Các nhà nghiên cứu ở Úc đã tìm thấy một loại protein trong phổi có khả năng bám dính vào vi rút SARS-CoV-2 và làm nó bất động, điều này có thể giải thích tại sao một số người không bao giờ bị nhiễm COVID-19 trong khi những người khác bị nặng.
Nghiên cứu được dẫn đầu bởi Greg Neely, giáo sư về bộ gien chức năng tại Trung tâm Charles Perkins của Đại học Sydney (Úc), phối hợp với tiến sĩ Lipin Loo và nghiên cứu sinh Matthew Waller. Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí PLOS Biology ngày 10.2.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tế bào người trong nuôi cấy mô để tìm kiếm toàn bộ bộ gien của con người để tìm các protein có thể liên kết với Sars-CoV-2.
Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng công cụ kỹ thuật di truyền có tên là Crispr, cho phép họ kích hoạt tất cả các gien trong bộ gien của người, sau đó xem xét xem gien nào trong số đó mang lại cho tế bào con người khả năng liên kết với protein gai của vi rút Sars-CoV-2.
Neely nói: "Điều này cho phép chúng tôi tìm ra loại protein thụ thể mới có tên LRRC15. Sau đó, chúng tôi sử dụng mẫu phổi của những bệnh nhân tử vong do COVID-19 hoặc các bệnh khác và phát hiện ra những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nghiêm trọng có hàng tấn protein LRRC15 này trong phổi của họ".
Protein LRRC15 không có ở người cho đến khi vi rút Sars-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể. Nó dường như là một phần của hàng rào miễn dịch giúp bảo vệ khỏi nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, đồng thời kích hoạt phản ứng kháng vi rút của cơ thể.
Mặc dù những bệnh nhân chết bởi COVID-19 có protein LRRC15, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng loại protein này không được sản xuất đủ để làm nhiệm vụ bảo vệ hoặc được sản xuất quá muộn.
Neely nói: "Khi chúng tôi xem xét phổi của những bệnh nhân chết do COVID-19, có rất nhiều loại protein này. Nhưng chúng tôi không thể nhìn vào phổi của những bệnh nhân sống sót sau COVID-19 vì sinh thiết phổi không phải là điều dễ dàng thực hiện trên người sống. Chúng tôi dự đoán rằng có nhiều protein này hơn ở những người sống sót so với những người đã chết".
Một nghiên cứu riêng biệt từ London (Anh) đã kiểm tra các mẫu máu để tìm LRRC15 cho thấy protein này trong máu ở những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 nặng thấp hơn so với những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ.
Neely cho biết: "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng mức độ protein LRRC15 cao hơn sẽ khiến những người mắc bệnh ít nghiêm trọng hơn. Thực tế là có một thụ thể miễn dịch tự nhiên mà chúng ta không hề hay biết, nằm trong phổi của chúng ta, ngăn chặn và kiểm soát vi rút. Điều đó thật thú vị".
Họ cũng phát hiện ra rằng protein LRRC15 cũng xuất hiện trong các tế bào nguyên bào sợi, các tế bào kiểm soát quá trình xơ hóa phổi, một căn bệnh khiến mô phổi bị tổn thương và có sẹo. COVID-19 có thể dẫn đến xơ phổi và phát hiện này có thể có ý nghĩa trong hội chứng COVID-19 kéo dài.
Neely cho biết: "Bây giờ chúng tôi có thể sử dụng thụ thể mới này để thiết kế các loại thuốc có tác dụng rộng có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của vi rút hoặc thậm chí ngăn chặn quá trình xơ hóa phổi". Ông cho biết hiện tại không có phương pháp điều trị tốt cho bệnh xơ phổi.
Mặc dù nghiên cứu này có thể mất nhiều năm để chuyển thành các loại thuốc có thể bảo vệ chống lại vi rút SARS-CoV-2 và các bệnh khác, nhưng Turville cho biết nghiên cứu này bổ sung thêm hiểu biết của chúng ta về khả năng miễn dịch bẩm sinh.