Ngày 17.7, Tòa án tối cao Pakistan bắt đầu chất vấn vụ Thủ tướng Pakistan không kê khai tài sản, gồm các căn hộ ở London, lại còn trốn thuế, làm giấy tờ giả và khai man nhằm che giấu số tài sản này.
Thủ tướng Nawaz Sharif còn bị cáo buộc các con ông sống quá sang chảnh dù không có nguồn thu nhập lớn.
Đây là một cuộc điều trần mà ông Sharif phải đấu tranh cho sinh mệnh chính trị, khi Tòa án tối cao sẽ xem xét có nên bãi nhiệm ông, hoặc truy tố ông ra tòa vì các tội danh tham nhũng, dựa theo kết luận điều tra của Tổ điều tra chung (JIT)gồm quan chức dân sự và quân sự do Tòa án tối cao Pakistan lập.
Các cáo buộc nhắm vào gia đìnhThủ tướng Sharif
Các cáo buộc gia đình Thủ tướng Sharif là từ tài liệu của một công ty luật ở Panama xì cho báo chí hồi năm 2016, bóc mẽ tài sản ở nước ngoài của nhiều chính khách, nhà thầu và nhân vật nổi tiếng của toàn thế giới.
Trong số những vụ tài sản bị lộ có 4 căn hộ ở khu Mayfair ở thủ đô London (Anh) của 3 người con đã trưởng thành của ông Sharif: hai con trai Hassan Nawaz và Hussain Nawaz, và con gái Maryam Nawaz được xem là người sẽ thừa kế chính trị của ông bố.
Nhóm điều tra JIT kết luận Maryam Nawaz lập một quỹ tín thác giả về các căn hộ này. Những tài liệu năm 2006 cho thấy cô là thành viên duy nhất của quỹ, nhưng không là chủ 2 công ty ‘vỏ bọc’ ở nước ngoài đã mua các căn hộ.
Maryam Nawaz cùng Bộ trưởng Tài chính Ishaq Dar đều khẳng định chẳng làm gì sai phạm.
Báo cáo JIT viết: ông Sharif “rất có khả năng” là chủ thật của những căn hộ ở London. Báo cáo nêu thẳng cha con ông không nói sự thật về số tài sản ở nước ngoài, và cáo buộc gia đình sống quá sang chảnh, che giấu tài sản, làm giả giấy tờ và khai man với tổ điều tra.
Ông Sharif nói các con ông được tặng những căn hộ, trong một vụ làm ăn hàng chục năm trước giữa cha ông với một ông hoàng Qatar. Ông không là người nhận quà, và cũng nói không hề có chứng cứ gia đình ông “rửa tiền” hoặc “xơi lại quả” trong những giai đoạn ông làm thủ tướng trước đây và bây giờ.
Tuy nhiên, JIT nêu một lá thư do một hoàng thân Qatar gửi cha của ông Sharif là giả. Tòa án tối cao đã bày tỏ sự thất vọng, về việc nhà Sharif không thể cung cấp nguồn gốc tiền mua những căn hộ này.
Kết luận của JIT công bố ngày 13.7, khiến Pakistan phẫn nộ. Các đảng đối lập cùng đòi ông Sharif từ chức và đề cử Thủ tướng mới.
Ông Sharif phủ nhận các cáo buộc, gọi báo cáo của JIT là “bộ sưu tập những giả định, kết án và vu khống”. Các trợ lý nói ông sẽ tiếp tục phản pháo các cáo buộc này.
Ông Sharif bác yêu cầu của phe đối lập, tuyên bố sẽ vẫn là Thủ tướng với bất cứ giá nào, khi ông họp chính phủ hôm 13.7: “Không lẽ tôi phải từ chức vì một bọn âm mưu chống dân chủ đòi thế?Chúng ta sẽ không cho phép tiến trình phát triển và sự tiến bộ bị chệch hướng.Pakistan đã phải trả giá đắt vì những trò mạo hiểm trong quá khứ. Điều đó phải chấm dứt”.
Thủ tướng Sharif cảnh báo những tiến bộ do chính phủ ông đạt được, mức tăng trưởng kinh tế tăng, xây nhiều công trình cơ sở hạ tầng, kéo giảm được khủng bố đang bị phe đối lập phá hỏng.
Đảng Liên minh Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) của ông cũng thắc mắc tại sao những người khác không bị chất vấn chuyện tham nhũng, gồm các chính khách, tướng lĩnh và quan tòa.
Phe đối lập muốn truy tố ông Sharif
Đảng Pakistan Tehreek-i-Insaf (PTI) do thủ lĩnh đối lập Imran Khan làm chủ tịch, đã chọn khẩu hiệu “Trưng biên lai coi”, để bày tỏ ý muốn bãi nhiệm hoặc truy tố Thủ tướng Sharif.
Sau khi có báo cáo của JIT, PTI thề “sẽ chào mừng hoặc truy đuổi trọn con đường Thủ tướng đến nhà tù Adiala”.
Ông Khan nói: “Tôi hy vọng tuần tới sẽ là tuần cuối cùng của ông ta. Tôi hy vọng sẽ có một tiệc chia tay Nawaz Sharif ở Islamabad trong tuần tới”.
