Đại học Bắc Carolina (Mỹ) phát hiện một chủng vi rút corona gây bệnh tiêu hóa ở lợn có khả năng lây sang các loài khác lẫn sang con người.
Vi rút mang tên SADS-CoV bắt đầu lây lan trong đàn lợn tại Trung Quốc từ năm 2016, khiến chúng bị tiêu chảy và nôn mửa. 90% số lợn con dưới 5 ngày tuổi nhiễm vi rút tử vong.
SADS-CoV được xác định cùng họ với SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Cả hai dường như đều xuất phát từ dơi.
Năm ngoái, một nhóm nhà dịch tễ học, nhà miễn dịch học và nhà vi sinh vật học thuộc đại học Bắc Carolina bắt tay nghiên cứu khả năng SADS-CoV lây sang các loài khác lẫn sang con người.
Nghiên cứu cho thấy vi rút có thể thích nghi và xâm nhập tế bào người (dùng tế bào gan, ruột, đường hô hấp làm vật chủ). Con đường lây truyền dễ xảy ra nhất là tiếp xúc giữa người làm việc trong nông trại với con vật mang mầm bệnh.
Chuyên gia dịch tễ Rachel Graham - thành viên nhóm nghiên cứu - cảnh báo hiện vẫn chưa biết SADS-CoV ở người sẽ gây ra bệnh gì.
“Dù gây bệnh tiêu hóa ở lợn, SADS-CoV trên người có thể gây bệnh hô hấp hay vấn đề khác”, theo chuyên gia Graham.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, đại học Bắc Carolina khuyến nghị theo dõi chặt chẽ tình hình lây lan SADS-CoV ở lợn tại Trung Quốc, cũng như sự xuất hiện bệnh không rõ nguyên nhân ở người.
Trước khi trở thành đại dịch như hiện nay, COVID-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán như một loại bệnh viêm phổi bí ẩn. Vì giới chức địa phương phản ứng chậm và đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của SARS-CoV-2 mà dịch bệnh lây lan nhanh chóng sau đó.