Thông tin trên được Thanh tra Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2018 vào chiều nay (4.1).

Phạt các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm gần 17 tỉ đồng

Hồ Quang | 04/01/2019, 20:07

Thông tin trên được Thanh tra Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2018 vào chiều nay (4.1).

Theo Thanh tra Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM trong năm 2018, các đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm của TP đã thực hiện thanh, kiểm tra 41.032 cơ sở, phát hiện 11.912 trường hợp (chiếm 27,8%) vi phạm qui định về an toàn thực phẩm. Đã có 2.780 cơ sở vi phạm bị phạt tiền với tổng số tiền phạt 16.991.884.000 đồng.

Trong số các cơ sở vi phạm bị xử phạt trong năm 2018 vừa qua, thì cơ sở vi phạm nghiêm trọng nhất là Công ty TNHH Hotel Student. Đây là công ty chuyên sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng nhưng không đảm bảo an toàn thực phẩm bị phạt với số tiền lên đến 114.500.000 đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn yêu cầu công ty này ngưng hoạt động, buộc tiêu huỷ 404,1kg nguyên liệu, 669,6kg hàng hoá sản phẩm không nhãn mác, 808,3kg bán thành phẩm chưa ép vỉ và 214,320 viên thực phẩm chức năng đã được ép vỉ cùng 13 loại sản phẩm được chứa đựng trong hơn 220 thùng sản phẩm thành phẩm.

Bên cạnh đó, còn có một số đơn vị vi phạm an toàn thực phẩm nổi cộm khác cũng bị xử phạt nặng như: hộ kinh doanh của ông Nguyễn Văn Quảng và bà Ngọc Châu buộc tiêu huỷ 30.038kg sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm; Công ty TNHH Suất ăn công nghiệp Song Hiếu (khu phố 7,phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) bị xử phạt 66 triệu đồng, buộc tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm cải bắp, nấm, đậu que... do không có nguồn gốc xuất xứ.

Ông Dương Phát Chiếu - Phó phòng Thanh tra, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu làdo ý thức chấp hành các qui định về pháp luật an toàn thực phẩm chưa tốt, điều kiện vệ sinh nơi sản xuất xuống cấp, chưa cập nhật đầy đủ các hồ sơ pháp lý về an toàn thực phẩm, vi phạm về quy định khám sức khoẻ cho người lao động tham gia vào quá trình kinh doanh chế biến thực phẩm...

Riêng về lĩnh vực sản xuất nước đóng bình, nước tinh khiết, ông Chiếu cho hay quá trình thanh, kiểm tra cũng phát hiện một số cơ sở vi phạm quy định trong sản xuất thực phẩm như:sử dụng nước giếng súc vỏ bình, sử dụng nước giếng làm nguyên liệu sản xuất nước đóng bình mà chưa hề kiểm nghiệm định kỳ nguồn nước, vệ sinh bình chưa đúng dẫn tới sản phẩm nhiễm vi sinh...

Ngoài ra, theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM còn nhiều cơ sở tìm cách đối phó với việc thanh kiểm tra, chưa chấp hành đầy đủ các qui định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đầy đủ và bất chấp lợi nhuận mà nhiều cơ sở sản xuất chế biến các mặt hàng không đảm bảo, an toàn cho sức khoẻ người dân.

Tuy nhiên, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP cũng cho rằng cán bộ thanh, kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, yếu kém. Điều này là do cán bộ làm công tác thanh kiểm tra an toàn thực phẩm tại tuyến quận huyện còn yếu nghiệp vụ, trong khi phải thực hiện làm việc trong hoàn cảnh kiêm nhiệm, việc xử lý còn chưa triệt để, thiếu tính răn đe, mà chủ yếu là nhắc nhở.

Hồ Quang

Bài liên quan
Nắng nóng gay gắt, cần lưu ý về an toàn thực phẩm
Mùa hè năm nay nắng nóng đặc biệt gay gắt, có thể nhiệt độ cao kỷ lục. Nắng nóng và độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, phát sinh vấn đề an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạt các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm gần 17 tỉ đồng