Liên quan đến việc phá vỡ quy hoạch đường Lê Văn Lương (Hà Nội), đại diện Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội cho biết sẽ tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phá vỡ quy hoạch đường Lê Văn Lương: Sẽ làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan

Lam Thanh | 01/07/2022, 22:54

Liên quan đến việc phá vỡ quy hoạch đường Lê Văn Lương (Hà Nội), đại diện Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội cho biết sẽ tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Xác định rõ trách nhiệm cá nhân liên quan

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội quý 2/2022 của UBND TP.Hà Nội ngày 1.7, cơ quan chức năng đã trả lời báo chí về hướng giải quyết của thành phố trong thời gian tới về những sai phạm “phá vỡ quy hoạch” trên tuyến đường Lê Văn Lương.

Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến cho biết UBND Thành phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình giải quyết tại các khu vực mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã nêu tại kết luận để báo cáo UBND Thành phố xem xét.

Hiện nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang tổ chức thực hiện theo đúng quy định Luật Thanh tra - sẽ xác định rõ các nội dung còn tồn tại, sai sót; xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan; tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, hình thức kiểm điểm và thực hiện việc kiểm điểm theo quy định.

Đối với các nội dung kết luận còn chưa thống nhất, chưa đúng quy định pháp luật thì sẽ có báo cáo giải trình, đề xuất việc thực hiện để báo cáo UBND Thành phố và gửi Thanh tra Bộ Xây dựng trong thời hạn 60 ngày theo đúng quy định của Luật Thanh tra.

tuyen.jpg
Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến

Về các giải pháp khắc phục, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông tin, Sở sẽ phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát lại toàn bộ quá trình lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các tổng mặt bằng.

Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp khắc phục các tồn tại theo quy định đã được chỉ ra (mốc thời gian số liệu dân cư, chưa thể hiện rõ tỷ lệ đất cây xanh tại dự án, ghi chú tầng cao chưa phù hợp Thông tư 03/2009/TT-BXD) đề xuất việc bổ sung điều chỉnh trong các đồ án đã phê duyệt.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát lại các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, báo cáo UBND Thành phố đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện sớm các khu vực chưa đầu tư để đảm bảo đồng bộ trong quy hoạch phân khu cũng như quy hoạch chi tiết tuyến đường.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương, Sở Quy hoạch kiến trúc cũng sẽ phối hợp các cơ quan chuyên ngành để đề xuất giải pháp khắc phục như: tổ chức lại các điểm giao thông chưa hợp lý; đề xuất việc xây dựng các tuyến đường để xác định tại quy hoạch theo thực tế nêu trên kết hợp việc phân luồng, đối nối giao thông các dự án trên tuyến…

Chống thất thu điểm trông giữ xe

Thông tin về hiệu quả hoạt động cũng như các giải pháp quản lý của Thành phố nhằm tránh thất thu tại các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết: hiện nay, Sở GTVT đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông, giữ xe cho 31 đơn vị với diện tích 31.705m2 trên 134 tuyến đường, phố.

Năm 2021, Sở GTVT đã thu phí và nộp ngân sách Thành phố trên 46 tỉ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thu phí và nộp ngân sách Thành phố trên 20 tỉ đồng. Đối với UBND quận, huyện, thị xã: đã có 12/30 quận, huyện, thị xã tổ chức cấp phép trông, giữ xe thuộc thẩm quyền với tổng diện tích cấp phép là 91.930m2, đã thu phí và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Ông Bảo cho biết để tăng cường thu, tránh thất thoát nguồn thu, Sở tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động trông, giữ xe trên địa bàn Thành phố như hành vi trông, giữ xe quá diện tích; trông, giữ xe trái phép, không phép… theo thẩm quyền để tránh thất thoát nguồn thu.

Sở Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi thu sai giá dịch vụ trông giữ xe theo quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15.12.2017 của UBND Thành phố đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép, để tránh thất thoát nguồn thu. UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong phạm vi thẩm quyền và theo các quy định hiện hành.

Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng đã chỉ ra, UBND TP.Hà Nội điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật tại 14 đồ án, dự án (DA), công trình/tổng số 56 đồ án, DA, công trình được kiểm tra.

Đối với Sở QH-KT, điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật tại gần 50 DA, công trình; 19 DA không xác định chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, phạm vi xây dựng tầng hầm; 10 công trình ghi sai số tầng; 21 DA, công trình có tầng hầm vượt quá chỉ giới xây dựng… Sở Xây dựng cấp 12 giấy phép xây dựng (GPXD) không có nội dung màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cốt xây dựng không có cơ sở; 3 GPXD không phù hợp QH chi tiết được duyệt; 9 GPXD cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng…

Kết luận cũng chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được chấp thuận, GPXD… tại UBND TP.Hà Nội và các sở, quận nêu trên.

Đáng chú ý, KLTT39 cho biết, từ năm 2007 - 2015, có nhiều DA, công trình được điều chỉnh từ đất đơn chức năng thành đa chức năng, nâng tầng, tăng mật độ, chất tải lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sai quy định pháp luật. Đây là thời kỳ ông Nguyễn Thế Thảo giữ chức Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Trong khoảng thời gian này, Giám đốc Sở QH-KT lần lượt là các ông Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thế Hùng. Còn Giám đốc Sở Xây dựng lần lượt là các ông Đỗ Xuân Anh, Nguyễn Thế Hùng, Lê Văn Dục.

Các DA, công trình điển hình được điều chỉnh sai quy định trong thời gian này có thể kể đến: tòa nhà HUD Tower do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị làm chủ đầu tư, nâng từ 16 - 32 tầng; đất đơn chức năng thành đa chức năng; tăng hệ số sử dụng đất từ 3,1 thành 10,92 lần; diện tích sàn xây dựng từ 20.080 m2 thành

70.855 m2. Hay như tòa nhà Diamond Flower Tower do Handico6 làm chủ đầu tư, tăng từ 6 thành 39 tầng; hệ số sử dụng đất từ 1,24 lần lên 13,4 lần; mật độ xây dựng từ 31% lên 40,05%; đất đơn chức năng thành hỗn hợp, tăng thêm gần 1.000 người…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM cần làm gì để đột phá trong tăng trưởng kinh tế?
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng 8,3% vẫn chưa phải là cao so với tiềm năng của TP.HCM. Thành phố có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều, trên 10%, thậm chí cao hơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phá vỡ quy hoạch đường Lê Văn Lương: Sẽ làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan