Sáng 10.7, lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn quốc đã diễn ra. Đây là chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước đến nay.

Phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay

Lam Thanh | 10/07/2021, 13:47

Sáng 10.7, lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn quốc đã diễn ra. Đây là chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước đến nay.

Ưu tiên vắc xin cho tuyến đầu chống dịch

Tại buổi lễ Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định thông điệp, quyết tâm của Đảng, nhà nước cùng toàn thể nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và đưa đất nước trở lại bình thường, phát triển.

vac-xin-2.jpg
Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ

Theo Thủ tướng, thời gian qua, nguồn cung vắc xin khan hiếm, và nước ta thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả nên không thuộc quốc gia được ưu tiên cung cấp vắc xin.

Với sự nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Bộ ngành liên quan trong ngoại giao vắc xin, đặc biệt việc nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất có thể, nên chúng ta đã có cam kết, viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trên 100 triệu liều trong năm 2021 và việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ và có kết quả bước đầu tích cực. Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện đã thực hiện tiêm chủng được khoảng 4 triệu liều vắc xin.

“Những liều vắc xin đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vắc xin được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Tôi đã cảm nhận được tình người sâu sắc bằng sự cảm thông của đồng bào dành cho nhau. Nhiều người chia sẻ, mong muốn trong lúc này vắc xin chưa có nhiều, hãy dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp để tiêm trước mà không so bì tính toán”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết mục tiêu của chiến lược vắc xin là tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vắc xin cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước. Mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc xin.

Theo Thủ tướng, dự kiến, chúng ta sẽ tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

"Dịp này, tôi kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chúng ta chiến thắng dịch bệnh. Đồng thời dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chúng ta không chủ quan sau tiêm mà vẫn cần thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Mỗi chúng ta hãy để thông điệp "mình vì mọi người và mọi người vì mình" và "thương người như thể thương thân" được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng, trong toàn thể nhân dân", Thủ tướng kêu gọi.

Chiến dịch có nhiều điểm mới

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mục tiêu lớn nhất của chiến dịch là tổ chức tiêm chủng cho người dân nhiều nhất, nhanh nhất, để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người dân.

Chiến dịch lần này có nhiều điểm thay đổi so với Chương trình tiêm chủng Quốc gia ở nước ta đã và đang thực hiện.

vac-xin.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp nhận vắc xin

Về vấn đề vận chuyển, phân phối, bảo quản vắc xin, Việt Nam đã thiết lập một hệ thống bảo quản hoàn toàn mới dựa vào lực lượng quân đội. Vắc xin sẽ bảo quản tại các kho của các quân khu mà Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế đã phối hợp thiết lập đạt tiêu chuẩn bảo quản GSP. Từ đó, vắc xin sẽ được chuyển tới tất cả các điểm tiêm ở các quận, huyện của các địa phương một cách nhanh nhất mà vẫn bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của vắc xin

Đồng thời, huy động một lực lượng lớn tổ chức tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm di động, cố định. Chúng ta dựa vào mạng lưới hệ thống y tế cơ sở của dân sự và y tế của quân đội, công an để triển khai đồng loạt công tác tiêm chủng, từ đó tăng tiến độ bao phủ vắc xin cho người dân.

Bộ trưởng cũng cho hay chiến dịch bảo đảm an toàn tối đa cho người tiêm chủng, “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khoẻ sau tiêm được triển khai trên toàn tuyến. Các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực của điều trị, dự phòng luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả các điểm tiêm, để xử lý kịp thời các tình huống.

Bộ Y tế đã sửa tất cả các hướng dẫn chuyên môn trên nguyên tắc bảo đảm cho người tiêm; phối hợp chặt chẽ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng. Đáng lưu ý nhất là ứng dụng “Sổ sức khoẻ điện tử” với các thông tin về tiêm chủng như đăng ký tiêm chủng, nhật ký tiêm chủng, theo dõi sau tiêm… Từ đó hình thành mã số cho mỗi người dân đã tiêm, để cấp mã QR. Mã QR chính là căn cứ để bảo đảm “hộ chiếu vaccine” sau này.

Bộ TT-TT và Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng một nền tảng ứng dụng trong tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19; Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin đã thành lập Tiểu ban giám sát chất lượng tiêm chủng. Tiểu ban này hoạt động mang tính chất độc lập tương đối để giám sát mọi hoạt động của quy trình tiêm chủng từ vận chuyển, bảo quản, phân bổ và tiêm chủng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chiến dịch lần này triển khai trên quy mô lớn, bảo đảm tiêm chủng 150 triệu liều vắc xin mà Việt Nam đã và đang đàm phán để đặt mua từ nay đến tháng 4/2022, nhằm tăng độ bao phủ vắc xin với người dân, đạt miễn dịch cộng đồng.

"Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của vắc xin trên toàn cầu, nên dù đã có những hợp đồng mua từ tháng 11.2020, những cam kết thoả thuận từ tháng 9.2020 nhưng đến nay chúng ta mới có vắc xin Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9.2021. Sau tháng 9.2021, lượng vắc xin về Việt Nam sẽ nhiều", Bộ trưởng cho biết.

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 năm 2021-2022. Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc xin COVID-19 trong năm 2021. Hết quý 1.2022, trên 70% dân số được tiêm vắc xin.

Trong kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, từ nay đến tháng 4.2022, Bộ Y tế đưa ra 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng và 4 nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm vắc xin.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay