Nga là một trong hai nước có mức cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất cùng với Ả Rập Saudi. Nhưng, trên thực tế Nga mới đang là nước hưởng lợi lớn nhất, thậm chí ngay từ thời điểm thỏa thuận cắt giảm sản lượng chỉ mới là một bản kế hoạch sơ bộ nằm trên bàn giấy.

OPEC cắt giảm sản lượng dầu: Người hưởng lợi lớn nhất là Nga?

Nhàn Đàm | 02/12/2016, 17:46

Nga là một trong hai nước có mức cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất cùng với Ả Rập Saudi. Nhưng, trên thực tế Nga mới đang là nước hưởng lợi lớn nhất, thậm chí ngay từ thời điểm thỏa thuận cắt giảm sản lượng chỉ mới là một bản kế hoạch sơ bộ nằm trên bàn giấy.

Ngày 30.11 vừa qua có thể sẽ là một thời khắc lịch sử trên thị trường dầu thế giới, khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cuối cùng cũng đã thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu lần đầu tiên kể từ năm 2008 để vực dậy giá dầu. Cụ thể, theo thỏa thuận các nước OPEC sẽ cắt giảm sản lượng ở mức 1,2 triệu thùng/ngày, xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày, còn các nước xuất khẩu ngoài OPEC cũng sẽ giảm 600.000 thùng/ngày.

Ngay lập tức, giá dầu thô trên thị trường đã tăng 9% so với trước đó 1 ngày, và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa. Quốc gia được xem là hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận lần này có vẻ như đang là Iran, khi nước này được phép tăng sản lượng nhẹ so với mức sản lượng vào tháng 10, trong khi kình địch của Iran là Ả Rập Saudi lại là nước phải giảm sản lượng nhiều nhất: 486.000 thùng/ngày.

Nhưng rấtcó thểkhông phải Iran, mà Nga mới là nước hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận này.

Nếu so về lượng dầu khai thác cắt giảmtrong bản thỏa thuận, Nga là một trong hai nước có mức cắt giảm lớn nhất cùng với Ả Rập Saudi. Trong khi Saudi phải cắt giảm 486.000 thùng/ngày và chiếm khoảng 40% tổng mức sản lượng mà các nước OPEC phải chấp nhận giảm bớt, thì mức cắt giảm 300.000 thùng/ngày của Nga lại chiếm tới 50% sản lượng mà các nước xuất khẩu ngoài OPEC phải chấp nhận (600.000 thùng/ngày).

Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến cắt giảm sản lượng của Ngaphức tạp hơn, do phần lớn các giếng dầu chủ chốt của nước này nằm ở những khu vực có thời tiết giá lạnh và việc ngừng khai thác tại một số nơi để tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể khiến việc vận hành trở lại sau này gặp khó khăn và có chi phí lớn hơn. Đó là lý do vì sao trong bản thỏa thuận lần này,phần quy định mức cắt giảm của Nga được thêm vào một câu “nếu điều kiện kỹ thuật cho phép”.

Nhưng, trên thực tế Nga mới lại đang là nước hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần này, thậm chí ngay từ thời điểm nó mới là một bản kế hoạch sơ bộ nằm trên bàn giấy. Theo báo cáo của hãng tin Bloomberg, Nga đã thu lợi tổng cộng khoảng 6 tỉ USD chỉ từ việc nêu ra và bàn bạc ý tưởng về một thỏa thuận chung cắt giảm sản lượng với OPEC cách đây khoảng gần nửa năm. Tin tức về một sự hợp tác cắt giảm sản lượng giữa hai thế lực xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã khiến cho giá dầu tăng lên khá nhiều lần, và cứ mỗi lần như thế Nga lại hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu của mình.

Kể cả ở thời điểm hiện tại, khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã được thông qua, và theo kế hoạch Nga sẽ phải giảm khoảng 300.000 thùng/ngày, thì quốc gia Đông Âu này vẫn nắm giữ những lợi thế rất lớn. Ngay trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng được đưa ra thảo luận tạ Hội nghị thượng đỉnh OPEC ở Vienna vào ngày 30.11, Nga đã kịp nâng công suất khai thác của mình lên thêm tổng cộng 520.000 thùng/ngày, cao hơn mức nước này phải cắt giảm.

