Hàn Quốc, Trung Quốc cùng Nhật Bản bày tỏ thái độ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un không thể đạt thỏa thuận trong lần gặp gỡ mới nhất.
Dù lấy làm tiếc nhưng phía Seoul khẳng định hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã tạo ra nhiều tiến bộ có ý nghĩa hơn bao giờ hết, đặc biệt Tổng thống Trump thể hiện sự lạc quan, đồng thời cam kết tiếp tục đối thoại, đem lại triển vọng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác.
Theo thông cáo từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc: “Việc ông Trump tiết lộ ý định nới lỏng hoặc dỡ bỏ trừng phạt tương ứng với những biện pháp phi hạt nhân (phía Triều Tiênthực hiện) cho thấy đối thoại giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới”.
Hàn Quốc mong Mỹ - Triều tiếp tục đối thoại tích cực ở nhiều cấp. Chính quyền Seoul quyết duy trì động lực đối thoại bằng mọi cách có thể.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sẽ đánh giá hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sau khi nghe bên có thẩm quyền từ hai nước này công bố thông tin. Người phát ngôn Lục Khảng lưu ý: “Chắc chắn không thể giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên kéo dài nhiều năm chỉ qua một đêm”.
“Chúng tôi hy vọng họ tiếp tục thực hiện nhiều cuộc đối thoại để giải quyết vấn đề, tôn trọng mối quan tâm chính đáng của nhau, thể hiện sự chân thành”, theo người phát ngôn Lục.
Trong ngày 28.2 lúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc không lâu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hội kiến Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Kil-song tại thủ đô Bắc Kinh.
Ông Vương nhân dịp gặp gỡ khẳng định cường quốc châu Á sẵn lòng đóng vai trò mang tính xây dựng, mong muốn Triều Tiênduy trì đối thoại với Mỹ.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố ông hoàn toàn ủng hộ quyết định chấm dứt hội nghị thượng đỉnh mà không có thỏa thuận của Tổng thống Trump, đồng thời nhắc lại ý định gặp nhà lãnh đạo Kim.
Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội kết thúc đột ngột mà không đem lại kết quả như mong muốn. Tổng thống Trump nói rằng bất đồng giữa hai bên nằm ở vấn đề trừng phạt, còn Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho giải thích:
“Chúng tôi đưa ra một số đề xuất mang tính thực tiễn. Nếu Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận nhằm vào nền kinh tế Triều Tiên nói chung và cuộc sống của người dân Triều Tiên nói riêng, chúng tôi sẽ dỡ bỏ hoàn toàn cơ sở sản xuất hạt nhân tại Yongbyon”.
“Triều Tiên đang phải chịu 11 lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5 lệnh trong số này. Hai bên trong đàm phán đã thảo luận chuyện ngừng lâu dài thử hạt nhân cũng như thử tên lửa tầm xa. Nhưng phía Mỹ yêu cầu chúng tôi phải tiến xa hơn, loại bỏ hoàn toàn các cơ sở hạt nhân. Chính vì yêu cầu này mà thỏa thuận đã không thể đạt được”, theo Ngoại trưởng Ri.
Cẩm Bình (theo CNN, Straits Times, CGTN, Reuters)