Ông Khan cũng cho rằng sẽ cố bầu cử sớm trong mùa thu năm nay, nếu Tòa án tối cao quyết bãi nhiệm ông Sharif. Nhưng các đảng đối lập khác nói quốc hội hiện tại cứ tiếp tục nhiệm kỳ cho đến cuộc bầu cử quốc hội năm 2018.
Các chính khách đối lập khác nói Thủ tướng Sharif và gia đình đã hết cửa chối những tài liệu họ đã trình tòa.
Người của PTI biểu tình đòi Thủ tướng Pakistan từ chức
Nhưng nghị sĩ Daniyal Aziz của PML-N nói: “Tòa án tối cao làm quá vụ này, biến nó thành trò săn phù thủy. Mục tiêu của họ là phá cuộc bầu cử quốc hội 2018 và để có một quốc hội treo”, tức một cơ quan lập pháp mà không có đảng nào chiếm được thế đa số.
PML-N đang có thế đa số ở Quốc hội, nhưng với đám mây đen tai tiếng phủ lên Thủ tướng, cuộc bầu cử năm tới sẽ là cuộc tranh giành thế đa số khốc liệt với đảng của ông Khan.
Fawad Chaudhry, một thành viên PTI nói: “ Nay có hai con đường cho Sharif: ông ta có thể ra đi trong trật tự, hoặc ông ta đi vào sự hỗn loạn”.
Hồi năm 2016, PTI tổ chức xuống đường để phản đối chuyện nhà Thủ tướng tham nhũng mới có nhà ở nước ngoài, khiến Tòa án tối cao quyết mở cuộc điều tra.
Tháng 4, Tòa án gồm 5 thẩm phán quyết ông Sharif (làm Thủ tướng từ 2013) vẫn tại chức nhưng phải bị điều tra. Dù vậy, hai thẩm phán vẫn yêu cầu bãi nhiệm Thủ tướng, gồm một người gọi ông là “Bố già” Mafia.
Hai trong 6 quan chức điều tra ở JIT thuộc cánh quân đội. Thiếu tướng Asif Ghafoor, người phát ngôn quân đội nói các sĩ quan này được tòa yêu cầu tham gia cuộc điều tra Thủ tướng Sharif quá giàu sang, chứ quân đội không trực tiếp liên quan.
Ông Sharif có quan hệ căng thẳng với cánh quân đội (nhất là về chuyện ông làm thân với Ấn Độ) nói đây là âm mưu chống phá ông. Người của ông nói cơ quan tình báo quân đội cung cấp chứng cứ chống gia đình ông.
Ai sẽ thắng trong cuộc “đảo chính bằng pháp lý”?
Trong ngày chất vấn đầu tiên,Tòa án tối cao có thể yêu cầu mở cuộc điều tra hình sự đối với cha con Thủ tướng Sharif, sau khi đã cho họ cơ hội trả lời với đoàn điều tra.
Nhưng ông Khan hy vọng công lý sẽ lập tức bãi nhiệm Thủ tướng, chiếu theo hai Điều 62 và 63 của Hiến pháp Pakistan qui định bãi nhiệm bất kỳ nghị sĩ nào bị phát hiện gian dối.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Luật và tư pháp Zafarullah Khan, một trợ lý thân cận của ông Sharif, nói: chưa có tiền lệ Tòa án tối cao vận dụng hai điều khoản trên. Và đây sẽ là một cuộc chiến pháp lý lâu dài, vì nhóm pháp lý của Thủ tướng sẽ thách thức những phát hiện của JIT.
Bộ trưởng Khan nói: “Chúng tôi tin tưởng Tòa án tối cao. Cái gọi là chứng cứ của đoàn điều tra dựa trên “các nguồn tin của báo chí” và chúng không có giá trị”. Ông khẳng định PML-N vẫn đứng sau vị Thủ tướng trong “cuộc nổi loạn chính trị, đảo chính bằng pháp lý này”.
Cuộc “song đấu” giữa lãnh đạo Pakistan với tòa án có thể trở thành một thời điểm bước ngoặt quan trọng cho nền dân chủ mong manh của Pakistan, và có thể làm rúng động sự ổn định chính trị khó khăn mới có được của đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân này.
Dù ông Sharif không bị Tòa án tối cao bãi nhiệm chăng nữa, Pakistan vẫn phải đối mặt với triển vọng phải chứng kiến một Thủ tướng đương nhiệm bịhầu tòa. Các luật sư cho rằng khó có chuyện Tòa án tối cao sẽ “tha” ông Sharif.
Theo đảng đối lập PTI, nền dân chủ Pakistan sẽ được củng cố từ việc một thủ tướng bị qui trách nhiệm bởi một “Pakistan mới” gồm ngành tư pháp độc lập hơn, giới truyền thông được tự do hơn, và một tầng lớp trung lưu nổi lên đòi chính phủ phải điều hành đất nước tốt hơn.
Tuy nhiên, trợ lý của ông Sharif nói ngành tư pháp, truyền thông và các đảng đối lập vẫn là một Pakistan cũ: một chế độquân sự mạnh liên tục xem thường và lật đổ các chính phủ dân sự.
Vĩnh Thụy (theo The Wall Street Journal)