Nói cách khác, bề ngoài Nga sẽ cắt giảm sản lượng so với trước đó để vực dậy giá dầu, nhưng về thực chất sản lượng của Nga không những không giảm mà lại còn tăng lên. Theo tính toán, với mức cắt giảm 300.000 thùng/ngày, chiếm khoảng 2,7% tổng sản lượng khai thác, Nga sẽ vẫn thu được lợi nhuận rất lớn khi giá dầu đang tăng liên tiếp và được dự báo sẽ còn tăng thêm trong những ngày sắp tới.

Không những hưởng lợi từ trước, trong và sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng được thông qua, mà Nga còn có lợi thế lớn kể cả trong trường hợp bản thỏa thuận không có tác dụng. Một điểm đáng chú ý trong bản thỏa thuận được thông qua tại Vienna hôm 30.11 vừa qua, là nó không có cơ chế trừng phạt với các nước không tuân thủ, đặc biệt là các quốc gia ngoài OPEC như Nga.

Với các nước thành viên OPEC, hình phạt dành cho việc không tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng là việc Ả Rập Saudi sẽ nâng công suất tối đa để đè bẹp quốc gia đó thông qua yếu tố giá cả. Hiện mức sản lượng cao nhất mà một nước OPEC đạt được ngoài Saudi là Iraq với khoảng hơn 4 triệu thùng/ngày, hầu hết các nước khác đều thấp hơn, và sẽ dễ dàng bị tổn hại nghiêm trọng nếu Saudi tăng công suất khai thác.

Nhưng với Nga thì lại là một câu chuyện khác. Hiện Nga đang cùng Saudi là 2 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, và việc ép giá bằng cách nâng sản lượng của Saudi và OPEC không có nhiều ý nghĩa với Nga.

Nói cách khác, nếu thỏa thuận cắt giảm tại Vienna lần này không đạt được hiệu quả trên thực tế, Nga có thể xé bỏ và không tuân thủ nó mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Trên thực tế, trong lần thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai tháctrước vào năm 2008, Nga cũng đã có dấu hiệu không tuân thủ khi vẫn tiếp tục tăng sản lượng khai thác của mình.

Bằng những động tháicủa mình, Nga có vẻ như đang là quốc gia nắm rõ nhất tình hình của thị trường dầu thế giới ở thời điểm hiện tại, và thu được lợi ích lớn nhất từ nó. Về lý thuyết, đợt cắt giảm sản lượng lần này của OPEC sẽ không kéo dài, và sẽ chỉ nâng giá dầu lên mức vừa đủ trước khi đủ lớn khiến các công ty dầu đá phiến Mỹ hoạt động trở lại.

Theo thống kê, hiện tại mức sản lượng khai thác của Mỹ đang thấp hơn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với mức kỷ lục đạt được vào tháng 6.2015, và trong tháng 10 vừa qua sản lượng của Mỹ cũng đã tăng thêm 200.000 thùng/ngày do giá dầu tăng trở lại.

Với việc nắm giữ lợi thế không bị ràng buộc quá nhiều vào thỏa thuận Vienna, Nga có thể là nước chủ động nhất trong việc điều chỉnh mức sản lượng để thu lợi lớn nhất trước khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng cao trở lại và kéo giá dầu xuống.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Nga có thể thử vũ khí hạt nhân nếu phương Tây dỡ bỏ hạn chế về vũ khí viện trợ Ukraine
Theo 3 nhà phân tích, Nga có thể đáp trả việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa được viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ nước này bằng cách tấn công tài sản quân sự Anh, thậm chí tiến hành thử vũ khí hạt nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tái thiết sau bão
Một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc hồi phục kinh tế sau bão là hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ… cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
OPEC cắt giảm sản lượng dầu: Người hưởng lợi lớn nhất là Nga?