Phán quyết của một thẩm phán liên bang Mỹ rằng Google là công ty độc quyền sẽ khiến các hãng công nghệ lớn (Big Tech) khác phải lo lắng.
Trong phán quyết dài gần 300 trang, thẩm phán Amit Mehta cho biết các thỏa thuận của Alphabet nhằm biến Google thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các nền tảng khác đã vi phạm luật cạnh tranh trong khi vẫn thu về hàng tỉ USD.
"Google là một công ty độc quyền và đã hành động như công ty độc quyền để duy trì thế độc quyền của mình", Amit Mehta viết.
Bộ Tư pháp Mỹ đang cân nhắc rằng có nên chia tách Alphabet hay không, trang Bloomberg đưa tin.
Alphabet cho biết có kế hoạch kháng cáo phán quyết của Amit Mehta. "Quyết định này thừa nhận rằng Google cung cấp công cụ tìm kiếm tốt nhất, nhưng kết luận rằng chúng tôi không nên được phép cung cấp nó một cách dễ dàng", Google cho biết trong một tuyên bố. Công ty đã không trả lời ngay lập tức đề nghị bình luận thêm từ trang Insider.
Những diễn biến này là tín hiệu khiến các Big Tech khác lo lắng.
Đây không phải là lần đầu tiên Big Tech thua kiện chống độc quyền và phải đối mặt với việc bị chia tách. Microsoft bị phán quyết là công ty độc quyền vào những năm 1990. Dù biện pháp khắc phục ban đầu là chia tách Microsoft, nhưng gã khổng lồ công nghệ này đã kết thúc bằng cách dàn xếp.
Vụ việc của Google là phán quyết chống độc quyền lớn nhất với các Big Tech. Dan Ives, nhà phân tích tại hãng Wedbush Securities, cho biết ngành công nghệ đã trở nên mạnh mẽ hơn dưới cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI). Ông nói với trang Insider rằng việc Google thua kiện đã mang lại đà cho Bộ Tư pháp Mỹ trong cuộc chiến với Big Tech.
Dưới thời chính quyền Biden và với việc bổ nhiệm Lina Khan làm Ủy viên Ủy ban thương mại Liên bang, chính phủ Mỹ đã có cách tiếp cận mạnh mẽ với các Big Tech.
Ngoài vụ kiện chống lại Alphabet do Amit Mehta chủ trì, Bộ Tư pháp Mỹ và một số tiểu bang đã đệ đơn kiện chống độc quyền chống lại Apple vì cách đối xử với các đối thủ cạnh tranh về các ứng dụng iPhone nội bộ của mình; cáo buộc Amazon sử dụng vị thế thống lĩnh bán lẻ của mình để chèn ép các bên bán thứ ba trên nền tảng của mình; chống lại Meta Platforms về những nỗ lực thống trị thị trường truyền thông xã hội thông qua việc mua lại Instagram và WhatsApp.
Những vụ kiện này đòi hỏi nhiều nguồn lực, ít có tiền lệ và lớn nhất trong nhiều thập kỷ. William Kovacic, cựu Chủ tịch FTC hiện là giáo sư tại Trường Luật Đại học George Washington, cho biết hậu quả lớn từ phán quyết Google vi phạm luật chống độc quyền là sẽ giúp các cơ quan liên bang tự tin hơn rằng rủi ro là xứng đáng.
Apple, Meta Platforms và Amazon không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.
Định nghĩa thị trường
Để thắng một vụ kiện chống độc quyền, nguyên đơn cần chứng minh rằng một công ty cụ thể thống trị một thị trường cụ thể bất hợp pháp. Thông thường, các vụ kiện bị vướng mắc ở câu hỏi làm thế nào để định nghĩa một thị trường ngay từ đầu.
Bị đơn thường định nghĩa thị trường theo nghĩa rộng, cho rằng họ chỉ là một con cá trong cái ao lớn. Nguyên đơn cố gắng định nghĩa thị trường theo nghĩa hẹp, cho rằng các công ty là những con cá lớn đến mức đang chiếm dụng không gian bất hợp pháp trong một cái ao rất nhỏ.
Một thẩm phán liên bang Mỹ trước đây bác bỏ vụ kiện chống lại Meta Platforms về những sự mơ hồ này. Ông phán quyết rằng các cơ quan quản lý đã không định nghĩa đầy đủ về thị trường truyền thông xã hội mà FTC cáo buộc Meta độc quyền trước khi cơ quan quản lý nộp lại hồ sơ vụ kiện.
Bill Baer, cựu luật sư chống độc quyền hàng đầu tại Bộ Tư pháp Mỹ, nói phán quyết của Amit Mehta về Google đã cho các thẩm phán thấy chính xác cách giải quyết câu đố về định nghĩa thị trường.
