Động thái rút lại trừng phạt mới nhắm vào CHDCND Triều Tiên khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump hứng chịu nhiều chỉ trích từ giới chính trị lẫn giới phân tích.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 21.3 thông báo trừng phạt hai công ty vận tải Trung Quốc vì giúp Triều Tiên trốn tránh sự trừng phạt.
Thế nhưng một ngày sau, ông Trump rút trừng phạt bằng một dòng đăng Twitter ngắn gọn. Phía Nhà Trắng giải thích Tổng thống Mỹ “thích” nhà lãnh đạo Kim Jong-un nên cho rằng trừng phạt không cần thiết.
Thị trưởng Pete Buttigieg của South Bend (bang Indiana) -một trong những đảng viên Dân chủ tuyên bố tranh cử Tổng thống năm 2020 -viết trên Twitter: “Nước Mỹ nay chẳng còn chính sách đối ngoại nữa”.
Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen (chính trị gia luôn đi đầu trong các nỗ lực trừng phạt Triều Tiên) kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động khi Tổng thống Trump bị nhà lãnh đạo Kim lừa gạt, đưa ra một quyết định vô lý.
Cựu quan chức ngoại giao Richard N. Haass nhận xét: “Chỉ trong vòng 24 tiếng mà người đứng đầu đất nước đã gây ngạc nhiên bằng tuyên bố Golan (muốn công nhận đây là lãnh thổ Israel) và thông báo rút lại trừng phạt Triều Tiên chỉ vì thích ông Kim. Thậm chí còn chẳng giả vờ thực hiện quá trình xem xét trước khi ra quyết định. Thật khó tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu có khủng hoảng thực sự”.
Còn giáo sư quan hệ quốc tế David Rothkopf đến từ đại học Columbia gọi Tổng thống Trump là “vị vua điên khùng” với chính sách đối ngoại gây sốc đồng minh.
Học giả luật Laurence Tribe thuộc đại học Harvard khuyến cáo chính sách đối ngoại quá tự ý, thay đổi liên tục là điều sai lầm.
Cẩm Bình (theo Huffington Post)