Các quốc gia lớn nhất châu Âu, trong đó có Pháp và Đức đang mở rộng sự giúp đỡ chính phủ Hungary trước các hạn chế của Ủy ban châu Âu (EC).

Pháp, Đức đang làm gì để kéo Hungary tách xa Nga?

Hoàng Vũ | 06/12/2022, 21:32

Các quốc gia lớn nhất châu Âu, trong đó có Pháp và Đức đang mở rộng sự giúp đỡ chính phủ Hungary trước các hạn chế của Ủy ban châu Âu (EC).

Pháp và Đức, cùng với Ý, đang dẫn đầu một nhóm gồm khoảng 12 chính phủ kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) xem xét lại quyết định đóng băng 7,5 tỉ euro quỹ dành cho Hungary vì quốc gia này đã đạt được nhiều tiến bộ hơn trong các biện pháp chống tham nhũng.

Sự hỗ trợ từ các quốc gia hùng mạnh nhất của khối đặt ra nghi ngờ về cam kết chung của EU trong việc trừng phạt chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban bởi những cáo buộc hạn chế các quyền tự do dân chủ. Các bộ trưởng tài chính nhóm nước EU nói trên hôm 6.12 đã họp để thảo luận về vấn đề này.

“Chính quyền Hungary đã đạt được tiến bộ đáng chú ý. Một số cải cách nhất định đã được thực hiện, vẫn còn những yếu tố bổ sung được mong đợi”, một quan chức Bộ Tài chính Pháp cho Politico biết.

Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước đã đề xuất duy trì việc đóng băng các quỹ hỗ trợ sau khi nhận thấy những thành tựu của Hungary trong việc bảo vệ ngân sách EU khỏi gian lận là “không đủ”. “Chúng tôi có những cam kết, chúng tôi có những lời hứa, nhưng dường như Hungary vẫn chưa thực hiện”, Ủy viên ngân sách EU Johannes Hahn cho biết.

Tại một cuộc họp của các đại sứ EU vào tuần trước, Pháp và Đức đã không đồng ý với quyết định trên của Ủy ban châu Âu. Hai quốc gia này lập luận rằng chính phủ của Thủ tướng Hungary Orban đang thực hiện 17 cải cách chống tham nhũng theo yêu cầu của EC để tránh bị đóng băng quỹ, và điều này nên được phản ánh bằng cách giảm tỷ lệ đóng băng.

Berlin và Paris đang yêu cầu cơ quan hành pháp cao nhất của Liên minh châu Âu thực hiện một đánh giá mới bao gồm các cải cách mà chính phủ Hungary vừa mới thông qua. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu EC có đưa ra đánh giá sửa đổi hay không. “Chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra”, Cao ủy kinh tế EU Paolo Gentiloni cho hay.

Ủy ban châu Âu hôm 30.11 đã chấp thuận kế hoạch phục hồi hậu đại dịch COVID-19 của Hungary nhưng cho biết Budapest sẽ không được giải ngân khoản hỗ trợ tổng cộng 5,8 tỉ euro cho tới khi thực hiện những cải cách trong lĩnh vực tư pháp và chống tham nhũng.

EC cũng đề nghị chính phủ các nước EU đóng băng khoản quỹ 7,5 tỉ euro trích từ ngân sách của khối cho Hungary như một phần quỹ dành cho các thành viên nghèo khó hơn để đảm bảo tiêu chuẩn sống bình đẳng hơn cho người dân trong toàn khối. Những đề xuất trên được EC đưa ra sau nhiều tháng đàm phán với chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban liên quan những cải cách tư pháp và chống tham nhũng.

Lập trường mềm mỏng hơn của Pháp và Đức khi cố gắng giúp đỡ Hungary được cho là nhằm tách Budapest khỏi ảnh hưởng của Nga, có khả năng khiến xung đột với một nhóm quốc gia khác, bao gồm các nước nhóm Benelux (Bỉ, Hà Lan và Luxembourg), Đan Mạch, Thụy Điển và Latvia, những nước ủng hộ biện pháp cứng rắn của Ủy ban châu Âu.

“Các chính phủ EU không được lùi bước ngay bây giờ. Chúng tôi kêu gọi đa số quốc gia thành viên cần mạnh mẽ ủng hộ pháp quyền và chống lại nỗ lực của chính phủ Hungary nhằm làm suy yếu sự đoàn kết và dân chủ của châu Âu”, một ủy viên châu Âu cho biết.

Tuyên bố chung hôm 3.12 giữa G7, EU và Úc đã đồng ý đặt mức giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng có hiệu lực từ ngày 5.12. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 5.12 đã tuyên bố nước này có quyền miễn trừ việc áp giá trần dầu Nga vừa đặt ra.

Ông Szijjarto cũng chỉ trích sáng kiến áp giá trần dầu Nga và cho rằng đã đến lúc EU cần nhận ra rằng các biện pháp như thế này "làm tổn thương nền kinh tế châu Âu nhiều nhất". Ông cho rằng thay vì đặt giá trần dầu Nga, các nước nên tìm cách tăng các nguồn cung năng lượng.

Tại sao Hungary thường xuyên phản đối lệnh trừng phạt của EU với Nga?

Dù Hungary cho đến nay đã ủng hộ hầu hết các biện pháp hạn chế chung của EU với Nga nhằm đổi lấy nhiều sự miễn trừ trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga, Thủ tướng Orban lại nổi lên là người chỉ trích hàng đầu về các biện pháp trừng phạt Nga ở châu Âu, thậm chí ngay cả trước cuộc chiến tranh tại Ukraine nổ ra.

Hungary hiện đang phủ quyết hai quyết định quan trọng của EU gồm gói viện trợ trị giá 18 tỉ euro cho Ukraine và mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia. Chính phủ Ukraine đang rất cần gói viện trợ để cân bằng ngân sách của mình trong bối cảnh EU đang chịu áp lực từ Kyiv và Mỹ trong việc cung cấp các khoản tiền trợ cấp. Do đó, lo ngại ngày càng tăng về việc Hungary sẽ chính thức phủ quyết các lệnh trừng phạt tương lai của EU đối với Nga không phải là không có cơ sở.

Được biết, đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Orban vốn từng là một phe chính trị thân phương Tây, trong những năm qua đã dần dần chuyển hướng sang lập trường gần Nga. Đa số cử tri của Fidesz tin rằng Ukraine và Mỹ phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột chứ không phải là Nga. Do đó, đối với ông Orban, việc chỉ trích Nga sẽ có nghĩa là đảng Fidesz của ông có thể mất một phần đáng kể cử tri.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Hungary cũng có khả năng sử dụng các biện pháp trừng phạt như một công cụ thương lượng để đảm bảo tiếp tục nhận được hàng tỉ euro từ các gói hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), vốn đã bị đình trệ vì những lo ngại về pháp quyền.

Bài liên quan
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pháp, Đức đang làm gì để kéo Hungary tách xa Nga?