Thẩm phán đã sử dụng phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án cấp phúc thẩm Mỹ năm 2001 chống lại Microsoft và chứng minh cách thức các phát hiện của tòa có thể được áp dụng vào hành vi thống trị thị trường tìm kiếm của Google. Bill Baer nói rằng các thẩm phán giám sát các vụ kiện chống lại Amazon, Apple hoặc các hãng công nghệ khác có thể sử dụng chiến lược đó.
Rebecca Allensworth, giáo sư luật chống độc quyền tại Đại học Vanderbilt, nói các Big Tech thường thuê các nhà kinh tế lượng để tạo ra các mô hình lớn, phức tạp nhằm xác định các thị trường lớn, phức tạp. Đây là một cách tiếp cận tốn kém, tốn nhiều nguồn lực để xác định thị trường cho những trường hợp này.
Nhà kinh tế lượng là chuyên gia sử dụng các phương pháp thống kê và toán học để phân tích dữ liệu kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế và đưa ra những dự báo về tương lai.
Tuy nhiên, Amit Mehta đã áp dụng một tiêu chuẩn hợp lý hơn, được Bộ Tư pháp ưa thích.
Thay vì kiểm tra các mô hình toán học phức tạp, Amit Mehta đã xem xét các tài liệu nội bộ, hành vi của chính các doanh nghiệp và lời khai từ các công ty đối thủ để xác định "thị trường tìm kiếm" mà Google độc quyền.
Nếu tuân theo tiêu chuẩn đó, các thẩm phán khác có thể hạ thấp ngưỡng để đưa ra các vụ kiện chống độc quyền ngay từ đầu.
"Nếu rào cản là bạn phải chứng minh điều này bằng một sự chắc chắn về mặt toán học, bạn sẽ loại bỏ rất nhiều vụ kiện", Allensworth cho biết.
Big Tech có thể thận trọng hơn về các vụ mua lại
Dù các hãng công nghệ có thể không vội vàng thay đổi mô hình kinh doanh của mình, nhưng phán quyết gần đây của tòa án có thể khiến họ thận trọng hơn về các vụ mua lại.
Song, phán quyết bất lợi cho Google không đồng nghĩa các cơ quan quản lý sẽ thành công trong việc theo đuổi kết quả tương tự với các Big Tech khác.
Shweta Khajuria, nhà phân tích tại hãng Wolfe Research, nói rằng vụ kiện Google có thể khác với các Big Tech khác vì Google có "sự hiện diện thống trị hơn nhiều" trong tìm kiếm so với bất kỳ công ty nào khác trong cùng lĩnh vực.
Shweta Khajuria cho biết Meta Platforms vẫn phải cạnh tranh với Snapchat và TikTok. Tuy nhiên, bà mô tả vụ kiện Google là vụ kiện chống độc quyền "lớn nhất từ trước đến nay" và cho biết nó có thể đóng vai trò là thước đo cho các công ty khác.
"Điểm mấu chốt là không có công ty nào, dù lớn đến đâu, có thể đứng trên luật pháp", Shweta Khajuria bình luận.
Max Willens, nhà phân tích tại hãng eMarketer, không tin rằng phán quyết này sẽ khiến các Big Tech khác lo ngại. Ông nói: "Phán quyết đó không chắc chắn báo hiệu những công ty khác đang trong tình trạng tồi tệ".
Max Willens nói: "Tất cả các vụ kiện này đều liên quan đến những hoàn cảnh rất khác nhau".
Ông lập luận rằng Google sẽ "tự bảo vệ mình một cách mạnh mẽ" và kháng cáo quyết định này, có thể trì hoãn phán quyết cuối cùng trong nhiều năm. Max Willens dự đoán rằng các công ty sẽ không thay đổi hoạt động kinh doanh của mình trước thời điểm đó.
Max Willens cho biết: "Phát quyết này là sự mới mẽ nhưng sẽ không khiến các công ty phải thực hiện biện pháp quá quyết liệt đến mức làm suy yếu hoạt động kinh doanh của họ".
Shweta Khajuria cũng không nghĩ rằng các công ty khác sẽ hành động để ngăn chặn một kết quả tương tự, nhưng nói các Big Tech sẽ thận trọng hơn khi thực hiện các vụ mua lại lớn có thể hướng sự chú ý vào họ.
Dan Ives cũng lập luận rằng mặc dù mô hình kinh doanh khó có thể thay đổi đáng kể, nhưng quyết định này có thể thúc đẩy Apple giải quyết vụ kiện của mình trước khi ra tòa. Trong lưu ý gửi đến các nhà đầu tư, Dan Ives dự đoán rằng Apple đạt được một vụ dàn xếp trong vòng 12 đến 18 tháng tới.
Rõ ràng là quyết định của Mehta trong vụ Bộ Tư pháp Mỹ kiện Alphabet đã phá vỡ nhận thức rằng các Big Tech với các luật sư có năng lực cao và nguồn lực khổng lồ là bất khả chiến bại tại tòa án.
Một phán quyết gây chấn động như vậy chắc chắn sẽ khiến các Big Tech khác phải cảnh giác.