầu của luật hay không. Theo quy định của luật, bất kỳ công ty hoặc thực thể nào vẫn nằm dưới quyền sở hữu hoặc sự kiểm soát (dù trực tiếp hay gián tiếp) của ByteDance đều có thể bị xem là vi phạm.

Ngay cả khi việc thực thi luật (được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 4.2024) bị trì hoãn, ByteDance vẫn đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi chính phủ Trung Quốc đã cấm xuất khẩu hai công nghệ quan trọng được sử dụng trong TikTok, gồm “đẩy thông tin được cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu" và "giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo".

Hôm 20.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh cho biết rằng nước này “luôn tin rằng, việc vận hành và mua lại các doanh nghiệp nên được quyết định độc lập bởi các doanh nghiệp”.

“Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc có tham gia, họ nên tuân thủ các luật và quy định của Trung Quốc”, bà Mao Ninh nói thêm.

Việc gia hạn luật “chắc chắn mở ra cơ hội cho nhiều khả năng hơn, gồm cả việc bán nền tảng này cho Elon Musk hoặc một ông trùm công nghệ Mỹ khác”, Alex Capri nhận định.

Bloomberg News tuần trước đưa tin các quan chức Trung Quốc đã thảo luận về khả năng X, mạng xã hội của Elon Musk, tiếp quản hoạt động của TikTok tại Mỹ. Elon Musk có quan hệ kinh doanh sâu rộng với Trung Quốc, gồm cả một cơ sở sản xuất lớn của hãng ô tô điện Tesla tại thành phố Thượng Hải.

“Bất kể người mua là ai, họ khó có khả năng sở hữu được ‘thuật toán bí mật’ từ ByteDance hoặc khó có được giấy phép xuất khẩu từ chính phủ Trung Quốc”, Alex Capri đánh giá.

Zhao Zhijiang nhấn mạnh đến sự không chắc chắn đáng kể xung quanh lệnh hoãn thi hành luật cấm TikTok. “Việc đề xuất và thực hiện một kế hoạch cần thời gian. Sự không chắc chắn về thời gian là cực kỳ cao và không thể đưa ra kết luận quá sớm”, ông nói.

Bài liên quan
X và Instagram ra mắt công cụ video vào ngày TikTok bị cấm ở Mỹ
X đã ra mắt tính năng mới cho người dùng Mỹ vào hôm 19.1. Đó là một thẻ dành riêng để xem video trên nền tảng này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Hội nghị WEF Davos lần thứ 55 mang chủ đề “Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh” có sự tham dự của khoảng 3.000 lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump ký lệnh hoãn việc cấm TikTok ở Mỹ, không bắt Apple, Google và Oracle chịu trách nhiệm pháp lý